Nghệ sĩ Thu Hà – nổi tiếng với phim “Lá ngọc cành vàng” – chuẩn bị nghỉ hưu ở tuổi 55, chủ yếu dành thời gian cho gia đình.
Những ngày không đi quay, diễn viên ở nhà nấu ăn, chăm sóc con cái, gặp gỡ bạn bè. Chị tự nhận tính cách dung dị, hiền lành, không bao giờ to tiếng với ai nên được nhiều người quý mến. Gần đây, khi Thu Hà đóng vai bà Lan, người phụ nữ cay nghiệt trong phim Trạm cứu hộ trái tim, nhiều bạn bè hỏi: “Này, sao đóng phim ghê gớm thế, ở ngoài có vậy đâu nhỉ?”.
Ở nhà, nghệ sĩ dùng mạng xã hội để kết nối bạn bè, giải trí. Khi lướt TikTok, chị vui vì nhiều khán giả tổng hợp, trích đăng các video mình đóng thời trẻ, khen nhan sắc, diễn xuất. Con trai út của chị, vốn ít xem phim của mẹ, từng khoe: “Các bạn con thích mẹ lắm, khen mẹ đẹp”.
Nhiều năm gắn với hình tượng mỹ nhân màn ảnh, có giai đoạn Thu Hà ít đóng phim vì không có nhân vật phù hợp, lại sợ khán giả thấy mình già. Sau đó, chị xác định điều quan trọng là nhân vật phù hợp, nên thoải mái vào vai các bà mẹ, hóa trang đứng tuổi hơn ngoài đời. Với chị, nghỉ hưu chỉ là thủ tục hành chính. Nghệ sĩ mong muốn giữ sức khỏe tốt, có nhiều vai diễn hay, cống hiến đến cuối đời.
Lớn lên ở tỉnh lẻ, Thu Hà tình cờ đến với nghề rồi gắn bó suốt 40 năm. 16 tuổi, khi Đoàn Văn công quân khu 2 tuyển diễn viên ở Tuyên Quang, chị đến đăng ký thử. Ban giám khảo cho thí sinh diễn tiểu phẩm theo tình huống. Nghe thấy yêu cầu đóng lại hoạt cảnh sinh nhật có đông bạn bè, Thu Hà không diễn được, xin phép ra ngoài nhưng được gọi giật lại. Chị giải thích: “Từ bé đến giờ em chưa tổ chức sinh nhật nên không biết diễn thế nào”. Ban giám khảo trấn an: “Thôi được rồi, không làm được thì có đề khác”.
Không có năng khiếu nghệ thuật, chưa từng được đào tạo về diễn xuất, Thu Hà đặt mục tiêu nỗ lực, nghiêm túc rèn luyện khi vào đoàn. Chị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ, là một trong hai người đầu tiên của lớp trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Năm 1989, chị rời đoàn, vào Nhà hát Kịch Hà Nội, được đạo diễn Hải Ninh mời đóng vai quận chúa Quỳnh Hoa trong bộ phim lịch sử Đêm hội Long Trì.
Với đôi mắt đượm buồn, nét mặt đài các, Thu Hà sau đó thường gắn với những nhân vật dịu dàng, có số phận long đong. Vai Nga trong Lá ngọc cành vàng của đạo diễn Vũ Đình Thân sau đó đã biến cô gái 20 tuổi thành ngôi sao của làng điện ảnh phía Bắc.
Năm 1990, Thu Hà theo Hãng Phim truyện Việt Nam vào TP HCM, đóng Hẹn gặp lại Sài Gòn. Lúc này, chị đã quen mặt ở miền Bắc, nhưng chưa được khán giả miền Nam biết đến. Chuyến đi mở ra cho nghệ sĩ nhiều cơ hội mới, đưa chị đến với dòng phim “mì ăn liền”, lúc bấy giờ đang được khán giả TP HCM ưa chuộng. Phim thị trường đầu tiên Thu Hà tham gia là Sau những giấc mơ hồng, đóng cặp Lý Hùng.
Chỉ sau hai ngày tác phẩm ra rạp, Thu Hà lần đầu tận hưởng cảm giác trở thành người nổi tiếng. Ra chợ Bến Thành, nhiều người bán hàng lớn tuổi vây quanh diễn viên hỏi: “Mũi này con có làm không?”, “Mắt con cắt mí à?”. Con của đồng nghiệp đi theo diễn viên, về thắc mắc: “Mẹ ơi, sao cô Hà quen nhiều người thế”. Sau đó, chị xuất hiện trong loạt phim “mì ăn liền” Anh chỉ có mình em, Hoa quỳnh nở muộn, Tóc gió thôi bay.
Có thời, Thu Hà quay phim ở Đà Nẵng, khách sạn lúc nào cũng chật kín khán giả đứng xem. “Chúng tôi con gái nên còn ít bị vây. Các anh Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, thường xuyên bị khán giả sờ, véo, có khi thâm tím cả người”, nghệ sĩ nhớ kỷ niệm.
Giống như nhiều minh tinh thời ấy, chị nhận đủ thứ quà như hạc giấy, khăn len và hàng chồng thư tay từ khán giả. Nhiều lần, chị cũng cặm cụi hồi đáp những cụ già, cựu chiến binh dành tình cảm cho phim. Nghĩ về thành công của mình, Thu Hà lý giải: “Lúc bấy giờ, chúng tôi có lợi thế là ít diễn viên, công nghệ lại hạn chế, khán giả chỉ có thể ra rạp nên mới có hiện tượng như vậy, đi đến đâu là tắc đường đến đấy”.
Cũng nhờ đóng phim trong Nam, Thu Hà mua được căn nhà đầu tiên ở thủ đô cho mẹ: “Tôi làm việc ở Hà Nội, muốn về thăm nhà lại phải đi xe khách đường dài về Tuyên Quang, thấy mệt quá nên tôi quyết định mua nhà. Căn tập thể cấp bốn giá 11 triệu rưỡi. Tôi đóng ba phim gom được cát-xê 12 triệu đồng. Đến giờ, mẹ tôi vẫn ở căn nhà này”.
Dù thành ngôi sao, Thu Hà vẫn giữ nếp sống giản dị, chân chất của “gái Tuyên”. Ra đường, chị thỉnh thoảng vẫn mặc đồ bộ. Trong khi các bạn cùng thời có quản lý, bố mẹ đi cùng chăm lo, Thu Hà tự thân vận động. “Tôi không có ai hướng dẫn, nhiều lúc cư xử chưa khéo, nhưng có lẽ được cái chân thành bù đắp, nên không mất lòng ai”, diễn viên nói.
Ngoài niềm vui, Thu Hà nhớ như in khó khăn của nghệ sĩ những năm 1990. Các phim nhựa màu đầu tiên của điện ảnh được quay bằng máy cơ, tiếng động to, ồn ào, thường xuyên khiến diễn viên mất tập trung. Hệ thống đèn cồng kềnh, lên đến hàng nghìn Watt, khiến họ bỏng rát mặt. Chuyện hỏng thiết bị xảy ra như cơm bữa. Có lần, Thu Hà và Lý Hùng quay cảnh hôn trong phim Sau những giấc mơ hồng, đúng lúc bố trí xong thì đèn hỏng, phải sửa mất ba tiếng. Phim thời ấy đắt nên các diễn viên chỉ được quay từ một đến hai lần mỗi cảnh, phải tập trước đó hàng chục lần.
Bên cạnh công việc đóng kịch, phim, Thu Hà còn có nghề tay trái là chụp ảnh lịch. 18 tuổi, chị được nhiếp ảnh gia Mai Nam phát hiện, mời chụp những bức đầu tiên. “Tôi dùng hộp trang điểm được các đoàn phim phát cho, tự tô mắt xanh mỏ đỏ. Buổi sáng, tôi ăn một bát cơm chan nước mắm ở đoàn rồi đi chụp. Nhiếp ảnh gia thường phải căn sáng đến trưa mới có được một tấm. Có hôm, tôi đói lả đi, được tìm mua cho một cốc sữa uống rồi vào chụp tiếp. Hồi ấy, tôi ra ngoài được gọi là lá ngọc cành vàng nhưng ở nhà đều ăn cơm nguội qua ngày”, diễn viên nhớ.
Cát-xê chụp ảnh ngày mới vào nghề của chị là năm quyển lịch cho mỗi tấm hình. Dịp Tết về thăm nhà, Thu Hà không có tiền, cũng chẳng có quà bánh, nhét đầy lịch vào ba lô, được gia đình hãnh diện trưng bày. Sau này, khi vào miền Nam đóng phim, diễn viên “choáng váng” khi được trả 100 USD thù lao chụp ảnh lịch. Không có điện thoại để liên lạc, nhiều nhiếp ảnh gia, chủ hãng thời trang thường đến chờ Thu Hà ở hãng phim, mời chụp ảnh. Chị thường xuyên phải từ chối do kín lịch quay phim.
Nhiều cơ hội đóng phim, thu nhập tốt khiến Thu Hà từng dao động, cân nhắc chuyển hẳn vào TP HCM lập nghiệp. Tuy nhiên, chị quyết định gắn bó Nhà hát Kịch Hà Nội bởi sân khấu vẫn là lĩnh vực nghệ sĩ đam mê nhất. Thu Hà tâm đắc những vai tính cách nhiều mâu thuẫn, coi đó là thử thách trong nghề, như Ái Trinh – người đàn bà thực dụng và sắc sảo trong Cát bụi hay Tám Bính – cô gái quê sa ngã trong Bỉ vỏ.
Ngẫm lại sự nghiệp, Thu Hà tự hào vì sống được và gắn bó với nghề. Chị đúc rút: “Diễn viên cần hội tụ hai yếu tố là thanh và sắc. Tôi thấy mình chỉ ở mức trung bình nhưng luôn cố gắng diễn xuất tròn vai. Vì thế, khán giả thấy nhân vật, diễn viên đẹp hơn và ghi nhớ. Đó là may mắn của tôi”.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-ha-toi-song-gian-don-4751755.html