Diễn viên Thanh Điền tiếc nuối không thể nắm tay vợ quá cố – nghệ sĩ Thanh Kim Huệ – cùng nhận danh hiệu NSND.
Ở buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND hôm 6/3 tại Hà Nội, diễn viên Thanh Điền hai lần bước lên sân khấu, lần đầu là cho ông và lần sau để nhận sự vinh danh thay vợ. Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ được truy tặng danh hiệu cho những đóng góp bền bỉ của bà với nền sân khấu cải lương. Dịp này, Thanh Điền nói về cảm xúc khi Nhà nước ghi nhận quá trình làm nghề của vợ chồng ông.
– Lên sân khấu nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) thay vợ, cảm xúc của ông thế nào?
– Hôm đó, tôi mặc chiếc áo do vợ từng tặng, chờ đợi giây phút được vinh danh. Tôi thấy hạnh phúc và có cảm giác lâng lâng khó tả. Hơn 60 năm hoạt động, tôi chỉ nghĩ đơn giản là theo đuổi công việc mình yêu thích, chưa từng trông mong được các giải thưởng hay vinh danh. Tuy nhiên, với một người làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, việc nhận danh hiệu NSND là sự hãnh diện. Điều đó chứng mình quá trình làm nghề của một nghệ sĩ được trọn vẹn, được khán giả ghi nhận.
Đằng sau niềm vui, tâm trí tôi luôn chứa một nỗi buồn. Khi nhìn vào danh hiệu truy tặng cho Thanh Kim Huệ, tôi nghẹn lòng và ước gì còn vợ để nắm tay cô ấy đón nhận niềm vui này. Vợ tôi đã không chờ được đến thời điểm mà cô ấy mong đợi. Cảm giác tiếc nuối đó của tôi chỉ phần nào nguôi ngoai khi nghe những tràng vỗ tay vang dội của mọi người trong khán phòng hôm ấy dành cho Thanh Kim Huệ. Tôi cho là dù vợ tôi không còn, vẫn có nhiều khán giả nhớ cô ấy.
Ngay sau buổi lễ trao tặng, tôi đặt vé bay từ Hà Nội về TP HCM, mang danh hiệu đến mộ của vợ, chúc mừng cô ấy.
– Nhìn lại sự nghiệp, ông có cảm nhận gì?
– Tôi không dám khoe khoang về bản thân, những gì tôi có được hôm nay là do khán giả dành cho. Tôi hãnh diện làm nghề một cách thuần túy, không vụ lợi và làm điều gì khiến cho tên tuổi của mình bị một “vết nhơ” trong sự nghiệp.
Tôi góp mặt trên sân khấu cải lương, kịch lẫn màn ảnh, hóa thân hàng trăm nhân vật hay tham gia nhiều dự án. Tôi luôn dốc hết tâm sức làm sao để vai diễn, giọng ca của mình đóng góp cho từng tác phẩm. Tôi cũng tự hào khi hai lần hóa thân thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Đêm trắng và Dấu xưa.
Dù xuất hiện ở đâu, tôi cũng nhận được tình yêu thương bền chặt của nhiều người. Hơn 60 năm qua, tôi vẫn đi diễn không ngừng nghỉ vì vẫn có người còn muốn xem tôi hát, diễn. Trước đây khi còn Thanh Kim Huệ đi bên cạnh, khán giả luôn dành cho vợ chồng tôi những cái nắm tay, ôm thể hiện tình cảm.
Sau này, vợ tôi không còn bên cạnh, tôi luôn có cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng mỗi khi đứng trên sân khấu. Họ động viên tôi đừng buồn, thời gian sẽ làm lành những vết thương. Tôi thấy phần thưởng lớn nhất trong đời mình chính là luôn nhận được sự yêu mến của người mộ điệu.
– Ông chăm lo sức khỏe như thế nào để có thể đứng trên sân khấu?
– Tôi có sức khỏe tốt nhờ tập thể thao nhiều năm qua như bơi lội, cầu lông. Tôi tập hít thở đi bộ hơn một giờ mỗi ngày. Tôi ăn uống lành mạnh, không nhiều đồ dầu mỡ, dù lớn tuổi, tôi cố gắng giữ cơ thể săn chắc. Thỉnh thoảng, có người nói với tôi họ ngạc nhiên khi khuôn mặt, vóc dáng của Thanh Điền không khác so với 10 năm trước. Ngoài ra, sự yêu thích sân khấu là động lực, mang lại cho tôi nguồn năng lượng dồi dào.
Hiện tôi vẫn nhận show đi diễn nhưng hạn chế những vai có nhiều cảnh hành động vì đã có tuổi. Thu nhập từ việc đi diễn ổn định, tôi có thể tự lo cho bản thân mà không phải nhờ vả ai.
– Ông còn mong đợi gì trong cuộc sống?
– Cuộc sống hiện tại của tôi đơn giản, bình yên bên các cháu. Hào quang, tiền bạc đến tuổi này tôi đều đủ đầy nên chỉ cần có sức khỏe. Tôi hứa với vợ là sẽ thay cả phần cô ấy biểu diễn trên sân khấu cho đến khi nào ngừng thở. Mỗi sáng thức dậy, tôi tập thể dục, mở những bài ca của Thanh Kim Huệ nghe để khỏa lấp nỗi nhớ. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn tôi đều nhớ đến những món ăn vợ thích. Cô ấy qua đời gần ba năm nhưng tôi vẫn thấy như vợ vẫn bên cạnh mình, xung quanh tôi lúc nào cũng có những kỷ vật, bức ảnh và bài ca về cô ấy.
Nghệ sĩ Thanh Điền tên thật là Nguyễn Ngọc Chiếu, 77 tuổi, quê Hậu Giang. 12 tuổi, ông bước vào nghề diễn, học hỏi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bấy giờ như Minh Chí, Hữu Phước, Hùng Minh, Diệp Lang. Ông dần nổi tiếng khi giữ vai kép độc, mùi qua nhiều đoàn lớn như Hương Mùa Thu, Hoa Thế Hệ, Sao Ngàn Phương, Kim Chung… Các vở ghi dấu ấn của ông là Nhất kiếm bá vương (vai Tống Từ Ly), Chiều thu sầu ly biệt (vai Hắc Vạn), Kiếp nào có yêu nhau (vai Thành Cát Tư Hãn).
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ qua đời hồi năm 2021 vì ung thư. Bà tên thật Bùi Thị Huệ, sinh tại TP HCM. Năm 14 tuổi, chị được chọn vào vai Lan trong bản thu Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo và trở thành giọng ca được khán giả yêu mến. Ngoài tuồng cổ, chị cũng được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên như Chợ mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (Nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang).
Cặp nghệ sĩ kết hôn năm 1975, từng điều hành Đoàn hát Sài Gòn 1.
Hoàng Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thanh-dien-toi-nghen-ngao-nhan-danh-hieu-nsnd-thay-thanh-kim-hue-4720498.html