Một kẻ, trông rất ngáo ngơ, vượt qua rào bảo vệ, thản nhiên leo lên ngai vàng rồi bẻ gãy phần tựa tay bên trái của bảo vật quốc gia. Những mẩu gỗ rụng ra, nằm lăn lóc trên sàn điện Thái Hòa.
Đó không chỉ là một hiện vật gỗ sơn son thếp vàng vô tri – đó là linh hồn của các triều đại, là biểu tượng quyền lực đã tồn tại hơn 200 năm giữa lòng cố đô Huế.
Ngai vàng triều Nguyễn – bảo vật quốc gia – được đặt giữa điện Thái Hòa với hàng rào chắn thấp, không có kính bảo vệ, thiếu hệ thống cảm biến và giám sát hiện đại. Khoảng cách giữa hiện vật và người xem quá mong manh khiến nhân viên an ninh khó lòng phản ứng kịp. Chỉ vài giây sơ hở cũng đủ để kẻ thiếu ý thức gây ra hậu quả khó khắc phục.
Sự việc ở Huế, tôi cho là rất nghiêm trọng, nhưng không phải cuộc phá hoại di sản đầu tiên. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam bị vẽ bậy. Rùa đá Văn Miếu thành nơi tập viết. Hang động Vịnh Hạ Long mang vết sơn loang lổ từ thập niên 1960… Di sản Việt khắp nơi vẫn đang chịu đựng sự phá phách xưa nay.
Và không riêng ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác, di sản cũng là mục tiêu tấn công thường xuyên. Bức họa Mona Lisa là một ví dụ.
Hồi tháng 1/2024, hai nhà hoạt động môi trường thuộc nhóm Riposte Alimentaire đã ném súp bí đỏ vào lớp kính bảo vệ bức tranh Mona Lisa tại Bảo tàng Louvre, Paris. May mắn thay, nhờ lớp kính chống đạn, tác phẩm không bị hư hại.
Lớp kính chống đạn – tránh cho bức tranh khỏi tác động của các yếu tố con người và môi trường – là biện pháp an ninh được Bảo tàng Louvre áp dụng sau khi tác phẩm hư hại nhẹ, do bị một kẻ phá hoại ném axit vào, năm 1956.
Nhưng dù vậy, kể từ đó, nàng Mona Lisa vẫn tiếp tục phải chống chọi với các cuộc tấn công.
Tháng 4/1974, trong thời gian được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, một phụ nữ ngồi xe lăn phun sơn đỏ lên kính bảo vệ bức Mona Lisa. Năm 2009, một phụ nữ người Nga ném chiếc cốc sứ vào lớp kính, làm vỡ cốc nhưng không ảnh hưởng đến bức tranh.
Mới đây, vào tháng 1/2025, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch xây dựng một phòng trưng bày riêng cho Mona Lisa tại Louvre, giúp giảm thời gian chờ đợi của du khách và tăng cường bảo vệ tác phẩm, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Ngoài ra, Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Pháp Rachida Dati đã đề xuất sửa đổi luật pháp để xử lý nghiêm các hành vi tấn công vào tác phẩm nghệ thuật, ngay cả khi không gây hư hại trực tiếp, nhằm ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.
Trong khi đó, phần lớn di sản Việt Nam vẫn dựa vào mô hình bảo vệ thủ công: dây chắn, biển cấm, bảo vệ chạy đuổi theo sự cố. Những hàng rào đơn sơ này không thể nào phản ứng kịp trước hành động bột phát của những du khách thiếu kiểm soát.
Có lẽ, đã đến lúc nhìn nhận vấn đề không chỉ từ góc độ ý thức. Cách thiết kế không gian trưng bày và bảo vệ hiện vật đang lộ rõ điểm yếu. Di sản không chỉ đối diện với nguy cơ bị phá hoại, mà còn nhiều rủi ro khác, như trộm cắp, tráo đổi…
Liệu chúng ta đã đầu tư đủ để di sản “tự vệ”? Một hàng rào cao hơn, lớp kính chịu lực, hay công nghệ giám sát thông minh có thể trở thành rào cản hữu hiệu. Di tích không thể mãi phụ thuộc vào sự may rủi hay tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân.
Để bảo vệ di sản hiệu quả, cần áp dụng chiến lược an ninh toàn diện, bắt đầu từ đánh giá rủi ro kỹ lưỡng về vị trí, loại hiện vật và tiền lệ phá hoại để xây dựng kế hoạch phù hợp. Kiểm soát ra vào bằng máy dò kim loại, quản lý thẻ khách và giới hạn khu vực bảo quản cho phép người có thẩm quyền tiếp cận. Hệ thống giám sát gồm camera CCTV hồng ngoại, theo dõi 24/7 và báo động khi có hành vi bất thường.
Những biện pháp vật lý khả thi gồm hàng rào bảo vệ, cửa khóa sinh trắc học và kính chống vỡ tăng cường an toàn cho hiện vật. Nhân viên an ninh cần được đào tạo bài bản, được huấn luyện xử lý khẩn cấp và tương tác lịch sự với khách. Ngoài ra, cần chú trọng đến các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp, bao gồm diễn tập sơ tán, PCCC và di dời hiện vật khi cần thiết.
Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng bằng tần số vô tuyến) đang dần trở thành một giải pháp hiện đại trong việc bảo tồn và quản lý hiện vật tại các bảo tàng nhờ khả năng nhận dạng và theo dõi tự động qua sóng radio. Việc gắn thẻ RFID lên từng hiện vật cho phép giám sát liên tục, chính xác vị trí và số lượng theo thời gian thực, đồng thời giảm sai sót trong quản lý thủ công. RFID còn tăng cường an ninh, khi chỉ nhân viên được ủy quyền mới có thể tiếp cận hay di chuyển hiện vật.
National Gallery Singapore quản lý tác phẩm nghệ thuật hiệu quả bằng hệ thống Quản lý Tác phẩm tích hợp RFID (RAMS). Mỗi tác phẩm khi đến gallery được gắn một thẻ RFID chứa mã số riêng, liên kết với hồ sơ kỹ thuật số trong hệ thống. Nhân viên sử dụng máy tính bảng quét thẻ để theo dõi thông tin, vị trí và lịch sử di chuyển của tác phẩm từ kho lưu trữ đến bảo quản và trưng bày.
So với quản lý thủ công, RAMS cho phép quét đồng thời nhiều thẻ, tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác. Công nghệ trường gần (near-field technology) giúp quét tác phẩm dù chúng được cất giữ kín hoặc không nằm trong tầm mắt. Điều này giảm thiểu thao tác trực tiếp lên tác phẩm và hiện vật, hạn chế rủi ro hư hại và đảm bảo bảo quản nghiêm ngặt. Nhờ RFID, National Gallery Singapore không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tăng cường bảo vệ và trách nhiệm đối với bộ sưu tập nghệ thuật của mình.
Với bảo tàng, RFID mang lại bốn lợi ích chính gồm: tăng cường an ninh và phòng chống trộm, giám sát điều kiện bảo quản, quản lý kho hiệu quả và đơn giản hóa quá trình trưng bày cũng như cho mượn hiện vật. Theo tôi, đây là công cụ quan trọng giúp bảo tàng nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn, quản lý, nghiên cứu và bảo vệ di sản văn hóa.
Nhìn hình chụp những mảnh vỡ ngai vàng ngổn ngang trên mặt sàn, tôi bỗng nhận ra rằng, bảo vệ di sản không chỉ là giữ gìn hiện vật, mà là trách nhiệm chống lại sự phá hoại vô hình của thời gian và con người. Mỗi hành động thiếu ý thức, mỗi phút lơ là đều có thể làm tổn thương ký ức dân tộc.
Trình Phương Quân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bao-vat-bi-dap-pha-4890374.html