Dù học bất kỳ ngôn ngữ nào, mục đích cuối cùng vẫn luôn là để giao tiếp, tức là xoay quanh bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Trong đó, khó khăn lớn nhất với phần lớn mọi người là phát âm. Điều tưởng chừng dễ như hít thở với người bản ngữ lại dường như là nhiệm vụ bất khả thi với phần lớn người học ngoại ngữ. Vậy nên tôi có thể hiểu khi có ý kiến đề nghị giáo viên phát âm không chuẩn thì không nên dạy phát âm. Các nghiên cứu ngôn ngữ đã tổng hợp 5 khó khăn chính trong việc học phát âm là: chuyển dịch quán tính của ngôn ngữ mẹ đẻ, nguyên tắc phát âm mới lạ, từ vựng giới hạn, thiếu môi trường thực tập, và cảm giác sợ phải nói.
Tôi có đủ cả năm yếu tố trên. Tôi luôn cho rằng mình là dân kỹ thuật nên không nhanh nhạy với việc học ngoại ngữ, luôn tốn nhiều công sức hơn mà kết quả thu được chỉ ở mức trung bình. Nhưng tôi không những phải học một mà tới ba ngoại ngữ. Tiếng Anh sử dụng bảng chữ cái Latin, tiếng Nga sử dụng bảng chữ cái Kirin đều gần giống tiếng Việt. Vậy nên, khi phát âm tôi đều gặp kiếp nạn “nói như tiếng Việt”.
Câu chuyện càng tệ hại hơn khi học tiếng Trung. Hệ thống Pinyin chỉ có khoảng 1.300 cách phát âm cho khoảng 10.000 Hán tự giản thể phổ biến. Tức là cứ mỗi một cách phát âm sẽ tương ứng với khoảng hơn 7 từ đồng âm. Hơn thế, có rất nhiều phụ âm như “z”, “zh”, “c”, “ch”, “j”, “q” trong tiếng Trung đều được giới thiệu là phát âm gần giống chữ “ch” hoặc “tr” trong tiếng Việt. Mà người Việt hầu hết đều phát âm hai âm tiết này giống nhau. Khi nghe bài hát, đôi lúc tôi còn nghe thành “z”, “s”, hay “x”. Tôi nhờ đồng nghiệp Trung Quốc sửa giúp, cô lại hướng dẫn tôi phát âm ký hiệu Pinyin “z” như “dz” hoặc “ds” với âm “d” gần như câm, chứ không phải là “ch”.
Nói chi tiết như vậy để thấy thách thức trong phát âm lớn đến thế nào, dù là một ngôn ngữ được xem là rất gần tiếng Việt.
Nhìn chung, việc phát âm các ngôn ngữ khác nhau sẽ khó khăn ở yếu tố ngữ điệu, thanh điệu, cao độ, trường độ, phụ âm đầu và cuối, trọng âm, giả trọng âm, biến âm, biến thanh, âm mũi, âm câm… và quan trọng nhất là kỹ phát âm.
Mặc dù có rất nhiều giọng và tiếng địa phương, ngôn ngữ nào cũng có giọng chuẩn. Tiếng Việt có giọng Hà Nội, tiếng Trung có tiếng phổ thông, tiếng Anh có Queen’s English (tiếng Anh của Nữ hoàng), tiếng Tây Ban Nha cũng có ngôn ngữ của nhà Vua. Việc học phát âm chuẩn sẽ tạo nhiều thuận lợi cho giao tiếp hơn là nói một thứ tiếng lai như Vinglish (một cách gọi đùa của tiếng Anh với lối phát âm tiếng Việt). Nếu soi xét kỹ lưỡng giáo viên nào có thể dạy phát âm tiếng Anh, tôi cho rằng, phần lớn giáo viên phổ thông ở Việt Nam sẽ không đạt chuẩn.
Trong thang đánh giá của IELTS, phải tới điểm 6, người nói mới ở mức “có thể hiểu được”, nhưng việc phát âm sai vẫn gây ra khó hiểu trong nhiều trường hợp. Phải đạt điểm 8 mới được tính là phát âm tốt, và chất giọng vùng miền không còn ảnh hưởng lên khả năng hiểu được trong giao tiếp. Thực tế, số người được điểm 8 cho kỹ năng nói ở Việt Nam không nhiều, không thể đủ để phủ các trường phổ thông ở Việt Nam.
Tôi cảm thấy vui mừng vì trình độ tiếng Anh của lớp trẻ ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, phần lớn người giỏi tiếng Anh có thể sẽ không đi dạy phổ thông. Còn đối với nhóm giáo viên chưa giỏi tiếng Anh, tôi không cho rằng đã có sự tiến bộ rõ rệt về phát âm.
Vậy muốn chuẩn hóa phát âm cho giáo viên ngoại ngữ ở Việt Nam cần một cải cách triệt để từ “máy cái” tới “máy con”, từ thành phố tới miền núi, với rất nhiều nghiên cứu về ngữ âm. Tôi từng nghĩ rằng việc này là bất khả thi, cho tới khi phát hiện ra sức mạnh của AI.
Nhìn chung AI có thể đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ của giáo viên dạy ngoại ngữ. Thứ nhất, ngoài phát âm mẫu, có một số AI phân tích tần số và so sánh với cách phát âm của người bản xứ để chỉ ra những âm mà người học đọc chưa chuẩn. Bên cạnh một số ứng dụng trả phí, có rất nhiều phiên bản miễn phí có hiệu quả rất tốt.
Thứ hai, AI có thể giao tiếp như người thường, không chỉ với tiếng Anh mà còn nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Giáo viên tiếng Trung của tôi muốn tập cãi vã với người đanh đá thì cài đặt nói chuyện với Tôn Ngộ Không, muốn tập nói chuyện với người cao tuổi, hay sử dụng từ cổ thì trò chuyện với Bồ Đề Tổ Sư. Thậm chí, có thể cài đặt để thực tập cách tỏ tình với bạn gái người Hoa.
AI ngày càng thông minh vượt trội khiến việc giao tiếp với AI cũng cho phép học cách nói linh hoạt trong giao tiếp của người bản xứ. Nhờ có AI, người học ngoại ngữ không cần phải… lên bờ Hồ “săn Tây”, vừa mất thời gian, vừa gây bất tiện cho khách du lịch. Bây giờ, người học ngoại ngữ có thể thiết lập giọng, tốc độ nói và thậm chí là tính cách và trình độ học thức của bạn tập nói AI.
Tôi cho rằng cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục có thể ban hành hướng dẫn sử dụng AI để học phát âm, mà không cần tập trung giáo viên về đào tạo lại. Đây sẽ là giải pháp vừa nhanh, vừa tiết kiệm, lại không cần quá nhiều nghiên cứu sư phạm. Tuy nhiên, có lẽ chỉ có một nửa lời giải cho bài toán phát âm nằm gọn trong chiếc điện thoại, vì AI chỉ giúp giải quyết một phần của năm trở ngại lớn nêu ra từ đầu bài. Một nửa còn lại sẽ nằm ở đam mê, sự dũng cảm và quyết tâm của người học, bước ra khỏi vùng an toàn và học được phát âm chuẩn.
Tô Thức
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ai-day-tieng-anh-4845555.html