Lee Tang – Choi Woo Sik đóng – “thay trời hành đạo” sau khi biết mình có khả năng nhận biết kẻ xấu, trong phim “Nghịch lý kẻ sát nhân”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm lấy cảm hứng từ webtoon cùng tên của tác giả Kkomabi, xoay quanh chàng trai Lee Tang (Choi Woo Sik đóng) làm việc ở cửa hàng tiện lợi. Sau khi xuất ngũ, Lee Tang mất phương hướng, không tìm được mục đích sống.
Một đêm khi từ chỗ làm về nhà, cậu vô tình giết người đàn ông lạ mặt. Sau đó, phía cảnh sát công bố nạn nhân là sát thủ hàng loạt. Trong lúc che giấu tung tích, Lee Tang sát hại thêm một phụ nữ để bịt đầu mối. Cả hai vụ án khiến cảnh sát bất lực vì không có bằng chứng. Lúc này, viên cảnh sát Jang Nan Gam (Son Suk Ku) để mắt đến Lee Tang.
Phim có tiết tấu nhanh, gây sốt nhờ những tình tiết giật gân, gia tăng cao trào. Kịch bản kéo người xem vào trò chơi mèo vờn chuột của hai nhân vật chính, thúc đẩy diễn biến câu chuyện. Trong khi Lee Tang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Nan Gam biết rõ thủ phạm nhưng không thể kết tội.
Giữa phim, các tình huống trở nên rối rắm hơn khi nhân vật phản diện Song Chon (Lee Hee Joon) – tên tội phạm mà Nan Gam bỏ lọt nhiều năm trước – xuất hiện. Lúc này, Song Chon muốn Lee Tang về cùng phe với mình, còn Nan Gam một lần nữa truy bắt kẻ thù cũ. Thông qua mối quan hệ giữa cảnh sát và ác nhân, series nêu thông điệp: Khi cái ác còn tồn tại, những người thực thi công lý vẫn sẽ tìm ra sự thật.
Tác phẩm pha trộn nhiều thể loại như kinh dị, chính kịch, giả tưởng lẫn hài đen (black comedy). Sau khi cho khán giả thấy thủ đoạn giết người của Lee Tang, biên kịch tiết lộ tung tích nạn nhân, tạo mối quan hệ nhân quả.
Nhà làm phim không phán xét hay phân định đúng sai, mà cho khán giả tự suy ngẫm, tìm câu trả lời cho số phận mỗi nhân vật. Điển hình, trong tập 2, Seon Yeo Ok (Jung Yi Seo đóng) – nhân vật tống tiền Lee Tang – có tâm lý lệch lạc, từng sát hại cha mẹ và chôn xác trong vườn nhà. Nhưng cuối cùng, cô bị Lee Tang giết chết vì lòng tham vô đáy. Từ đây, đạo diễn đặt ra nhiều câu hỏi như: Liệu công lý có được thực thi khi không có bằng chứng kết tội Lee Tang? Hay đâu là giới hạn đạo đức con người?
Kịch bản không chỉ tập trung vào động cơ của nhân vật chính, mà còn đào sâu cuộc sống của những người Lee Tang sát hại. Tội lỗi của họ có mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng điểm chung là liên quan đến bạo hành phụ nữ. Chi tiết này thể hiện rõ trong vụ Lee Tang giết hai thanh niên sau khi họ đâm sĩ quan cảnh sát. Hai người từng cưỡng bức một nữ sinh trung học, dẫn đến việc cô gái tự sát.
Tuy nhiên, tội ác của cả hai không phải là mấu chốt, mà là sự day dứt, căm hận hung thủ của gia đình nữ sinh. Sự đồng cảm mà biên kịch Kim Da Min mang đến trong phân cảnh này đọng lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Trong một số trường đoạn khác, kịch bản thêm thắt yếu tố gây cười, giúp phim bớt nặng nề.
Dàn diễn viên chính là điểm sáng của tác phẩm, tiêu biểu là Choi Woo Sik. Trong vai Lee Tang, nghệ sĩ linh hoạt biến hóa tính cách, từ cậu sinh viên đại học thiếu sức sống đến tên côn đồ tự cho mình khả năng “thay trời hành đạo”. Nhờ biểu cảm đa dạng, Woo Sik mang đến sự rụt rè cho nhân vật khi lo sợ bại lộ danh tính. Mặt khác, diễn viên có sự dứt khoát khi ra tay trừng trị kẻ ác.
Diễn xuất của Woo Sik được giới chuyên môn đánh giá cao. Trang Dexerto nhận xét: “Choi Woo Sik có khả năng khắc họa nhân vật có thái độ thay đổi mạnh mẽ đến nỗi ngoại hình cũng là điều đáng chú ý”.
Trong khi đó, trang Butwhytho cho rằng việc xây dựng tốt nhân vật Lee Tang khiến Choi Woo Sik trở nên ấn tượng với khán giả. “Cách bộ phim mô tả tính cách Lee Tang thật tuyệt vời. Vai diễn thể hiện sự chuyên nghiệp và khả năng hóa thân của Woo Sik”, trang này viết.
Ngoài tài tử Parasite, khán giả còn ấn tượng vẻ ngoài lạnh lùng của Son Suk Ku trong vai cảnh sát Jang Nan Gam. Khác với Lee Tang, Nan Gam kiên định để đảm bảo công lý được thực thi. Trong khi nhiều cảnh sát bỏ cuộc, Nan Gam đào sâu các vụ án đến mức bị kỷ luật. Suk Ku bộc lộ sự mạnh mẽ qua giọng nói và hành động.
Dàn diễn viên phụ đóng tròn vai. Lee Hee Joon cho thấy sự bất mãn, nham hiểm trong ánh mắt, điển hình trong trường đoạn nhân vật đối đầu Lee Tang và Nan Gam. Ngoài ra, Kim Yo Han (vai Roh Bin) được nhiều khán giả đánh giá là yếu tố đột phá trong tác phẩm.
Cây bút Joel Keller của trang Decider viết: “Bề ngoài A Killer Paradox có vẻ là series khá đơn giản, nhưng có nhiều khoảnh khắc căng thẳng”.
Trên Butwhytho, Kate Sánchez nhận xét tác phẩm là “một trong những loạt phim hay nhất trên Netflix năm nay”. Trong đó, mô-típ gợi nhắc series Taxi Driver (2021), còn yếu tố kỳ ảo khiến khán giả liên tưởng đến Vigilante (2023). “Biên kịch phức tạp hóa một cốt truyện đơn giản, khiến nó trở nên nổi bật. Hài hước, bạo lực và không nhàm chán, A Killer Paradox không giống bất kỳ phim tâm lý tội phạm nào”, Sánchez nhận định.
Theo The Review Geek, trong bốn tập đầu, kịch bản phim ngắn gọn và chặt chẽ. Đồng thời, sự kết hợp giữa chuyển động máy quay, ánh sáng và âm nhạc tạo nên sự hồi hộp cho câu chuyện. Tuy nhiên, nửa cuối phim tập trung vào việc giới thiệu phản diện Song Chon mà quên mất diễn biến chính.
“Các tập phim lê thê. Kịch bản mất đi cấu trúc sắc nét và trở nên lộn xộn. Dù tác phẩm vẫn duy trì được bầu không khí căng thẳng, nhưng phong cách của những tập trước bị mờ nhạt. Cảm giác hồi hộp không quá mạnh, đồng thời thiếu đi sự bí ẩn”, trang này nhận xét.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/nghich-ly-ke-sat-nhan-685