Nhà văn Nguyễn Trí – giải nhất thi viết về công nhân – lấy trải nghiệm đời lăn lộn làm thuê, lang bạt để sáng tác “Hoa xương rồng”.
Tiểu thuyết Hoa xương rồng của Nguyễn Trí đoạt giải nhất trị giá 300 triệu đồng cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do báo Lao Động, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Dịp này, nhà văn trò chuyện về nghề viết.
– Năm 2013, ông được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về văn xuôi cho tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương. Mười năm sau, ông tiếp tục đoạt giải văn chương lớn, cũng chủ đề đậm hơi thở cuộc sống. Cảm xúc của ông thế nào?
– Khi cuộc thi khởi động, tôi cho rằng không riêng tôi mà những cây bút khác đều nhận ra trách nhiệm với các vấn đề xã hội và con chữ muốn trình bày. Còn tôi đã viết là hết lực, không lun giá trị giải thưởng lớn hay nhỏ. Đề tài viết về công nhân và công đoàn là đề tài rộng, thật sự hấp dẫn.
Giải thưởng khơi dậy – ít nhất là với tôi – tình yêu của việc phải vừa đi thực tế vừa đọc nhiều hơn. Không đi để tiếp cận người thật, việc thật, và không đọc để xem những tác giả khác viết gì, nghĩ gì về giai cấp công nhân thì làm sao có thể nhìn ra những vấn đề thấu tình đạt lý.
Bởi, không thể ngồi trong phòng khách với máy lạnh, xem tivi hay laptop, Iphone mà có thể thấu hiểu, tâm tư tình cảm của người công nhân – những người đang lao động miệt mài, mưu sinh ở nhà máy, công trường. Tôi tham gia cuộc thi viết về họ bằng 101% sức lực, sau một trận bệnh trầm kha của bà xã và cuộc phẩm thuật tim mạch của tôi.
Nợ của tôi Chúa Chổm phải kêu bằng cụ. Lúc viết bản thảo, nói thật, tôi có mơ cái giải khuyến khích trị ba chục triệu đồng, chứ nào dám mơ cao. Thời khó khăn, tôi từng có chục năm là thợ hồ, 5 năm rưỡi là công nhân. Tôi dựa vào nhiều chất liệu của đời mình cất công xây dựng Hoa xương rồng trong hơn một tháng. Nói thiệt, tôi không tin tác phẩm của mình được giải nhất. Thật kỳ diệu.
– Ông từng làm đủ nghề: Từ nấu rượu, đi tìm vàng, khai thác đá quý, trầm hương, chặt củi, đốt than đến xe ôm, thậm chí dạy tiếng Anh. Nghề viết văn này so với những nghề kia thì như thế nào?
– Văn chương cũng là một nghề thôi. Với tôi, làm nghề nào mà không dày công thì người làm khó mà trụ được. Nấu rượu chẳng hạn, r.iêng khoản nước là cả một vấn đề, nắng gió là vấn đề thứ hai, men không dậy là ba. Nghề nào cũng phải tinh mới trụ được. Tuy vậy, văn chương là nghề khó. Trong nghề viết, viết nhiều chưa chắc đã tinh. Ai làm nghề trầm hương cũng hiểu xỉa cho được một sợi trầm khó hơn đốn tre hay ve gái nhiều. Ở đời có bốn cái ngu, khó thì ông bà đã mặc định “nhất đốn tre nhì ve gái”. Xỉa trầm khó hơn nhiều. Nhưng so với viết văn, sự khó của xỉa trầm chỉ là vào hàng thứ yếu.
– Nhà văn Nga nổi tiếng, hiệu trưởng Học viện Viết văn mang tên Marxim Gorky, Aleksey Varlamov từng nói: “Viết văn là một nghề cô đơn”. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
– Tôi đồng tình. Văn chương ai có đường đi nấy. Một mình một ngựa. Vấn đề đặt ra chỉ một mình ta biết, một mình ta hay, tự ta giải quyết. Chả ai giúp được gì. Nhưng rất thú vị khi vấn đề được giải phóng. Xong một truyện ngắn sướng cực kỳ khi vấn đề đi đúng hướng ta muốn.
– Những tác phẩm của ông là sự ghi nhận lại chân thực những gì ông đã trải qua. Quan điểm của ông về sự phản ánh hiện thực trong văn học?
– Tôi nghĩ tôi là một con người của hiện thực. Tôi chỉ viết những cái mà tôi đã biết một cách tường tận. Những đớn đau, những bất công của đời sống thôi thúc tôi phải phóng bút. Mỗi thời có một hiện thực bi đát và đau lòng khác nhau. Những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan trình bày thời mà mắt họ thấy tai họ nghe một cách tường tận. Tôi kính trọng bởi họ không né tránh. Tôi cũng vậy. Thấy sao viết vậy là quan điểm của tôi khi viết về hiện thực. Né chắc chắn người đọc sẽ cười ruồi mà phán cho chữ hèn. Nhà văn mà hèn là đồ bỏ.
– Trong những tác phẩm ông từng sáng tác, ông ưng ý nhất tác phẩm nào và tại sao?
– Đó là tập Ngoi lên từ đáy. Vì sao ư? Vì tôi từ đáy ngoi lên sau đó vuốt mặt, thở, đứng… rồi nhìn đời.
– Sắp tới ông còn mục tiêu nào khác để chinh phục trên con đường văn chương?
– Cuộc thi văn học nghệ thuật của TP HCM đang khởi động với rất nhiều hạng mục, trong đó, tiểu thuyết và truyện ngắn có giải thưởng lớn. Tôi đã viết xong một chương trên mười nghìn chữ cho một tiểu thuyết mà theo tôi rất khó. Một giang hồ già kể về một thời bôn ba ở Sài Gòn. Cuốn sách có tên Rửa tay gác kiếm.
– Có giọng văn và phong cách viết được xem là “ngồn ngộn hơi thở đời sống”, thậm chí “thô dã”, ông gặp khó khăn gì, ví dụ bị biên tập viên chỉnh sửa hay độc giả chê?
– Viết văn mà có giọng riêng là do được trời cho – tôi nghĩ thế. Văn tôi thô ráp, tôi biết. Có nhà phê bình thẳng thừng cho rằng giọng điệu kể chuyện của Nguyễn Trí là “giọng bợm nhậu”, truyện Nguyễn Trí cà kê theo kiểu “kể nghe chơi” chỉ phù hợp cho tầng lớp bình dân, hoặc nói văn của tôi là “văn thị trường, không đáng xếp vào dòng văn học tinh hoa”.
Đâu chỉ giới phê bình, giới sáng tác nhiều anh nghe nhắc tới Nguyễn Trí cũng một giọng khinh khỉnh: “Thằng chả viết ra gì, cỡ nào mà chung chiếu với các đàn anh”. Biết làm sao được khi cái tạng tôi nó thế. Papillon Người Tù Khổ Sai – hồi ký của Henri Charrière – cũng thô ráp, sống sượng nhưng lắm người mê đắm. Tôi là tôi thôi. Nhưng chưa có biên tập viên nào chê hay chỉnh sửa mà không qua ý của tôi.
Tác giả Nguyễn Trí quê Bình Định, từng xuất hiện trong phiên tòa đẫm nước mắt 13 năm trước, khi con gái ông là nạn nhân, qua đời sau một vụ đánh ghen ở khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nữ bị cáo năm đó 18 tuổi, đứng trước vành móng ngựa khi mới sinh con. Suốt buổi hầu tòa, người ẵm bồng em bé ở phía dưới chính là vợ ông Nguyễn Trí.
Ông sinh tại Bình Định, hiện sống tại xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Năm 2013, Nguyễn Trí được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về văn xuôi cho tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương. Năm 2016 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2023, ông đoạt giải Nhất hạng mục tiểu thuyết trong cuộc thi Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 với tác phẩm Hoa xương rồng.
Ngoài ra, Nguyễn Trí là tác giả của các tác phẩm Ăn bay, Ảo và sợ, Bụi đời và thục nữ, Mạt cưa – Rượu trắng – Đường vàng, Thiên đường ảo vọng, Trí Khùng tự truyện, Tuổi thơ không có cánh diều.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-ve-cong-nhan-khong-the-chi-ngoi-phong-may-lanh-4705359.html