TP HCMCây bút Nguyễn Quốc Bửu, 36 tuổi, nói dành 10 năm hoàn thành tiểu thuyết “Nam triều kiến mộng”, bối cảnh những năm đầu thời vua Minh Mạng.
Nam triều kiến mộng là cuốn sách kiếm hiệp dã sử thứ hai của tác giả (bút danh Bửu Nguyễn), ra mắt hôm 27/7. Tác phẩm lấy cảm hứng từ vụ án Huỳnh Công Lý và tổng trấn Lê Văn Duyệt, khai thác tình hình Việt Nam giai đoạn cuối thời Gia Long, đầu triều Minh Mạng (1820). Đặt bối cảnh ở Thành Gia Định, còn gọi là Thành Quy (Thành Bát Quái), sách kể về chàng trai Nguyễn Đăng Bảo, từng bước phá tan âm mưu của phó tổng trấn Gia Định Thành – Huỳnh Công Lý, đồng thời trả mối thù năm xưa.
Các nhân vật như ông Huỳnh Công Lý, Pháp Châu hòa thượng, Tả quân Lê Văn Duyệt được mô tả với nhiều sắc thái tâm lý, đan xen ân oán. Nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhận xét tiểu thuyết được viết theo lối cổ điển của các cuốn sách võ hiệp Trung Quốc dịch sang tiếng Việt trước năm 1975 với nhiều chi tiết mô tả hành tung xuất quỷ nhập thần, chiêu thức ngọa hổ tàng long để kể về một thời ly loạn.
Theo sách Đại Nam thực lục, trong năm Minh Mạng thứ nhất, phó tổng trấn Huỳnh Công Lý – bố vợ vua – tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn 10 việc. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên vua. Sau khi hội bàn, nhà vua cho bắt giam Huỳnh Công Lý, sai Bộ Hình đến Gia Định để tra xét án. Kết cục, ngoài số tiền tham nhũng trên ba vạn quan, lúc ông Lý làm quan ở Huế đã bắt lính xây dựng ba cửa hàng gạch bên bờ sông Hương để tư lợi. Đình thần luận tội, khép Huỳnh Công Lý vào tội chết. Sau khi án được nhà vua phê, giữa năm 1821, ông Huỳnh Công Lý bị xử tử tại đồng “Mả ngụy” ở Sài Gòn.
Trong buổi ra mắt sách, Bửu Nguyễn nói khi bắt tay vào sáng tác, anh mất nhiều tháng tìm đọc Đại Nam thực lục cùng các sách sử như Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Do có nhiều bộ viết bằng chữ Hán Nôm chưa được dịch sang tiếng Việt, anh thường xuyên trao đổi với bạn bè là chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm hiểu thêm các sự kiện.
Ngoài ra, tác giả đọc một số truyện kiếm hiệp, quan sát cách sử dụng từ ngữ thời xưa để áp dụng vào bản thảo. Bửu Nguyễn nói áp lực nhất là làm sao để cốt truyện kết nối với bối cảnh lịch sử như ngoài đời thực. Các chi tiết nhỏ như phong tục tập quán, trang phục đều được anh cân nhắc đưa vào.
Vì sử liệu không đề cập nhiều đến tính cách nhân vật, tác giả phải sáng tạo, sao cho toát lên khí phách, tâm hồn qua câu chữ. Qua đó, anh muốn truyền tải cách sống, đối nhân xử thế, bài học của Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) khơi gợi những giá trị nhân văn.
Bửu Nguyễn cho biết niềm đam mê truyện kiếm hiệp bắt nguồn từ lúc học cấp hai. Anh tập tành viết những dòng đầu tiên của Nam triều kiến mộng vào năm lớp 8 tại thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Tháng 6/2013, tác giả ra mắt tiểu thuyết đầu tay Huyết án Phiên Ngung thành với bút danh Thiện Ngộ. Từ đó đến đầu năm nay, tác giả hoàn thành quyển sách thứ hai. Trong đó, anh sử dụng một phần chất liệu từ cuốn đầu, sửa lại nhiều tình tiết và bối cảnh.
Trong 10 năm hoàn thiện tác phẩm thứ hai, tác giả từng có cơ hội du học ở nhiều nơi để khám phá nền văn hóa, từ đó làm phong phú nội dung câu chuyện. Anh từng theo chương trình tiếng Anh tại Đại học Sunway (Malaysia), dự bị đại học hai năm tại Học viện Phật giáo (Singapore), tốt nghiệp cử nhân Quản trị hệ thống thông tin tại Đại học Maine (Mỹ). Hiện Bửu Nguyễn học cao học về ngành Phật học ứng dụng tại Australia.
“Việc tìm hiểu lịch sử qua tiểu thuyết, phim ảnh là điều cần thiết, thú vị hơn những trang tư liệu khô khan. Tôi muốn thử sức với thể loại kiếm hiệp Việt Nam, đi sâu khai thác về đề tài văn hóa và dã sử nước nhà”, tác giả nói.
Có mặt trong buổi ra mắt sách, nhà văn Ưu Đàm Hoa cho biết dòng truyện kiếm hiệp phổ biến với nhiều độc giả nhưng không được nhiều tác giả Việt sáng tác. “Tôi mong sự xuất hiện của tác phẩm sẽ làm phong phú kho tàng văn học, khơi dậy niềm đam mê viết lách cho thế hệ trẻ”, nhà văn nói.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tac-gia-viet-truyen-kiem-hiep-ve-trieu-vua-minh-mang-4774839.html