Nhiều cầu thủ tuyển quốc gia vượt nỗi buồn, định kiến trước câu nói “nghỉ đi, về quê lấy chồng” trong phim tài liệu “Bóng đá nữ Việt Nam” .
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do Nguyễn Thị Thắm đạo diễn, mở đầu bằng những hình ảnh bóng đá nữ Việt Nam mới phát triển vào thập niên 1990, với sự dẫn dắt của “cha đẻ” Trần Thanh Ngữ và Hoàng Vĩnh Giang. Sau đó, bộ phim tái hiện quá trình đội tuyển tham gia World Cup nữ 2023, đánh dấu lần đầu tiên tới sân chơi thế giới.
Phim xây dựng từ nguồn ghi hình thực tế khi êkíp theo chân đội tuyển đến bốn quốc gia trong hai năm, đồng thời sử dụng tư liệu video của 300 trận đấu. Nhà làm phim tập trung khai thác khoảnh khắc đời thường, phỏng vấn nhiều cầu thủ, chuyên gia để làm nổi bật khát khao chinh phục giải đấu đẳng cấp toàn cầu.
Trước khi đến New Zealand năm 2023, các học trò của huấn luyện viên Mai Đức Chung từng hai lần vụt mất cơ hội. Lúc nhắc tới giấc mơ World Cup, có người sợ đến tuổi giải nghệ, người khác lo ngại những chấn thương đe dọa sự nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, tại lượt cuối vòng play-off Asian Cup 2022, cơ hội cuối cùng để giành suất vé ở World Cup nữ 2023, đội gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt thành viên nhiễm Covid-19 trong quá trình tập huấn tại Tây Ban Nha. Chỉ sáu cầu thủ bay sang Ấn Độ đúng kế hoạch, có nguy cơ bỏ giải. Một ngày trước khi khởi tranh, đoàn mới có đủ nhân sự tập luyện.
Trước ống kính máy quay, mỗi cô gái thể hiện tính cách khác nhau khi nói về cột mốc trong sự nghiệp. Phim cho thấy góc nhìn gần gũi về mối quan hệ giữa các cầu thủ, ông Mai Đức Chung và học trò. Họ tương tác tự nhiên trong khi trả lời phỏng vấn, hỏi han về cảm xúc của nhau.
Đi kèm nỗi lo lắng của đội tuyển là những giọt nước mắt. Điển hình, sau một màn tranh chấp bóng ở trận gặp Đài Loan, “cơn lốc đường biên” Thanh Nhã bị trọng tài rút thẻ vàng rồi rời sân thay người. Cô rơi nước mắt khi nghĩ đến khoảnh khắc đáng quên, nuối tiếc vì không thể cùng đồng đội chiến đấu đến phút cuối.
Với nhiều cầu thủ, gia đình là động lực khiến họ theo đuổi sự nghiệp. Trong phim, tiền đạo Huỳnh Như cho biết bóng đá là đam mê, giúp cô kiếm tiền xây nhà cho cha mẹ. Những ngày đầu lên TP HCM tham gia câu lạc bộ, cô khóc vì nhớ nhà, tự nhủ phải nỗ lực để được gọi lên đội tuyển. Cô xem các đồng đội và ban huấn luyện là gia đình thứ hai.
Ngày lọt vào vòng chung kết World Cup, hậu vệ Chương Thị Kiều chưa kịp mừng lại nhận tin ông ngoại qua đời. Các đồng đội chia sẻ nỗi đau với cô, cùng vượt giây phút khó khăn. Bên cạnh đó, pha lập công của Bích Thùy trong trận gặp Đài Loan là bàn thắng mà cầu thủ muốn dành tặng người cha quá cố. “Tôi muốn nói với cha rằng mình đã làm được. Ông khuyến khích tôi theo đuổi sự nghiệp, dặn cố gắng hết mình với bóng đá và đừng hối tiếc điều gì”, tiền vệ quê Quảng Ngãi nói.
Qua chặng đường đến World Cup, tác phẩm làm nổi bật ý chí kiên cường của các cô gái. Họ không bị bó buộc bởi những khuôn mẫu về vai trò của phụ nữ, mà chứng minh bóng đá là sân chơi của mọi người, không phân biệt giới tính. Mọi thành viên chơi bóng bằng đam mê, khát khao thể hiện bản thân với bạn bè quốc tế, đồng thời kỳ vọng mang về thành tích cho nước nhà.
Không chỉ những cô gái đội tuyển Việt Nam hiện tại kể câu chuyện của mình, bộ phim có sự xuất hiện của cựu cầu thủ tài năng như Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Kim Chi. Từ lần đầu ra mắt tại SEA Games 1997 đến khi bước đến sân chơi toàn cầu, họ dần khẳng định vị thế qua nhiều trận đấu. Trước đó, các chân sút vừa phải theo đuổi đam mê, vừa lo toan cơm áo gạo tiền.
Suốt nhiều năm, các cầu thủ thường gặp câu hỏi như: “Con gái sao cắt tóc ngắn mà không để dài?”, hay “Con gái đá bóng làm gì?”, thậm chí có người khuyên nên dừng sự nghiệp để “về quê lấy chồng”. Tuy nhiên, họ không nản lòng mà kiên trì với thể thao, vì đó là con đường giúp gia đình vượt qua đói nghèo, trang trải kinh tế cho cha mẹ.
Do hạn chế về tư liệu, nhà làm phim tái hiện giai đoạn mở đầu của bóng đá nữ Việt Nam bằng đồ họa. Đạo diễn hình ảnh Vũ Hoàng Triều sử dụng đa dạng góc máy trong lúc phỏng vấn, tạo cho người xem cảm giác như đang theo dõi trực tiếp cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, tác phẩm có phần ôm đồm, dàn trải khi tóm tắt gần 30 năm phát triển đội tuyển nữ qua góc nhìn của nhiều người trong gần 80 phút.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, 40 tuổi, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM năm 2007. Năm 2014, phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một trong chín tác phẩm tranh giải hạng mục Phim đầu tay quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Cinéma du Réel (Pháp) năm 2014. Cô còn tham gia giảng dạy, cố vấn tại tổ chức Varan Việt Nam – nơi đào tạo, nuôi dưỡng các tài năng phim tài liệu độc lập.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/bong-da-nu-viet-nam-742