Đoạn phim hoạt hình “Tây du ký” do AI thực hiện làm người xem bất ngờ vì hình ảnh phong phú, sống động.
Theo trang Yangtse Evening Post, đoạn phim Hầu vương vấn thế, dài gần bốn phút, được một tài khoản Douyin đăng tải từ ngày 14/2, thu hút chú ý của khán giả. Người thực hiện họ Phùng, làm việc lĩnh vực mỹ thuật 15 năm.
Phùng cho biết video này tốn ít nhất nửa năm nếu do con người làm. Dưới sự hỗ trợ của AI, anh hoàn thành nó trong một tuần. Đoạn phim hoạt hình nói về sự ra đời của Tôn Ngộ Không, theo câu chuyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân.
Hình ảnh trong phim phong phú, với từng dãy cung điện, mái nhà bằng gạch lưu ly hay Hoa Quả Sơn – lãnh địa của Tôn Ngộ Không. Tác giả còn tái hiện cảnh Tôn Ngộ Không vượt biển, gặp Phật tổ.
Hàng nghìn người cho biết kinh ngạc vì hiệu ứng hình ảnh ở phim hoạt hình. Khán giả viết: “Thật đáng sợ, ngành hoạt hình sắp tàn, nhưng với người mê phim, đây là dấu hiệu của sự bùng nổ, vì nhiều cảnh trong tiểu thuyết rất khó dựng thành phim nhưng với công nghệ AI, đây không còn là việc khó”, “Chờ sự xuất hiện của các thần tượng ảo, thần tượng bây giờ dễ sụp đổ quá”. Song cũng có một số ý kiến cho rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người: “Nhìn video thiếu cảm xúc, cảnh động còn gượng gạo, không thể sánh bằng sức lao động của con người”.
Nhiều người đề nghị Phùng làm các tập tiếp theo về Tây du ký, hỏi tác giả cách thức dựng video. Anh cho biết đoạn phim được thực hiện theo bốn bước: lên ý tưởng, tạo hình ảnh tĩnh bằng văn bản, làm ảnh động, chỉnh sửa và biên tập. Tác giả tiết lộ dùng ChatGPT để phân tích từ ngữ trong nguyên tác, để AI vạch ra các phân cảnh, sau đó anh tự chọn phương án hợp lý cho đoạn phim.
Khi đã có các phân cảnh, Phùng dùng phần mềm vẽ AI để phác thảo các hình ảnh mong muốn, dùng một phần mềm khác để làm cho những hình ảnh này chuyển động. Riêng đài từ, Phùng tự viết sau đó dùng AI lồng tiếng. Với một số nhân vật đặc biệt, tác giả tự lồng tiếng.
Nhiều khán giả mong thấy cảnh hành động thực hiện từ AI nhưng Phùng cho biết hiện còn nhiều hạn chế đối với video do AI tạo ra nên chưa thể thỏa mãn yêu cầu của fan.
Tây du ký là tiểu thuyết thần thoại nổi tiếng của Trung Quốc, với nhiều cảnh cưỡi mây, bay nhảy, đại chiến trên thiên đình, hạ giới và lòng biển. Tác phẩm từng nhiều lần được dựng thành phim truyền hình, điện ảnh, hoạt hình.
Theo Hollywood Reporter, AI tạo video đe dọa nghề dựng phim. Hôm 8/2, OpenAI giới thiệu Sora – công cụ dựng phim siêu thực (hyper – realistic), đánh dấu bước đầu tiên OpenAI tiến vào địa hạt Hollywood.
Nếu những video AI của các hãng công nghệ khác bị giới hạn độ dài và chi tiết thừa, công nghệ của OpenAI có thể sản xuất đoạn phim kéo dài một phút, bảo đảm tính thống nhất giữa những cảnh quay, tuân thủ lệnh nhập của người dùng. Sora có thể chuyển đổi góc đa dạng từ cận cảnh đến trên không, theo sát chủ thể, thay đổi bố cục linh hoạt và đạt độ chính xác trong khâu chỉnh sửa phông nền.
Sự tiên tiến của Sora được dự báo có khả năng thay thế công việc của nhân viên hậu kỳ, góp phần cắt giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực làm phim. Tương lai ngành giải trí có thể áp dụng rộng rãi công nghệ hiện đại cho khâu sản xuất, tăng mức độ cạnh tranh giữa người và AI.
Như Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tay-du-ky-dung-tu-ai-lam-khan-gia-kinh-ngac-4712863.html