Review Cám: Sau một số tác phẩm điện ảnh như Rừng Thế Mạng, Chuyện Ma Gần Nhà, Kẻ Ăn Hồn, bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân vẫn khai thác thể loại kinh dị, theo phong cách máu me và ma mị đặc trưng. Có điều với bộ phim Cám, cả hai đã cho thấy mức độ đầu tư tốt hơn và kinh nghiệm trong việc kể chuyện.
Nội dung phim Cám được lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam là Tấm Cám. Tuy nhiên phim sẽ không tập trung vào nhân vật chính là Tấm mà sẽ khai thác câu chuyện về Cám, cô em gái cùng cha khác mẹ, từ khi sinh ra đã có gương mặt xấu xí khiến gia đình và người dân trong làng ghét bỏ.
Review Cám: dị bản đậm chất kinh dị từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam
Có thể nói bộ phim Cám đã lựa chọn khai thác theo hướng khá mới mẻ khi kết hợp yếu tố kinh dị trong một câu chuyện cổ tích khá phổ biến với người Việt. Khi trailer và những hình ảnh quảng bá đầu tiên của phim được tung ra, phần lớn đã nhận được những đánh giá tốt từ nhiều người xem cho phần hình ảnh, mức độ đầu tư về trang phục, hoá trang và bối cảnh. Các yếu tố này đã tạo dựng được bầu không khí cổ tích, cổ trang, kinh dị trong phim khá tốt.
Nội dung phim theo hướng dị bản kinh dị từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám, có nhiều thay đổi mang đến cảm giác mới mẻ. Khác với tuyến nhân vật trong truyện gốc, bộ phim thay đổi vai trò của hai chị em Tấm Cám, khi Tấm được mọi người yêu thương vì xinh đẹp, còn Cám vô tình sinh ra với gương mặt xấu xí thì bị ghét bỏ. Dù vậy cả hai đều là những đứa trẻ thiện lương, biết quan tâm chăm sóc và yêu thương nhau. Điều đó tạo đên sự tò mò cho những động cơ, ảnh hưởng khiến mối quan hệ cả hai thay đổi.
Một điểm cộng khác trong Cám là dù được phát triển theo hướng dị bản, có nhiều thay đổi so với câu chuyện cổ tích nhưng phim vẫn giữ lại những tình huống, những chi tiết nổi tiếng trong truyện: như chuyện cá bống, thử giày, nhặt thóc với gạo, hái cau, thậm chí cái kết của bộ phim cũng dựa vào những tình huống trong phim để giải thích hợp lý một số tình tiết được cho là “độc ác” trong truyện.
Thông điệp phim vẫn theo hướng cái thiện chiến thắng cái ác nhưng điều này được thể hiện khá ngắn gọn trong cái kết của bộ phim. Còn với rất nhiều sự kiện và những diễn biến khác, phim truyền tải nhiều hơn về nghiệp báo và những cảm xúc gia đình, cho thấy sự tham lam thường dẫn đến những hậu quả không tốt và dù vẻ ngoài của một người thế nào thì bản chất, nội tâm của họ mới là điều quan trọng.
Diễn xuất của dàn diễn viên chính trong phim khá ổn, cả hai nữ diễn viên chính Lâm Thanh Mỹ vai Cám, Rima Thanh Vy vai Tấm đều thể hiện khá tốt nhân vật của mình. Cả hai có nhiều phân đoạn bộc lộ cảm xúc từ nhẹ nhàng, cảm động khá tự nhiên đến những biểu cảm ma quái, quỷ dị trên gương mặt và hình thể. (Bài viết thuộc về Koicine.com)
Tuy nhiên Cám vẫn có một số hạn chế khi phim ôm đồm quá nhiều tình tiết khiến thời lượng bị dàn trải. Một số phân cảnh tập trung nhiều thời gian để các diễn viên bộc lộ cảm xúc, cả chính đến phụ. Phần mở đầu được lặp lại trong phim cũng tạo cảm giác hơi dư thừa. Có vẻ phim cũng đã bị cắt kha khá cảnh, khiến cho một số phân đoạn mạch phim hơi đứt, nhất là chuyện giữa Hoàng tử và Tấm. (Bài viết thuộc về Koicine.com)
Vì giữ lại hầu hết những tình tiết trong truyện cổ tích, nên một số được làm khá hay nhưng phần lớn hơi miễn cưỡng. Đó cũng là cảm xúc chủ yếu khi xem các bộ phim kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân: không mượt, có cảm giác gò ép khá miễn cưỡng. Thoại của một số diễn viên quần chúng hơi “phá game”.
Bộ phim điện ảnh Cám đã mang đến một góc nhìn và sự lý giải mới mẻ đối với những câu chuyện dân gian quen thuộc, phim hiện đang phát hành tại các rạp trên toàn quốc. (Bài viết thuộc về Koicine.com)