TPO – Diễn viên Trần Nghĩa khẳng định anh luôn rạch ròi công việc và đời sống. “Tôi hạn chế tiếp xúc, gần gũi bạn diễn dù ở bất kỳ đâu. Tôi không bao giờ có suy nghĩ đồng nghiệp thì có thể cầm tay hay động chạm thoải mái”, Trần Nghĩa chia sẻ.
Tôi thấy vui khi nhân vật của mình bị ‘ném đá’
– Phần 1 của “Chúng ta của 8 năm sau” đã kết thúc, cảm xúc của Trần Nghĩa thế nào khi bộ tứ nhân vật thanh xuân phải nói lời chia tay?
– Nói không tiếc nuối thì chắc chắn là nói dối. Tôi và 3 diễn viên còn lại đều có một chút bâng khuâng. Mỗi khi cả nhóm gặp nhau hoặc trao đổi, tranh luận về phim, chúng tôi thường đùa vui: “Phải chi được quay thêm vài tập với nhau thì vui biết bao”. Nghĩ theo hướng tích cực, cảm giác tiếc nuối có thể khiến khán giả mong chờ các dự án tiếp theo của chúng tôi hơn. Phần 2 bộ phim Chúng ta của 8 năm sau do dàn diễn viên có kinh nghiệm của VFC đảm nhiệm, tôi tin sẽ rất đáng xem và mong khán giả tiếp tục ủng hộ.
– Quan điểm của anh như thế nào về việc thay diễn viên?
– Mọi sự sắp xếp thuộc về nghiệp vụ của đạo diễn và đều có lý do. Tôi tôn trọng quyết định đó. Hơn nữa, tôi luôn tâm niệm phải làm thật tốt vai diễn của mình, những sự việc xung quanh tôi không để tâm cũng không để nó ảnh hưởng tới tư duy và cảm xúc.
Trần Nghĩa gây ấn tượng với vai Tùng – một chàng trai đào hoa, lăng nhăng – trong phim Chúng ta của 8 năm sau. |
– Nhân vật Tùng trong dự án lần này có thể xem là vai diễn giúp Trần Nghĩa làm mới bản thân, sau cái bóng của Ngạn?
– Như tôi từng chia sẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ Ngạn sẽ là cái bóng trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Đó đơn thuần là một nhân vật mà tôi đã thể hiện. Tùng cũng vậy, là một nhân vật mà tôi được thỏa sức sáng tạo và làm mới bản thân, thử sức với màu sắc chưa từng có. Tôi tin rằng với những khán giả biết tới mình, họ sẽ nhìn thấy sự tích cực làm mới các nhân vật mà tôi may mắn được đảm nhiệm.
– Anh đã đến với vai diễn này thế nào?
– Tôi nhận được lời mời casting của đạo diễn Huy Bùi. Ngày thử vai đầu tiên, tôi chưa bung sức với vai diễn và chỉ thể hiện đơn thuần khiến đạo diễn lo lắng. Về sau, tôi được trao đổi với đạo diễn nhiều hơn và thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Cho đến ngày bấm máy thì Tùng không chỉ là hình tượng trên trang giấy nữa, Tùng mồm mép tép nhảy chính thức bị Nghĩa khuất phục.
Có thể nói, Tùng là màu sắc hoàn toàn khác biệt với các nhân vật tôi từng thể hiện. Tùng khác biệt từ tính cách, ngoại hình, ăn nói, đi đứng, điệu bộ… Tôi nghĩ bất cứ diễn viên nào khi được tin tưởng và giao cho một vai như vậy đều thích thú. Tôi thực sự hưng phấn khi cầm tập bản thảo của nhân vật này.
– Trần Nghĩa có lường trước tình huống Tùng bị ghét?
– Tôi có bị tác động nhưng theo chiều hướng tích cực. Thấy mọi người ghét Tùng, ném đá Tùng, tôi lại vui bởi mình đã làm ra chất của nhân vật, không bị đóng khung hoặc nhầm lẫn với vai diễn trước. Xem phim, nhiều khán giả nói với tôi họ không còn nhận ra thầy giáo Ngạn chung tình, hiền lành nữa. Thay vào đó là Tùng đáng ghét, khó ưa từ điệu bộ, cách đi đứng và nói chuyện.
Tùng trái ngược hẳn so với tính cách tôi ngoài đời. Bởi vậy, để đảm nhận vai diễn này, tôi đã phải đầu tư thời gian tập luyện, quan sát nhiều nguồn tư liệu bằng mắt, tai để nhân vật sinh động hơn.
Phải nói thêm rằng, trai hư như Tùng thường sống thảnh thơi. Bản chất của nhân vật này là trăng hoa và đa tình nên ở góc độ nào cũng khó chấp nhận. Nhiều khán giả đặt câu hỏi liệu nhân vật này có phải nhận kết cục cay đắng.
Với một người theo đuổi nghiệp diễn như tôi, người bên cạnh phải thực sự hiểu, thông cảm và bỏ qua được.
Thích bạn gái làm giáo viên, tự đặt ranh giới với bạn diễn
–Sự ăn ý trong diễn xuất của Trần Nghĩa và Ngọc Huyền đến từ đâu?
– Trong lúc thể hiện nhân vật, tôi không coi Huyền là mục tiêu tán tỉnh, như cách các chàng trai vẫn làm ngoài đời. Để các cảnh quay diễn ra tự nhiên, tôi không trao đổi trước với bạn diễn rằng mình sẽ làm gì mà luôn để cô ấy tự ứng biến theo cảm nhận riêng.
Ở phần 1, Tùng và Nguyệt không có những cảnh riêng nên tôi và Huyền hơi thiệt thòi. Cũng bởi vậy, mỗi khi xuất hiện cùng cả nhóm, tôi luôn tìm cách kết nối với Huyền bằng mắt, nhờ vậy hai người tìm thấy nhau trong diễn xuất.
– Ngoài đời, Trần Nghĩa sẽ yêu một cô gái như thế nào?
– Tôi rất thích những người phụ nữ nhẹ nhàng, tinh tế và thông minh, làm cô giáo như Nguyệt càng tốt. Với tôi, nghề giáo là công việc tuyệt vời. Ngoài đời, tôi không sống như Tùng nên chưa bao giờ gặp hoàn cảnh như vậy, thậm chí tôi không nghĩ mình có thể lẻo mép và tán gái liên hồi như thế. Cũng may là chỉ diễn 15 tập chứ kéo dài 40 tập tôi sợ mình bị nhập cả ngoài đời thực lúc nào không biết.
Tạo hình của Trần Nghĩa và Ngọc Huyền được khán giả yêu mến. |
– Theo anh, làm sao để duy trì tình yêu nếu một trong hai người hoạt động showbiz?
– Khi bước vào chuyện tình cảm, điều cần nhất là chúng ta đặt hết tình cảm của mình trong đó. Tình cảm là thứ mà những người yêu nhau dễ dàng hiểu và cảm nhận được, không cần tô vẽ hay bôi trát.
Với một người theo đuổi nghiệp diễn như tôi, người bên cạnh phải thực sự hiểu, thông cảm và bỏ qua được. Họ sẽ không tránh khỏi những lúc tủi thân vì tôi bận lịch trình quay phim mà đi biền biệt cả tháng ròng hoặc chỉ về nhà vào lúc đêm muộn.
Thế nhưng, khi đã hiểu, đó sẽ là một tình yêu lâu dài và bền chặt. Bởi quan điểm của tôi vô cùng rõ ràng: công việc là công việc, không liên quan tới cuộc sống bên ngoài.
Tôi rất hạn chế tiếp xúc, gần gũi bạn diễn dù ở bất kỳ đâu. Tôi không bao giờ có suy nghĩ đồng nghiệp thì có thể cầm tay hay động chạm thoải mái. Tôi tự đặt ra ranh giới như thế để mọi người không hiểu lầm tình cảm, thái độ của mình. Tôi nghĩ đó cũng là cách để người bên cạnh tôi thoải mái và yên tâm.