Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng điện ảnh Việt cần những phim có kịch bản hấp dẫn ở tính nghệ thuật lẫn đại chúng như bom tấn “Titanic”.
Bà Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Điện ảnh – được tặng thưởng mức B (không có mức A) cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với tác phẩm Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, hồi tháng 9. Dịp này, bà nói về những tâm tư tìm giải pháp phát triển điện ảnh nước nhà.
– Những năm qua nhiều phim nghệ thuật Việt đoạt giải thưởng quốc tế nhưng khi về nước chưa được nhiều khán giả đón nhận. Bà nhận định gì về điều này?
– Sự “lệch pha” giữa thành công tại các liên hoan phim quốc tế và lượng khán giả trong nước là vấn đề muôn thuở của điện ảnh, không chỉ ở Việt Nam, đặc biệt là dòng phim arthouse. Các tác phẩm này thường hướng đến những chủ đề độc lạ, thể nghiệm ngôn ngữ điện ảnh, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn nhưng không dễ để đa số khán giả tiếp cận.
Trong nước thời gian qua, đã có những dự án chất lượng được khán giả yêu thích, có doanh thu cao. Đó là điều đáng mừng, 10-20 năm trước, nhiều phim ăn khách là hài nhảm, thảm họa, nhưng bây giờ phim chính kịch, tâm lý, thậm chí kinh dị đạt doanh thu cao, quan điểm nghệ thuật tốt.
Điện ảnh nước nhà cần có những dự án thương mại hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu người xem, chứ không nên mang nội dung “câu khách”. Đồng thời, nên tăng cường các tác phẩm nghệ thuật, tạo sân chơi để nhà làm phim có dịp cọ xát, giao lưu, học hỏi, để xây dựng nền phim ảnh vững mạnh, cạnh tranh quốc tế.
Trên thị trường quốc tế, có những phim thành công dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí để thu hút người xem, điển hình là Titanic. Nó là sự tổng hòa của câu chuyện hấp dẫn, cách kể sáng tạo, nhân vật có sức sống mạnh mẽ và thông điệp nhân văn. Nếu những tác phẩm trong nước được đầu tư về mọi mặt như Titanic của Hollywood, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể chinh phục khán giả toàn cầu.
– Bà đánh giá thế nào về vị thế của nền điện ảnh trong nước khi bước ra thế giới?
– Khoảng 15- 20 năm trở lại đây, có thể nói nước ta bắt đầu có nền công nghiệp điện ảnh, nghĩa là hình thành thị trường điện ảnh. Công nghiệp điện ảnh là một quy trình từ khâu sáng tạo, sản xuất phim đến phát hành, tạo doanh thu để tái đầu tư cho sáng tạo và sản xuất. Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 cùng các văn bản hướng dẫn mang đến nhiều quy định phù hợp, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Để sánh vai được với các nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan hay Philippines, công nghiệp điện ảnh Việt Nam cần có sự thay đổi mang tính đột phá, đặc biệt là về cơ chế hoạt động.
– Theo bà, còn bất cập nào về cơ chế trong việc phát triển điện ảnh?
– Ví dụ, việc áp dụng hai cơ chế kiểm duyệt song song – hậu kiểm cho phim chiếu trên Internet và tiền kiểm cho phim chiếu rạp – dẫn đến ít nhiều sự thiếu công bằng trong việc kiểm soát nội dung và tiếp cận khán giả. Cụ thể, các phim tham gia liên hoan phim, theo quy định phải được cấp phép, nghĩa là tiền kiểm như phim chiếu thương mại. Tuy nhiên, ở liên hoan phim thường chỉ có hai buổi ra mắt cho mỗi phim, quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các dự án hiện chiếu ngoài rạp. Còn phim trên Internet lại có thể tiếp cận hàng triệu người xem cùng lúc, nhưng không cần thẩm định và cấp phép mà theo phương thức hậu kiểm.
Ngoài vấn đề kiểm duyệt, việc không ra mắt rộng rãi các phim nhà nước là bất cập lớn. Chín năm trước, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) là dự án do nhà nước đặt hàng, tư nhân góp vốn sản xuất, được công chiếu toàn quốc, đạt doanh thu cao. Nhà nước không có cơ quan phát hành nên tư nhân đảm nhận việc này, có kiểm toán xác định các chi phí và doanh thu. Họ được xem xét bù đắp các khoản tiền đã sử dụng, còn lại sẽ nộp về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Đào, Phở và Piano (2023) lại khác. Nhiều khán giả muốn xem nhưng không thể vì phim chỉ chiếu ở vài cụm rạp mà không đưa vào hệ thống phát hành “sòng phẳng” như các phim do tư nhân sản xuất, cũng không có cơ chế chia lợi nhuận kiếm được. Những nhà rạp được chỉ định hoặc tự nguyện chiếu phim đã “càng chiếu càng lỗ” vì 100% doanh thu phải nộp vào ngân sách. Có một vài nhà rạp đồng ý chiếu mà không thu một đồng chi phí, nhưng đây là trường hợp hy hữu, không thể duy trì mãi được.
– Bà có gợi ý những giải pháp nào cho vấn đề trên?
– Cần sự điều chỉnh hợp lý trong quy định thẩm định, cấp phép phổ biến phim, đảm bảo tính công bằng và phù hợp với từng hình thức phát hành. Các cơ quan ban ngành nên linh hoạt trong việc phân loại và cấp phép cho phim chiếu trong liên hoan phim, đảm bảo tuân thủ quy định chung, đồng thời đáp ứng những đặc thù của sự kiện.
Ngoài ra, muốn xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phải có sự phối hợp giữa tư nhân và nhà nước. Tôi có phần ngạc nhiên là mô hình hợp tác này được áp dụng thành công trong trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhưng sau gần 10 năm lại bất hợp lý.
Theo tôi, chúng ta cần có cơ chế chia lợi nhuận hợp lý để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh. Việc tư nhân không được tham gia phổ biến phim và chia sẻ doanh thu sẽ gây ách tắc trong hợp tác công tư, cản trở sự phát triển thị phần phim nội địa lẫn quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh.
Hiện, nhà nước đầu tư kinh phí hoàn toàn sản xuất phim đặt hàng, nhưng không có kinh phí phân phối. Tư nhân nhận 100% tiền đặt hàng để làm phim liệu có tận tâm, tận lực để tác phẩm đạt chất lượng và có trách nhiệm đưa nó ra thị trường như khi họ cùng góp vốn sản xuất? Trên thực tế, hiếm phim đặt hàng nào có doanh thu bù được kinh phí sản xuất.
Mặt khác, cần cơ chế khích lệ nhà làm phim như hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo và phát triển tài năng trẻ. Với những chính sách khuyến khích phù hợp, đạo diễn sẽ được truyền cảm hứng để sáng tạo những tác phẩm chất lượng, góp phần nâng tầm điện ảnh Việt.
Ngô Phương Lan, 61 tuổi, là nhà phê bình lý luận điện ảnh, tốt nghiệp khoa Biên kịch – Lý luận phê bình ở trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga ở Moskva. Bà nguyên là Cục trưởng Điện ảnh từ năm 2012 đến 2018, giám đốc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (2012-2018), phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V. Hiện bà đảm nhận vị trí chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, giám đốc Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng (DANAFF) và là ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).
Năm 2017, bà được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tại Triển lãm Điện ảnh châu Á – CineAsia năm 2022, bà nhận giải “Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Năm ngoái, bà ra mắt tập sách tiểu luận phê bình điện ảnh Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tien-si-ngo-phuong-lan-dien-anh-viet-can-nhung-phim-nhu-titanic-4791747.html