Triết gia Jiddu Krishnamurti cho rằng sự tập trung hoàn toàn vào việc đang làm là một trong những cách đơn giản để thực hành thiền.
Sách gồm 72 trích đoạn từ các bài nói chuyện của Krishnamurti, mở ra cách tiếp cận về thiền, lý giải tầm quan trọng trong việc giúp con người đối mặt những thách thức của cuộc sống hiện đại.
Ở mỗi tôn giáo, thiền được hiểu theo nhiều cách. Trong Phật giáo, thiền là một phần quan trọng của tu tập, nhằm giúp người thực hành đạt được trạng thái tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt. Thiền trong Đạo giáo nhấn mạnh sự tĩnh tâm, được coi là phương pháp để hòa quyện với tự nhiên và đạt được sự hài hòa với Đạo. Còn thiền trong Hindu giáo thường liên quan đến các kỹ thuật yoga, là phương tiện để đạt đến trạng thái tự hiểu biết và giải thoát về mặt tinh thần.
Mặt khác, tác giả Krishnamurti – người luôn khẳng định mình không thuộc bất kỳ quốc gia, tôn giáo, hay trường phái triết học nào – quan niệm thiền “là nhìn thế giới bên ngoài thật sự như nó đang là, chứ không phải như bạn muốn nó phải là”. Nói cách khác, thiền là cảm giác thấu hiểu trọn vẹn đời sống, từ đó đưa ra hành động đúng.
Một số ý kiến cho rằng thực hành thiền có thể thoát ly khỏi cuộc sống hiện tại, nhưng điều này không phải là ý nghĩa của thiền, bởi đó không phải là sự trốn tránh hay thứ gì huyền bí. Thực chất, việc tập trung hoàn toàn vào những gì đang làm sẽ mang đến sự bình yên trong tâm hồn.
Tác giả viết: “Nếu bạn đang thắt cà vạt, hãy chú trọng vào đó. Nếu bạn đang nói chuyện với ai, hãy chú tâm hoàn toàn. Khi chú tâm, sẽ không có cái ‘tôi’ làm trung tâm. Chỉ khi nào không có sự chú tâm thì mới có sự hình thành và xây dựng nên bản ngã, từ đó sinh ra nỗi khổ, niềm đau và những sự phân chia”.
Theo Jiddu Krishnamurti, “tự biết mình” là khởi đầu của thiền. Nếu không hiểu rõ về bản thân mà cứ tụng niệm những từ ngữ trong kinh sách thì chẳng có ý nghĩa gì, khiến bạn trở nên đờ đẫn, vẫn khao khát, đố kỵ, tham lam và thù địch.
Vẻ đẹp thực sự của thiền không nằm ở những thứ sắp đặt mà là ở sự tĩnh lặng mà trong đó, vạn vật luôn hiện hữu. Sách có đoạn: “Thiền là phẩm chất của tâm trí vốn hoàn toàn chú tâm và tĩnh lặng. Chỉ khi đó, bạn mới có thể nhìn thấy một bông hoa, thấy được vẻ đẹp của nó, màu sắc của nó, hình dáng của nó, và chỉ khi đó, khoảng cách giữa bạn và bông hoa mới chấm dứt”.
Từ khi sinh ra, tâm trí con người được nhào nặn để tuân theo người khác, khiến chúng ta tìm một khuôn mẫu để bắt chước và tuân theo. Ngay việc hành thiền cũng thế. Con người phát minh nhiều hình thức thiền định để thoát khỏi xung đột và kiểm soát bản thân, từ việc theo dõi một ý niệm, chăm chú vào một hình ảnh cho đến việc lặp đi lặp lại những câu thần chú, hít thở thật cẩn thận và đi sâu vào nó. Nhưng điều này với Krishnamurti là vô nghĩa. Theo ông, điều đầu tiên cần nhận ra trong thiền định là tâm trí phải hoàn toàn tự do để kiểm tra, quan sát, học hỏi, không có chỗ cho sự tuân theo hay vâng lời.
Theo Krishnamurti, muốn hiểu được thiền, con người phải nhìn thấy và hiểu điều quan trọng: Bạn phải là ngọn đèn của chính mình. Ngọn đèn này không thể là đèn của người khác, bạn không thể thắp lên ngọn đèn đó nhờ người khác – dù là một đạo sư, đấng cứu rỗi, hay bất kỳ truyền thống, nghi lễ nào. Qua sách, tác giả chỉ dẫn độc giả đến một sự thật cốt lõi: Mọi thứ vốn có sẵn bên trong, bạn chỉ cần dành thời gian để nhìn nhận, tìm kiếm chúng.
Trước đó, trong cuốn Như ta là, Krishnamurti viết: “Thiền rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải hiểu thiền là gì, nếu không, trí não sẽ bị vướng mắc vào kỹ thuật thuần túy. Chính khi hiểu thiền là gì đó, tôi đang thiền”.
Triết gia đúc kết thiền giống như hương thơm của cuộc sống, mở ra những cánh cửa mà trí não không bao giờ mở được. Thiền là một nghệ thuật, không thể học được từ bất kỳ ai. Thiền để hiểu chính mình, hiểu được sự thay đổi đang tiếp diễn bên trong tâm hồn, chứ không phải thiền để thấy Thượng đế, một cảnh giới hay cảm giác vui sướng nào.
Jiddu Krishnamurti (1895-1986) là triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ. Các chủ đề tác giả quan tâm gồm mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu. Các tác phẩm của ông đã có bản dịch tiếng Việt gồm Đánh thức trí thông minh, Đôi điều cần suy ngẫm, Cuộc đời phía trước, Thế giới trong bạn.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thien-la-gi-4816723.html