“Cuộc sống giờ nó là mong manh rồi… án tử treo trên đầu tôi rồi… tôi không còn gì để mất”.
Tôi ám ảnh với những lời khai rành rọt và ráo hoảnh khi vừa bị bắt của Bùi Đình Khánh – nghi can đã nổ súng khiến một thiếu tá công an hy sinh.
Suy nghĩ đó điển hình cho những kẻ đã xác định đánh cược mạng sống để lao đầu vào các hoạt động tội phạm, mà bị bắt nghĩa là chết. Khung án tử treo sẵn trên đầu khiến những kẻ này sẽ chống trả quyết liệt, bằng mọi giá. Không có số liệu đầy đủ, nhưng một thống kê công bố tại lễ kỷ niệm 25 năm (năm 2022) Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, 27 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Lời khai của Khánh khiến tôi kỳ vọng vào những tác động tích cực của đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh. 7 trong số đó được thay bằng hình phạt “tù chung thân không xét giảm án”. Tội còn lại thay bằng tù chung thân. Khi hiểu rằng, vẫn còn cơ hội sống dù bị bắt, những kẻ như Khánh sẽ không bị dồn đến bước đường cùng – chống trả tới chết. Đó là cơ sở để hy vọng giảm bớt những hy sinh, mất mát cho các chiến sĩ công an trong những cuộc vây ráp, truy bắt.
Nhìn rộng ra hơn, câu hỏi: án tử hình có phải là cách răn đe tội phạm hiệu quả nhất? vẫn là vấn đề gây tranh cãi xưa nay, tại nhiều quốc gia.
Tử hình là việc tước bỏ quyền sống của một người khi bị kết án thông qua xét xử. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất của hệ thống luật hình sự đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong các hội nghị của Liên Hợp Quốc về quyền con người, một lập luận thường được nhấn mạnh là: “Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy án tử hình có tác dụng răn đe cao hơn so với tù chung thân”. Đây là nhận định được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết năm 2023 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR). Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng dẫn lại hàng loạt nghiên cứu từ các viện chính sách ở Mỹ, Canada, Pháp, chỉ ra rằng việc giữ hay bỏ án tử hình không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tội phạm.
Sự răn đe của hình phạt không phụ thuộc vào mức độ khắc nghiệt, mà phụ thuộc vào hiệu lực thực thi pháp luật, năng lực điều tra và khả năng kết án đúng người – đúng tội.
Ở góc độ pháp lý, một trong những rủi ro lớn nhất của án tử hình là khả năng gây ra oan sai. Vẫn còn đó sự quan ngại về tính không thể sửa chữa sai lầm pháp lý, nếu có sai sót trong quá trình điều tra, xét xử, kết án và thi hành án. Ngay cả ở các quốc gia có hệ thống tư pháp hiện đại, vẫn từng xảy ra trường hợp tử hình nhầm người vô tội. Một khi đã thi hành án, sai lầm trở thành vĩnh viễn. Tại Việt Nam, nhiều vụ án oan trong lịch sử đã làm dấy lên lo ngại chính đáng về sự chính xác và hợp lý của quy trình tố tụng. Một xã hội pháp quyền không thể chấp nhận hình phạt mà ở đó chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể tước đi sinh mạng của người vô tội.
Việc lấy đi mạng sống của một người, dù phạm tội nghiêm trọng, được nhiều người xem là hành động trừng trị và gần như không bù đắp trực tiếp được cho nạn nhân. Vậy nên, họ tin rằng án tử hình đi ngược lại tinh thần nhân đạo mà pháp luật của xã hội văn minh cần hướng đến. Quan trọng hơn, án tử hình đi ngược lại quyền được sống – một trong những quyền con người cơ bản nhất, được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Việt Nam là thành viên của các điều ước này và đang cân nhắc tham gia Nghị định thư thứ hai kêu gọi bãi bỏ án tử hình. Việc duy trì hình phạt tử hình đang tạo ra khoảng cách giữa cam kết quốc tế và thực tiễn pháp lý trong nước.
Thống kê từ tổ chức Ân xá Quốc tế, đến 2023, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Nhân quyền đã vận động được 144 quốc gia (chiếm 74%) trên thế giới bỏ án tử hình trong hệ thống luật hoặc không còn áp dụng trong thực tế.
Ở cấp độ quốc tế, việc bãi bỏ án tử hình đang trở thành một chuẩn mực pháp lý mới, gắn chặt với hình ảnh của một quốc gia tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Hội đồng châu Âu, với 46 nước thành viên, đã đồng thuận ký kết Nghị định thư số 6 và số 13 của Công ước châu Âu về Nhân quyền, yêu cầu loại bỏ hoàn toàn án tử hình cả trong thời bình lẫn thời chiến. Nhiều hiệp định thương mại và hợp tác phát triển song phương giờ đây đều gắn với điều kiện tôn trọng nhân quyền, trong đó có yêu cầu cụ thể về bãi bỏ án tử hình.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thường xuyên kêu gọi Việt Nam có lộ trình xóa bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt thông qua các vòng đối thoại nhân quyền song phương và trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Trong báo cáo Đánh giá giữa kỳ EVFTA năm 2023, phía EU đánh giá cao các tiến bộ pháp lý của Việt Nam nhưng cũng tiếp tục nhấn mạnh mong muốn Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, bao gồm Nghị định thư thứ hai về bãi bỏ án tử hình mà Việt Nam vẫn đang cân nhắc tham gia.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cải cách luật hình sự. Số tội danh có khung hình phạt tử hình đã giảm đáng kể qua các lần sửa. Bộ luật Hình sự 1985 (sửa đổi 1997) quy định tới 44/218 tội danh có thể bị xử tử hình. Nhưng đến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), con số này giảm còn 18/314 tội danh.
Đây là một tiến bộ rõ rệt, thể hiện tư duy pháp quyền hiện đại: hình phạt tử hình chỉ còn dành cho các tội đặc biệt nghiêm trọng và được hạn chế trong xét xử thực tế.
Những cải cách này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các cam kết quốc tế, mà còn góp phần cải cách hệ thống pháp luật gần hơn với chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền hiện đại, minh bạch và nhân văn.
Bãi bỏ án tử hình không có nghĩa là dung túng cho cái ác. Đó là một tuyên bố về bản chất của công lý: không dùng cái chết để trả thù cái chết. Tuy nhiên, trong bối cảnh tội phạm còn phức tạp, dư luận xã hội chưa đồng thuận, và hệ thống tư pháp còn cần củng cố niềm tin, việc này nên được tiến hành với một lộ trình thận trọng. Giải pháp trung gian hợp lý cho Việt Nam là giữ hình phạt tù chung thân không xét giảm án – bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội nhưng vẫn giữ lại quyền sống và cơ hội sửa sai cho người phạm tội.
Việc bãi bỏ án tử hình, xét cho cùng, không chỉ là một quyết định lập pháp – đó là lựa chọn về giá trị và định hình bản sắc pháp lý của một quốc gia đang hội nhập sâu vào thế giới.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/an-tu-tren-dau-toi-roi-4876358.html