Hà NộiHọc giả Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu đa chiều về làng quê trước năm 1945, trong “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”.
Sách nối tiếp ba công trình của Nguyễn Văn Huyên được Nhã Nam thực hiện là Văn minh Việt Nam (2016), Hội hè lễ Tết của người Việt (2017), Sinh hoạt của người Việt: cư trú – kiến trúc – hát đối (2020).
Tác phẩm dày 300 trang, là những khảo sát, nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về một tỉnh tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng – Bắc Ninh. Đồng thời ông chỉ ra các phương diện trong phong tục tập quán của người Việt, trên cơ sở phân tích những đơn vị hành chính tiêu biểu của Việt Nam trước năm 1945, như tỉnh và tổng. Ở đó thể hiện rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, đồng thời cho thấy đời sống người dân quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ấn phẩm gồm những bài viết được in lại từ tuyển tập của Nhà xuất bản Xã hội là Bức tranh địa lý hành chính của một tỉnh Việt Nam xưa: Tỉnh Bắc Ninh (hay Kinh Bắc), Nghiên cứu tập quán người Việt, Nghiên cứu về một tổng của người Việt: Tổng Dương Liễu, Về thể chế các đẳng cấp trong làng xã người Việt, Lược khảo về khoa thi Hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7 (1913), Ghi chú về một bài đồng dao Việt Nam, Cách đặt tên trong hoàng tộc Việt Nam.
Sách có hai di cảo lần đầu được công bố: Nghiên cứu tập quán người Việt và Nghiên cứu về một tổng của người Việt: Tổng Dương Liễu. Công trình thứ nhất cung cấp khái quát về tập quán của người Việt dựa trên một số trường hợp cụ thể. Ở công trình thứ hai, các phân tích về tổng Dương Liễu qua những khía cạnh: cư trú, dân số… được Nguyễn Văn Huyên trình bày tỉ mỉ.
Tại sự kiện ra mắt sách sáng 5/2, anh Đào Lê Tiến Sỹ – biên tập ấn phẩm – nói bản thảo của hai công trình được Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy – con trai tác giả – trao lại. Bản gốc tiếng Pháp do Nguyễn Văn Huyên biên soạn, được dịch giả Võ Thị Thường chuyển ngữ tiếng Việt.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Xuân Đính, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết Nguyễn Văn Huyên là nhà dân tộc học được đào tạo bài bản tại Pháp, trong đó coi điền dã là phương pháp quan trọng nhất của nghiên cứu, sưu tập tư liệu.
Vì vậy học giả đã đến từng địa điểm, cộng đồng cư dân để ăn, ở, làm việc và trò chuyện cùng người dân, vẽ lại sơ đồ các tổng, làng, xã, lập bảng số liệu để so sánh. Riêng công trình về tổng Dương Liễu, tác giả đã lập trên 20 sơ đồ khác nhau, từ bao quát đến chi tiết, ở nhiều phạm vi, khu vực.
Khi nghiên cứu về làng, Nguyễn Văn Huyên kết luận: “Thực tế là, phải rất kiên nhẫn mới có thể sống ở vùng nông thôn Bắc Bộ: bằng chứng là phải sau hai đợt ném bom thực sự chết chóc thì hôm nọ những người Hà Nội mới quyết tâm rời thành phố để về ‘làng mình’ ”. Qua tìm hiểu của học giả, người đọc thấy được một hình ảnh khác về làng, nơi không chỉ có bình yên mà còn tồn tại mâu thuẫn, đấu tranh giữa cá nhân và giữa các làng trong một tổng.
Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một trong những học giả lớn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông từng du học Pháp từ năm 1923. Năm 1934, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp. Một năm sau, ông về nước, dạy học tại trường Bưởi. Năm 1938, ông chuyển sang làm nghiên cứu tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Tháng 11/1946, Nguyễn Văn Huyên giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, công tác 29 năm.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sach-ve-dia-ly-hanh-chinh-va-tap-quan-nguoi-viet-truoc-1945-4709055.html