Review Đào Phở Và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn: thành công của bộ phim đến từ việc khơi gợi lại những cảm xúc về một Hà Nội đã từng trải qua khói lửa bom đạn của chiến tranh. Câu chuyện phim không quá to lớn, nó giống như một góc phố cổ trong lòng thủ đô, nơi mà những lựa chọn mang tính cá nhân của mỗi người được đặt trong một cuộc chiến bảo vệ quê hương.
Nếu dừng lại xem credit sau phim một chút bạn sẽ thấy dàn cố vấn của Đào Phở Và Piano là những nhà văn, biên kịch có tên tuổi, là những người đã trải qua và sống trong một giai đoạn lịch sử như thế, nên những đóng góp của mỗi người đã khiến bộ phim chạm đến người xem thông qua những chi tiết nhỏ. Hơn nữa có rất nhiều ẩn dụ được cài cắm qua từng câu nói, từng hình ảnh của các nhân vật để biện giải cho hành động của họ.
Nội dung của Đào Phở Và Piano:
Câu chuyện của phim tái hiện lại bầu không khí 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, cũng là những ngày xuân không giống như bất kỳ ngày xuân nào của Hà Nội. Đó là thời điểm mà quân dân Thủ đô rút lui về chiến khu theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên vẫn có một số người lựa chọn ở lại vì những lý do cá nhân mà họ vẫn muốn giữ lấy trong cuộc chiến này.
Đó là một anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) muốn chứng minh với đồng đội rằng mình không phải là người vô dụng. Một cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh) muốn đàn cho người mình yêu bản nhạc đêm tân hôn. Một họa sĩ già muốn vẻ một bức tranh mà mình hài lòng. Cặp vợ chồng bán phở muốn làm một bát phở đúng vị. Một thằng bé đánh giày yêu nước. Một linh mục vô tình bị kẹt lại nơi chiến lũy…
Review Đào Phở Và Piano: những câu chuyện cá nhân khơi dậy ký ức về một Hà Nội trong chiến tranh
Phim có đoạn giới thiệu mở đầu khá ấn tượng, sau đó là phân cảnh tình cảm của một cặp đôi và mọi thứ kết thúc bởi âm thanh hiệu ứng từ bom đạn rất lớn. Việc chuyển cảnh này khá ấn tượng khi nhanh chóng đưa người xem tiến vào bối cảnh chính của bộ phim mà không cần thêm dòng thông tin khác hay lời dẫn truyện.
Đoạn chiến đấu mở đầu phim cũng được làm rất tốt, rất ít có cảm giác dàn dựng và những chi tiết nhỏ đủ để thấy được sự chênh lệch lớn giữa hai bên trong cuộc chiến này. Một bên xe tăng lớn, súng đạn hiện đại và một bên tận dụng tất cả những gì có được và tự chế thành vũ khí một cách đơn sơ nhất để trụ lại đến cùng.
Sau phân cảnh này từng nhân vật bắt đầu được giới thiệu, họ là những cá nhân có cuộc sống khác nhau nhưng khi chiến tranh xảy ra, câu chuyện của mỗi người lại bắt đầu giao thoa. Mọi thứ đan xen giữa những ký ức thời bình và hiện tại như một giấc mơ mà mỗi người cố gắng níu giữ lại. Đó đều là những điểm rất Hà Nội mà không một ai muốn nó mất đi.
Việc lựa chọn những mảnh truyện riêng tư như thế này khiến Đào Phở Và Piano dễ gần gũi và không bị khô cứng trong đề tài chiến tranh, bảo vệ tổ quốc. Nếu để dễ hình dung thì phim giống như một “bản nhạc vàng” đề cập đến những cảm xúc riêng lẻ con người bên cạnh tính chất khốc liệt của cuộc chiến ngày đó. Khi những “tinh thần lãng mạn” bài trừ chiến tranh theo cách riêng của mình.
Diễn xuất của dàn diễn viên khá tốt nhưng có thể nói Doãn Quốc Đam là người đã giúp mọi thứ trở nên tự nhiên hơn. Khi biểu cảm và cảm xúc của những nhân vật khác trở nên quá “mơ” thì anh thường là người kéo họ lại thông qua những lời thoại đời thường hơn. Tuy nhiên nhân vật này lại bị xây dựng không nhất quán, tinh thần và những hành động của anh không cân xứng với cái kết. Về phần nữ diễn viên Cao Thùy Linh thì có được phân cảnh ấn tượng nhất phim.
Dù vậy Đào Phở Và Piano vẫn có rất nhiều hạn chế khi phong cách dựng phim khiến nhịp điệu nhanh và ít chán nhưng những cảnh chuyển đôi lúc tốt, đôi lúc lại rất cục và đột ngột khiến phim không được liền mạch. Vài phân đoạn nhảy cóc khiến người xem phải tự hình dung cho câu chuyện. Cảnh chạy trốn bằng ô tô làm không tới và tâm lý nhân vật cũng khá bốc đồng không hợp lý. Kỷ xảo phim thì có thể châm chước vì vấn đề kinh phí.
Đào Phở Và Piano hiện đang chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội và các rạp Beta Media và Cinestar trên toàn quốc.