Chuyên trang Deadline nhận xét điện ảnh Việt Nam phát triển nhờ có lượng khán giả đông đảo và nhiều dự án thu lợi nhuận cao.
Trong bài viết đăng tải hôm 23/2, biên tập viên Liz Shackleton cho rằng Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng tại các phòng vé một số nước châu Á, “nhưng không nơi nào cạnh tranh gay gắt hơn Việt Nam trong năm nay”.
Trong kỳ nghỉ kéo dài một tuần – từ ngày 9 đến 15/2, thị trường phim ảnh ghi nhận một số kỷ lục doanh thu từ các tác phẩm sản xuất trong nước. Tiêu biểu, Mai của Trấn Thành hiện đứng đầu với doanh thu 400 tỷ đồng (16,4 triệu USD). “Bộ phim có khả năng phá vỡ kỷ lục do chính Trấn Thành lập ra với Nhà bà Nữ, phát hành vào khoảng thời điểm này năm ngoái. Phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam với 476 tỷ đồng (19,4 triệu USD)”, Deadline viết.
Gặp lại chị bầu do Nhất Trung đạo diễn có doanh thu cao thứ hai với 73,3 tỷ đồng. Hai phim nội địa khác khởi chiếu vào ngày 10/2 – Sáng đèn lấy chủ đề âm nhạc của Hoàng Tuấn Cường và phim Trà của Lê Hoàng – đã rút lui khỏi rạp sau vài ngày do hiệu ứng phòng vé kém.
Trước Tết, Quỷ Cẩu – phim đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân đứng đầu sáu tuần liên tiếp, thu về hơn 108 tỷ đồng (4,5 triệu USD), theo thống kê của Box Office Vietnam. Tác phẩm lập kỷ lục phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất mọi thời.
Liz Shackleton nhận định lịch phát hành của nhiều tác phẩm nội địa phản ánh sự phục hồi của thị trường phim ảnh sau đại dịch. Còn một số chuyên gia quốc tế cho rằng đây là sự phát triển nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ.
Thị trường điện ảnh Việt Nam giai đoạn hiện tại có nhiều đột biến. Dù các ngành công nghiệp chỉ mới mở cửa cách đây 10-15 năm, doanh thu phòng vé tăng trưởng ổn định, mỗi năm tăng 10% trước đại dịch, vượt qua Thái Lan, quốc gia có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn Việt Nam. Năm ngoái, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD, tương đương khoảng 90% mức trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu. Trang này đánh giá kết quả tương đối khả quan đối với một thị trường mà năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hàng năm dưới 15 triệu USD.
Theo Liz Shackleton, một trong những điều làm nên sự phát triển của nền điện ảnh Việt là các chương trình xây dựng hệ thống rạp chiếu, do doanh nghiệp Hàn Quốc CJ CGV và Lotte Cinema thực hiện, cùng các hãng phim địa phương Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của chuỗi rạp chiếu phim mới, như Beta Cinema và Cinestar – đơn vị cung cấp mức vé rẻ dành cho sinh viên và khán giả có thu nhập thấp.
Yếu tố thúc đẩy thị trường còn nằm ở ngành phim nội địa, nơi hàng trăm nhà làm phim đang thử nghiệm các thể loại mới và sản xuất nhiều loại phim hơn. Trong đó, CJ ENM và Lotte tích cực tài trợ và sản xuất phim nói tiếng Việt, như Mai, Nhà bà Nữ (CJ ENM), Hai Phượng, Người vợ cuối cùng (Lotte).
“Chúng tôi ước tính 80% khán giả tới rạp là người dưới 29 tuổi. Về cơ bản, nhóm này đang quyết định thị hiếu của thị trường. Họ thích thể loại lãng mạn, hài, kinh dị mang yếu tố địa phương cũng như các phim Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia”, giám đốc phân phối phim của CJ HK Nguyễn Tuấn Linh nói với Deadline.
Trong khi đó, Justin Kim, giám đốc sản xuất phim quốc tế của CJ ENM, nói thêm các khán giả trẻ là những người khó tính khi xem phim. “Họ hoạt động tích cực trên mạng xã hội, đặc biệt trên nền tảng TikTok và Instagram. Một số người sẽ chê phim ngay sau khi xem xong nếu chất lượng tác phẩm không tốt”, Justin cho biết.
Theo ghi nhận của tờ tạp chí quốc tế, hiện khán giả Việt có xu hướng thích phim trong nước hơn tác phẩm Hollywood. Hồi năm 2023, chỉ có hai bộ phim của Mỹ – Fast X và Elemental – lọt vào top 10 dự án ăn khách nhất năm, trong khi sáu tác phẩm địa phương vào bảng xếp hạng, đứng đầu là Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn), Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (Lý Hải) và Đất rừng phương Nam (Nguyễn Quang Dũng).
Liz Shackleton đánh giá kết quả trên phản ánh tâm lý khán giả ở nhiều nước châu Á sau đại dịch, trong đó nguồn cung cấp của các hãng phim Mỹ đã chậm lại do ảnh hưởng của Covid-19 và các cuộc đình công ở Hollywood. Bên cạnh đó, khán giả Gen Z (những bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012) đang kỳ vọng thị trường có nhiều dự án với nội dung gần gũi về mặt văn hóa, đồng thời giới thiệu các trào lưu và ngôi sao văn hóa đại chúng châu Á.
Trong năm qua, tác phẩm nổi bật ở thể loại phim truyền hình là Tết ở làng Địa Ngục, do Trần Hữu Tấn đạo diễn, Hoàng Quân sản xuất. Series gây ấn tượng khi lồng ghép chất liệu dân gian và những câu chuyện văn hóa vào dòng phim kinh dị. Ông Hoàng Quân cho rằng thành công của công ty đến từ việc truyền tải chất liệu dân gian, cũng như chuyển thể từ một trong những tiểu thuyết có lượng khán giả Gen Z đông đảo – Tết ở làng Địa Ngục của tác giả Thảo Trang.
“Có khán giả nói với chúng tôi họ yêu thích loạt phim Kingdom Hàn Quốc và mong mỏi một series Việt có bối cảnh cổ trang và được đầu tư chỉnh chu. Câu chuyện có thể bắt nguồn từ lịch sử nhưng cũng cần đề cập đến các chủ đề liên quan đến thời hiện đại, từ đó kích thích sự quan tâm của khán giả”, nhà sản xuất nói.
Dù có tham vọng quảng bá phim Việt Nam, các nhà sản xuất và đạo diễn cho rằng nền công nghiệp điện ảnh vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, khi một số nhà đầu tư còn ngại chi tiền và nguồn nhân lực không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Hằng Trịnh, người sáng lập công ty sản xuất, phân phối phim Silver Moonlight và Skyline Media, cho biết không có nhiều lựa chọn trong việc tuyển diễn viên và các thành phần trong đoàn để dự án mới mẻ và khác biệt so với những tác phẩm trước đó. “Ngay bây giờ, đào tạo là vấn đề then chốt để có nhiều nhân tài hơn và thị trường có thể thực sự phát triển”, Hằng Trịnh cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam, cho rằng trước đại dịch, Việt Nam sản xuất khoảng 40-45 phim mỗi năm, nhưng giờ chỉ có dưới 30 dự án vì nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, ông Hải nói tình hình có thể khả quan trong nhiều năm tới. Hiện V Pictures – công ty đầu tư, sản xuất phim Việt và phát hành phim nước ngoài, do Nguyễn Hoàng Hải làm giám đốc điều hành – huy động tài chính cho một loạt dự án trong nước, còn CGV đang hỗ trợ tài năng làm phim trẻ bằng cách tài trợ cho các phim ngắn. Phạm Thiên Ân – đạo diễn đoạt giải Camera d’Or Liên hoan phim Cannes 2023 – là một trong những nhà làm phim bắt đầu sự nghiệp bằng việc thực hiện phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (2019) dưới sự hậu thuẫn của CGV.
Khác với một số thị trường Đông Nam Á, Việt Nam không phải là trung tâm của các nền tảng trực tuyến toàn cầu như Netflix hay HBO. Theo Deadline, có một số vấn đề cản trở đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, như việc kiểm duyệt, ít ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ sản xuất phim.
Dù vậy, các nhà sản xuất cho biết gần đây chính phủ sẵn sàng lắng nghe những khúc mắc trong việc phát triển thị trường. Trong Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 1/2023, hệ thống xếp hạng phim được cập nhật giúp việc phân loại trở nên minh bạch. Luật Điện ảnh còn cho phép các công ty tư nhân tổ chức liên hoan phim. Điển hình, Liên hoan phim Quốc tế TP HCM (HIFF) sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 13/4, bên cạnh các liên hoan phim hiện có tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Người sáng lập công ty sản xuất phim BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho biết: “Ngành điện ảnh đã trải qua thời kỳ thử thách trong đại dịch nhưng chúng tôi có những câu chuyện đặc sắc để giới thiệu trên màn ảnh. Chúng ta đã đạt tới một cột mốc quan trọng và sẽ phát triển hơn nữa nếu các công ty hợp tác và có sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ”.
Quế Chi (theo Deadline)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thi-truong-dien-anh-viet-phat-trien-nhanh-bac-nhat-chau-a-4714798.html