Cậu bé Mahito đi đến thế giới do động vật thống trị để mong gặp lại mẹ, trong phim “The Boy and the Heron”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do Hayao Miyazaki đạo diễn, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết How Do You Live? (1937) của nhà văn Genzaburo Yoshino. Nội dung kể về Mahito, 12 tuổi (do Soma Santoki lồng tiếng), mồ côi mẹ sau một vụ cháy ở Tokyo. Cha con Mahito chuyển về vùng nông thôn. Tại đây, cả hai sống cùng Natsuko (Yoshino Kimura), em ruột của mẹ Mahito.
Sau khi về quê, Mahito dần trở nên khép mình, ít nói. Cậu thường xuyên ám ảnh về sự cố khiến người mẹ qua đời, không chấp nhận những thay đổi diễn ra xung quanh. Một ngày nọ, Natsuko bỗng dưng biến mất sau khi đi vào tòa lâu đài bí ẩn. Mahito quyết định lên đường tìm cô, đồng thời giải mã cái chết của mẹ mình. Bạn đồng hành của cậu là một con chim diệc xanh biết nói (Masaki Suda).
Tác phẩm lấy bối cảnh hậu chiến ở Nhật, mở ra hành trình khám phá thế giới nửa hư nửa thực của cậu bé Mahito. Theo Guardian, phim đề cập đến sự mất mát và đau buồn, nhưng mang không khí dịu dàng, nhiều sắc màu. Ban đầu, Mahito gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với cuộc sống mới. Cuộc gặp gỡ với con diệc xanh như một lời mời gọi, khiến Mahito bị cuốn vào thế giới kỳ lạ.
Trong khi tìm Natsuko, Mahito gặp lại Kiriko (Ko Shibasaki lồng tiếng), phiên bản thời trẻ của bà lão giúp việc cho gia đình cậu. Kiriko dắt Mahito tới làng chài, nơi có sinh vật kỳ lạ Warawara. Chúng là linh hồn con người chưa được sinh ra. Khi trưởng thành, Warawara bay lên trời để trở thành người. Ngoài ra, sự xuất hiện của Himi (Aimyon) – có khả năng điều khiển lửa – khiến Mahito nhớ về người mẹ đã mất. Những nhân vật này góp phần tạo nên thế giới sinh động, nhiều sắc màu.
Xuyên suốt phim là hành trình trưởng thành của Mahito. Việc mất đi người mẹ để lại cho cậu vết thương lòng khó nguôi ngoai. Khi đến vùng đất mới và gặp ông cố của mình, Mahito đứng trước hai lựa chọn: Ở lại kế thừa di sản để tiếp tục duy trì thế giới hoàn hảo, không khổ đau; hay quay về nơi đã làm tổn thương cậu. Cuối cùng, Mahito từ chối, cho rằng đau khổ là điều cần thiết cho cuộc sống, đồng thời bác bỏ lời nói dối về việc mọi vật đều hoàn hảo.
Trải qua cuộc phiêu lưu cùng những người bạn, Mahito dần chấp nhận sự xung đột trong tâm hồn, đồng thời tìm thấy lẽ sống đúng đắn. Đạo diễn ẩn dụ nỗi đau như sự khởi đầu của cuộc sống, nhắn nhủ thông điệp: Con người cần mạnh mẽ, kiên cường đối diện với cái chết. Sau mọi khổ đau, điều cần làm là hướng đến tương lai, tạo ra giá trị đẹp đẽ cho cuộc sống.
Âm nhạc do nhà soạn nổi tiếng Joe Hisaishi đảm nhận, mang đến giai điệu cổ điển, sâu lắng, thể hiện sự đồng cảm cho nỗi đau của nhân vật chính. Trong những đại cảnh, Joe Hisaishi sử dụng dàn giao hưởng giúp khán giả cảm nhận được sự hùng vỹ của thiên nhiên. Ở những phân cảnh sâu lắng, nghệ sĩ mượn tiếng piano hoặc cello nhằm khơi gợi cảm xúc các nhân vật.
Giống các tác phẩm trước của Hayao Miyazaki, The Boy and the Heron được các họa sĩ vẽ thủ công nhiều khung hình. Theo trang Film Comment, dù các bản vẽ được chuyển đổi sang định dạng kỹ thuật số để chiếu trên màn ảnh rộng, kết cấu hình ảnh lẫn sắc thái và chuyển động của các nhân vật vẫn mang phong cách tự nhiên, đa sắc màu như Princess Mononoke (1997), Spirited Away (2001).
Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá tốt. Trang Guardian viết: “The Boy and the Heron cho thấy ‘phép thuật’ trong điện ảnh của Miyazaki. Tác phẩm lấy cảm hứng từ trải nghiệm thời thơ ấu của đạo diễn nhằm tri ân quá khứ”. Cây bút Joshua Fox của ScreenRant nhận xét: “Tác phẩm cân bằng mọi chi tiết, với nhiều khoảnh khắc hài hước lẫn xúc động. Tất cả tạo nên một câu chuyện gần như hoàn hảo”.
Tuy nhiên, phim cũng có một số thiếu sót. Theo ScreenRant, phần lớn dàn nhân vật phụ thiếu sự phát triển tâm lý, làm mạch phim ngắt quãng. Tiết tấu của hồi hai khá nhanh, xử lý kém thuyết phục. Nguyên lý hoạt động của thế giới mới, quá trình Mahito chấp nhận Natsuko và lý do khiến ông cố của Mahito tin vào thế giới bí ẩn không được giải thích rõ.
Theo Hollywood Reporter, tác phẩm có nhiều chi tiết giống với cuộc đời nhà làm phim 82 tuổi. Nhiều nhà phê bình người Nhật cho rằng gia đình Miyazaki thoát khỏi vụ đánh bom ở Tokyo để đến vùng nông thôn Nhật Bản. Cha của Miyazaki – Katsuji – từng có một đời vợ. Katsuji cưới mẹ của Hayao sau khi người vợ đầu qua đời vì bệnh tật.
Katsuji là giám đốc công ty Miyazaki Airplanes, chuyên sản xuất máy bay cho Nhật trong Thế chiến II. Gia đình Miyazaki nhiều lần chuyển nhà do các cuộc không kích của quân Đồng minh. Các tình tiết này xuất hiện qua hình ảnh người cha Shoichi Maki (Takuya Kimura) cưới dì Natsuko, gia đình Mahito dọn về quê sống ở đầu phim.
Trong một số cuộc phỏng vấn, Miyazaki nhiều lần nói về mối quan hệ thân thiết với mẹ. Điều này giúp hình thành tính cách, tư duy làm phim của ông, đồng thời truyền cảm hứng cho nhân vật nữ trong các dự án.
Trước khi phát hành, nhà sản xuất chỉ tung một poster phim, không tiết lộ trailer, diễn viên lồng tiếng lẫn chiến dịch quảng bá. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2017, Toshio Suzuki, người đồng sáng lập Studio Ghibli, được coi là “cánh tay phải” của đạo diễn, cho biết Miyazaki dành tặng tác phẩm cho cháu trai, như cách đạo diễn nói: “Ông sẽ sớm đi sang thế giới bên kia nhưng ông sẽ để lại tác phẩm này”.
Hôm 11/12, tác phẩm nhận hai đề cử giải Quả Cầu Vàng 2024, gồm Phim hoạt hình xuất sắc và Nhạc phim điện ảnh hay nhất (cho Joe Hisaishi). The Boy and the Heron còn nhận bảy giải thưởng và 21 đề cử điện ảnh, theo thống kê của IMDb.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/the-boy-and-the-heron-670