Nhạc sĩ Trần Tiến nói không thích hát phòng trà, chương trình thương mại, chỉ muốn hát cho những số phận bất hạnh như thời du ca xưa.
Nghệ sĩ mới ra mắt kênh nhạc riêng trên một số nền tảng trực tuyến, chuẩn bị in sách, tổ chức chương trình du ca. Dịp này, ông nói về sức khỏe, những kỷ niệm cũ và tâm tư ở tuổi 77.
– Ông từng nói về một chương trình du ca ở đó Khánh Ly hát, Trần Tiến đệm đàn nhưng khán giả vẫn chưa thấy?
– Tôi đang lên kế hoạch. Nhưng du ca giờ khác du ca xưa rồi. Trước kia, tôi hát cho những người lính mất chân, mất tay, mất cả cuộc đời, hát cho những người công nhân, nông dân, những số phận bất hạnh. Nhạc tôi viết về họ. Họ mới là những người đáng được nghe.
Tôi không thích hát phòng trà, những chương trình thương mại bởi nhạc của tôi cứ có mùi tiền là dở hơi ngay. Trần Tiến chỉ thích đi hát từ thiện, hát chống Covid-19, hoặc xuất hiện trong liveshow của chính mình.
– Nhưng ông một thời liên tục viết nhạc theo đơn đặt hàng. Ông nói gì về công việc sáng tác này?
– Hồi đó tôi đói, tôi kiếm tiền để sống. Những cái đó tôi không coi là tác phẩm, nhưng mọi người đều khen. Những năm 80, thời mới vào Sài Gòn, tôi nghèo rách mồng tơi. Sợ làm phiền anh Trịnh Công Sơn, tôi ngủ lang thang ngoài vỉa hè, công viên Văn Lang. Sáng hôm sau, tôi dậy đi theo các ban nhạc đánh đám cưới để được ăn một bữa cơm không mất tiền. Khi người trong ban giới thiệu “Đây là nhạc sĩ đã viết Những đôi mắt mang hình viên đạn, họ mời tôi lên hát, lại có thêm một khoản.
Ai thuê gì tôi cũng viết, từ Sao em nỡ vội lấy chồng, Vết chân tròn trên cát đến Giai điệu Tổ quốc, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Mùa xuân gọi. Mỗi bài, tôi nhận được 17.000 đồng, lương cơ bản ngày ấy là 80.000 đồng.
Hồi ấy, các ca sĩ đầy ắp, nhưng người vừa đàn vừa hát bài do mình sáng tác không nhiều, chỉ có Đức Huy và tôi. Đức Huy lại sang Mỹ rồi. Các tụ điểm họ mời, những chẳng lẽ hát mãi bài Mặt trời bé con. Hai, ba ngày tôi ra một bài mới để kiếm sống, báo đài liên tục đưa tin: “Trần Tiến viết Tạm biệt chim én“, “Trần Tiến viết Giấc mơ Cha Pi“. Nhiều nhạc sĩ nhìn tôi như người ngoài hành tinh.
– Tâm thế và cảm hứng sáng tác của ông hiện này khác trước ra sao?
– Tôi bỏ rượu, thuốc từ lâu, thỉnh thoảng chỉ nhấp môi khi vui với bạn bè. Trước kia, cứ nghĩ phải uống rượu hút thuốc mới sáng tác được. Nhưng đó là mình tưởng tượng. 10 năm nay, tôi vẫn viết được bài hát hay.
Tôi nghĩ không có công thức nào cho việc viết một ca khúc hay. Tất cả là nhờ trời cho trái tim nhạy cảm, yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, yêu từng cái cây, ngọn cỏ, con kiến. Dưới ngòi bút của tôi là tâm hồn, là máu thịt của tôi. Mozart, Bach, Beethoven đều từ viết thuê kiếm sống mà trở thành tài, với điều kiện tiền chỉ để đủ sống thôi, còn linh hồn không bao giờ “bán cho quỷ”.
– Trong các câu chuyện về thời trẻ của ông thường có bóng dáng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ ảnh hưởng thế nào đến ông?
– Tôi yêu nhất hai người là mẹ tôi và anh Sơn. Anh Sơn nói với tôi ít lắm, nhưng câu nào cũng dẫn lối cuộc đời. Tôi tốt nghiệp bằng đỏ viết giao hưởng. Cuối cùng, tôi không viết bản nào, chỉ viết ca khúc, nhờ một câu của anh Sơn: “Một bản giao hưởng tồi thì làm sao hay hơn được một câu hò hay”. Tôi thì lại thích câu hò, thích nghêu ngao.
Có lần, tôi lang thang ở Sài Gòn, nghe một ông xích lô hát “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người” rồi gục xuống, chắc là đang say rượu. Tôi nghe mà rợn người. Cuộc đời họ chỉ cần một câu hát an ủi. Cái sự lay động của ca khúc hay khủng khiếp, chân thật hơn một bản giao hưởng nhiều, bởi giao hưởng là vận dụng kỹ thuật.
Thời mới vào Nam, bác ruột để cho tôi một căn nhà ở Nguyễn Thị Minh Khai, tôi không ở vì mẹ giận bác, dặn tôi không được đến đó. Tôi ở tạm nhà anh Sơn. Tôi là lính, ăn cơm rất nhiều, ăn thức ăn rất ít, mỗi bữa phải ba bát mới no. Mà bát của người Huế chỉ nhỏ bằng một nửa. Tức là, phải ăn sáu bát mới đủ. Thấy anh Sơn ăn đúng một chén, tôi lịch sự, không dám ăn nhiều, bỏ ra ngoài.
Anh sai em gái đi tìm, thấy tôi hốc hác, anh mắng: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người. Tiến có biết giờ Tiến rất nổi tiếng không. Đi với mình”. Anh dẫn tôi đến khách sạn Cửu Long, gặp cô lễ tân và hỏi: “Cháu có biết bài hát Những đôi mắt mang hình viên đạn không? Biết tác giả là ai không?”. “Biết chứ. Ông Trần Tiến”. Rồi anh Sơn chỉ vào tôi: “Ông ấy đây này”. Anh nói: “Em đã nổi tiếng vậy rồi, sao còn ngủ ngoài vườn hoa”. Tôi nghe lời anh về ở căn nhà của bác, đi biểu diễn để trang trải.
– Mọi người thường gọi ông là Tiến Gàn. Ở tuổi 77, cái “gàn” của ông thay đổi thế nào?
– Tôi vẫn gàn như xưa. Những người ngày xưa giễu tôi là Tiến Gàn – Gán Tiền, giờ đi đâu cũng khoe “Tôi là anh Trần Tiến ở cơ quan”, “Ngày xưa tôi đặt biệt danh cho Trần Tiến đấy”.
Xưa tôi ở đoàn văn công, làm việc xong, mọi người hay rủ nhau đánh tú lơ khơ. Tôi đọc sách, đọc hàng trăm hàng nghìn cuốn để luyện cách tư duy, suy nghĩ mới. Tôi thích xuống hỏi han người nông dân, xem họ mùa này thu hoạch thế nào, công hợp tác xã được bao nhiêu. Mọi người nói tôi “gàn” vì không chơi bài, không nhậu nhẹt, không tụ tập với anh em. Nhưng nhờ cái “gàn” đấy tôi mới thành Trần Tiến bây giờ, hiểu biết nhiều, nhạc đậm những câu chuyện cuộc đời. Cái gàn đó ai chẳng yêu.
– Điều gì khiến ông lập trang nhạc số, in sách nhạc sau nửa thế kỷ làm nghề?
– Cuộc đời tôi, cho đến bây giờ luôn sáng tác với tâm thế: Thích thì viết, mà viết cũng không để làm gì. Tôi thường viết để nghêu ngao một mình với bạn bè, với rượu, với cây cỏ, con dế. Đó là cái thú riêng. Nhưng ông trời vì một lý do nào đó, làm cho mọi người yêu nhạc của mình. Nhưng những người hát nhạc Trần Tiến hay nhất, kể cả cháu ruột là Hà Trần, đều không có văn bản nào, cứ thế truyền nhau hát, có ca sĩ còn hát sai lời. Đến cuối đời, tôi tự nhủ: “Có lẽ đã đến lúc mình phải in bài hát đó ra thôi, không ẩu như thế được nữa. Mọi người cần biết tôi từng sống trên đời này, từng viết bài hát như thế”.
Vừa hay mấy cậu em tôi, là dân IT, còn tự bỏ tiền giúp tôi lập tài khoản. Mỗi ngày, các cậu ấy báo tôi có bao nhiêu lượt nghe, nhưng tôi còn chưa mở ra xem, vì nghe nói phải mất tiền (cười). Thực ra, tôi tránh nghe nhạc của người khác, và càng tránh nghe nhạc của chính mình, bởi nếu nghe sẽ không viết được bài mới.
Ngoài ra, tôi cũng muốn hoàn thiện, chỉnh sửa những video tôi từng hát ca khúc của mình. Hay hay dở thì chưa biết, nhưng đó là bản gốc của tôi. Trong 518 sáng tác, tôi chọn ra khoảng 100 bài để giới thiệu.
– Phải chăng ông đang chuẩn bị sắp xếp di sản âm nhạc của mình để lại cho đời?
– Nếu tôi không để lại, chẳng lẽ mang từng ấy xuống đất hát cho giun, cho dế. Có phải phí của giời không. Để lại may ra còn có chút tiền mua thuốc uống. Không trông vào mạng trả tiền đâu, nhưng cứ tưởng tượng thế. Các em tôi nói sắp giàu rồi. Có khi lại chẳng biết tiêu gì. (cười).
Thực ra tôi không chuẩn bị gì cho cái chết. Hồi bị ung thư, tôi có sợ chết thật và cố vượt qua, chịu mọi đau đớn để xạ trị, còn viết bài Không gục ngã cổ vũ chính mình. Đến bây giờ, mọi thứ mới tạm ổn thôi, bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào trong vòng 5 năm, giờ mới được ba năm. Tôi vẫn nói: Sống không vui thì chết có gì đáng sợ. Tôi vẫn thế, bụi và bố láo cho đến chết.
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông là ca sĩ của đoàn. Năm 1971 đến 1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng. Năm 1992, ông mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM, hoạt động trong bảy năm.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87) và dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà).
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tran-tien-nhac-cua-toi-cu-co-mui-tien-la-do-hoi-4700675.html