Tác giả Peter Frankopan cho rằng môi trường tự nhiên là yếu tố quyết định đến lịch sử loài người, trong sách “Trái đất chuyển mình”.
Peter Frankopan, 53 tuổi, là giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford (Anh), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Byzantine. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge với giải thưởng về nghiên cứu lịch sử, từng là chuyên gia nghiên cứu tại trường này. Tác giả còn là chuyên gia thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Anh, Hiệp hội Nhân học Hoàng gia Anh, một trong 10 cố vấn của chính phủ Trung Quốc.
Tác phẩm gồm 24 chương, được chia thành ba phần: Lịch sử loài người và môi trường tự nhiên, sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế, tầm quan trọng của môi trường với tiến trình lịch sử loài người.
Frankopan cho rằng các yếu tố địa chất, trên vũ trụ và ngầm dưới lòng đất to lớn đã tạo ra nơi thích hợp để con người tồn tại. Theo tác giả, con người chỉ sống trong một phần nhỏ thời gian của trái đất, và sự tồn tại này xảy ra sau khi những biến đổi lớn ảnh hưởng đến hành tinh, gồm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của nhiều sinh vật.
Đồng thời, sự hưng thịnh của loài người trong 10.000 năm qua chỉ có thể thực hiện nhờ khí hậu ổn định, giúp tạo ra các kiểu thời tiết phù hợp, cho phép trồng trọt ngũ cốc. Điều này cho phép con người xây dựng các thành phố, buôn bán, xây dựng luật pháp, đặt nền móng cho việc ghi lại những suy nghĩ và lịch sử thành văn.
>>> Trích sách Trái đất chuyển mình
Từ đầu, sách chỉ ra loài người nhận thức rằng cơ may sống sót có mối liên hệ với cách đối xử với môi trường tự nhiên. Trong đó, tác giả lấy ví dụ về những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới làm dẫn chứng.
Frankopan còn phân tích điều kiện khí hậu đã giúp đỡ hoặc cản trở nỗ lực của con người ra sao. Ông lấy ví dụ 300 năm đầu tiên mở rộng của Đế chế La Mã là thời kỳ “mức độ hoạt động núi lửa thấp bất thường, ít hiện tượng thời tiết cực đoan và các kiểu khí hậu có thể dự đoán được”. Đây là thời kỳ ổn định ở lưu vực Mississippi, Trung Mỹ và Thung lũng Teotihuacan (Mexico). Tuy nhiên, khi thời tiết trở lạnh và mùa màng thất bát vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, các đế chế nhanh chóng rơi vào tình trạng bất ổn.
Tác giả không xem sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế là do điều kiện khí hậu, thay vào đó, Frankopan giải thích việc mất mùa nhiều lần, lũ lụt hoặc hạn hán kéo dài đã tạo thêm căng thẳng cho các hệ thống vốn có sự phân cấp và bất bình đẳng. Sách góp phần đưa độc giả trở về hàng nghìn năm trước, khi con người biết rằng sự sống bấp bênh của họ phụ thuộc vào mối quan hệ với môi trường. Đôi khi chỉ cần một thảm họa thiên nhiên lớn, như thiên thạch va chạm hay đại hồng thủy đều có thể biến mọi thứ thành tro bụi.
Các ví dụ được đưa ra cũng rất đa dạng, từ sự sụp đổ của nền văn minh Moche ở Nam Mỹ do tác động của hiện tượng El-Nino, hay sự thay đổi quyền lực ở Baghdad thế kỷ 11 liên quan đến các hiện tượng thời tiết bất thường tác động tới hoạt động sản xuất bông vải.
Sách còn cập nhật những mối nguy hiểm của nhân loại mới nhất, từ nạn cháy rừng ở Australia những năm 2019-2020, hay Covid-19, các mối nguy cơ trước mắt như hiện tượng trái đất ngày một nóng hơn, dẫn đến hạn hán, thiếu nước.
Trong lời giới thiệu dành riêng cho ấn bản tiếng Việt, tác giả Frankopan viết: “Chúng ta không thể hiểu được quá khứ nếu không có cái nhìn bao quát về thời gian và không gian, về địa lý và về sự thật rằng chúng ta là những sinh vật sống”. Ông cho biết đã đọc thơ của vua Trần Minh Tông trong sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và đã bị cuốn vào những áng thơ miêu tả cảnh sắc Việt: “Núi biếc cao vút, tua tủa như gươm giáo kéo lấy tầng mây”.
Ngoài ra, sách có nhiều tư liệu tranh ảnh phong phú, gồm 15 bản đồ, trong đó có bản đồ thể hiện sự phân tán của con người từ khoảng 200.000 năm trước, bản đồ về sự phân tán của tôn giáo và đại dịch cái chết đen. hình ảnh về công trình định cư quy mô lớn của con người từ 2.500 năm trước.
Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Cây bút Gerard DeGroot của The Times bình luận: “Frankopan tập hợp các công trình nghiên cứu thành một cuốn sách đồ sộ, toàn diện, đầy đủ thông tin và hấp dẫn”. Trang Spectator nhận xét: “Bản tóm tắt đáng kinh ngạc về nghiên cứu toàn cầu. Giá trị của tác phẩm nằm ở sự hiểu biết sâu sắc không chỉ về mặt khoa học mà còn về mặt văn hóa và triết học”.
Tạp chí Coral Gables Magazine viết: “Ngay khi nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và thiên tai leo thang, cuộc khủng hoảng môi trường vẫn rất khó dự đoán. Frankopan cho thấy các đế chế trong quá khứ gặp thảm họa vì không hoạt động bền vững với môi trường. Tác phẩm giúp điều chỉnh lại cách con người nhìn về tương lai”.
Tháng 12/2023, tác phẩm nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất năm của tạp chí The New Yoker, nhận đề cử hạng mục Sách lịch sử và tiểu sử xuất sắc của Goodreads Choice Award – do độc giả thế giới bình chọn.
Tác phẩm trước đó của Frankopan – Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới của thế giới (The silk roads: A new history of the world, 2015) và Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới (The New Silk Roads: The Present and Future of the World, 2018) – được nhiều độc giả đón nhận.
Chi Long
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trai-dat-chuyen-minh-lich-su-chua-ke-ve-nhan-loai-4699789.html