Nguyễn Đình Thi – tác giả bài thơ “Đất nước” hay ca khúc “Người Hà Nội” – để lại di sản văn hóa gắn với một chặng lịch sử.
Những dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ được bàn tại hội thảo toàn quốc Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay, ngày 12/12 ở Hà Nội, dịp 100 năm ngày sinh của ông (20/12/1924-20/12/2024).
Nguyễn Đình Thi là nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ đa tài, có những đóng góp mang tính kế thừa và cách tân. Sinh thời, ông để lại khối lượng tác phẩm văn, thơ đồ sộ, có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại.
Cùng những truyện ngắn, truyện vừa như Bên bờ Sông Lô (1957), Vào lửa (1966), Mặt trận trên cao (1967), ông dành hơn 20 năm theo đuổi và hoàn thành tiểu thuyết Vỡ bờ. Giáo sư Phong Lê nhận định tác phẩm là ”bức tranh hoành tráng về cuộc đổi đời của dân tộc thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945”. Mô tả bối cảnh lịch sử, Nguyễn Đình Thi không viết theo khuynh hướng anh hùng ca đơn thuần mà chú ý khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật, phản ánh tính cách và tâm hồn người Việt ở thời kỳ giao thoa văn hóa.
Trong lĩnh vực thơ, ông bắt đầu với tập Người chiến sĩ (1956), Dòng sông xanh (1974), Tia nắng (1983), Trong cát bụi (1992), Sóng reo (2001). Giáo sư Phong Lê chỉ ra điểm nổi bật trong thơ Nguyễn Đình Thi là tình yêu đất nước nhưng gắn bó chặt chẽ tình cảm với con người. “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần” (bài Đất nước). Ngoài ra tình yêu lứa đôi cũng được Nguyễn Đình Thi tôn vinh, trân trọng, trong bối cảnh những ngày đầu sau cách mạng khiến nhiều nhà thơ còn e ngại đề cập.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định Nguyễn Đình Thi đã tạo một phong cách mới mẻ, vừa kế thừa tinh hoa cổ điển của cha ông, vừa phát huy phẩm chất lãng mạn của giai đoạn Thơ Mới. Ở tham luận, ông Vũ Quần Phương nêu đặc trưng thơ Nguyễn Đình Thi là ít câu, một câu có ít chữ nhưng ấn tượng, gợi nhiều suy ngẫm. Nhiều bài thơ của ông không có mạch liền nhau nhưng liên kết nhờ chung không gian tâm trạng.
Không chỉ trong văn thơ, âm nhạc Nguyễn Đình Thi có tính lịch sử nhờ song hành những thăng trầm của đất nước, đồng thời để lại dấu ấn trong sự hình thành nền ca khúc cách mạng, theo chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Đức Trịnh.
Không được học cao về âm nhạc, sáng tác ít nhưng các ca khúc của ông ghi dấu trong lòng công chúng. Trong đó, giai điệu Diệt phát xít là nhạc hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam từ tháng 9/1945 đến nay. Bài hát Người Hà Nội trở thành nhạc hiệu Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội.
Nhạc sĩ Đức Trịnh phân tích Người Hà Nội là tác phẩm được tư duy theo ngôn ngữ khí nhạc, thuộc một trong những ca khúc có giá trị nhất viết về thủ đô. Nhiều thế hệ ca sĩ đã thể hiện thành công bài hát như Tuyết Thanh, Ánh Tuyết, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tấn Minh. Đến nay các tác phẩm âm nhạc của ông vẫn thường được biểu diễn trong loạt chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
”Với những gì ông để lại cho nền âm nhạc nước nhà, chúng ta có quyền tự hào và trân trọng gọi tên ông: nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi”, nhạc sĩ Đức Trịnh nói.
Suốt sự nghiệp, Nguyễn Đình Thi còn là cây bút lý luận, phê bình xuất sắc, có nhiều bài viết đăng trên hai tạp chí Tiên phong và Văn nghệ thời đầu kháng chiến chống Pháp, như Nhận đường, Tìm nghĩa hiện thực mới, Xây dựng con đường. Theo ông Phong Lê, đây là những tác phẩm có giá trị định hướng cho nền văn hóa, văn nghệ mới. Từ trước năm 1945, khi còn là sinh viên khoa Triết, ông Nguyễn Đình Thi đã có loạt công trình về Siêu hình học, Triết học Nietzsche.
Ở lĩnh vực sân khấu, Nguyễn Đình Thi đã viết trên dưới 10 vở, nhiều tác phẩm lấy đề tài dân gian. Tuy nhiên có những kịch bản khi ra đời đã chịu số phận long đong. Ví dụ vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980) – một trong số tác phẩm tâm huyết của ông – chỉ được công diễn chín buổi rồi phải ngừng. Rừng trúc (1978) phải sau 21 năm mới được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Giáo sư Hà Minh Đức nói: ”Kịch Nguyễn Đình Thi sâu sắc, trí tuệ, gây cho ông nhiều rắc rối, song cuối cùng đều bình yên và được đánh giá cao”. Sinh thời, hai nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Quang Sáng cho rằng kịch là thể loại hay hơn cả của Nguyễn Đình Thi.
Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Thành ủy Hà Nội và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – khẳng định Nguyễn Đình Thi là một trong những nghệ sĩ đa tài trong đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, có những đóng góp mang tính kế thừa tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân tộc, đồng thời khai phá, đổi mới theo hướng khoa học, hiện đại.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tac-gia-nguyen-dinh-thi-song-hanh-thang-tram-dat-nuoc-4827440.html