Sáu cuốn sách của nhiều tác giả quốc tế giúp người đọc hiểu vấn đề tâm lý trong xã hội hiện đại và cách ứng xử với người bệnh tâm thần.
Tâm trí và bộ não là những lãnh địa khoa học chỉ mới nghiên cứu được phần nhỏ. Đến cuối thế kỷ 19, những triết gia quan tâm tìm hiểu “tâm trí”, nhiều người còn đánh đồng tâm trí với linh hồn, vượt xa khỏi sự hiểu biết. Những nghiên cứu tâm lý học đi từ vấp váp và chệch hướng ban đầu, đến khi dần phát triển thành một ngành khoa học thực nghiệm có trật tự.
Trong bối cảnh ngành tâm lý học trong nước còn non trẻ, các cơ sở thăm khám và điều trị bệnh tâm lý, tâm thần chưa nhiều và chi phí tư vấn cao, bộ sách Tâm lý học toàn thư ra đời với mục đích làm rõ các khái niệm, góp phần giúp bạn đọc cái nhìn tổng quan về lĩnh vực này.
Các quyển sách có nội dung độc lập. Trong đó, Lịch sử tâm lý học 324 trang, khái quát quá trình phát triển của ngành, xét đến sự phát triển trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phân nhánh thành nhiều trường phái tư tưởng. Tác phẩm cũng đề cập sự ảnh hưởng của tiến bộ khoa học, tác động của nghiên cứu mới trong các nền văn hóa.
Bộ não và Tâm trí 300 trang, phân tích bản chất của ý thức, cách thức hệ thống các giác quan hoạt động để chuyển tải những thứ con người cảm nhận. Trong đó, chương về trí tuệ nhân tạo (AI) đào sâu vấn đề: Liệu máy móc có thể tư duy như con người không?
Tư duy và Hiểu biết 292 trang, bàn về cách bộ não xử lý, lưu trữ và truy xuất các dữ liệu đã tiếp nhận. Tập này đề cập đến quá trình nhận thức mà con người và các động vật khác có sự tương tự, ví dụ như lối học tập liên tưởng, các quá trình chỉ có ở nhân loại, ví dụ như việc xử lý ngôn ngữ.
Tâm lý học Phát triển 300 trang, bàn về các thay đổi trong quá trình phát triển tâm lý con người, từ khi mới sinh, thời thơ ấu, cho đến khi già lão, sự phát triển tâm lý xã hội và cảm xúc, cũng như cách vun bồi cho quá trình phát triển đó. Tập này điểm qua các lý thuyết về phát triển tâm lý xã hội và phát triển trí tuệ, nhất là thuyết của nhà tâm lý học Jean Piaget (Thụy Điển) và Lev Vygotsky (Nga).
Tâm lý học Xã hội 304 trang, nói đến các quan điểm về nhân cách, trí tuệ, cách con người kết nối và giao tiếp, thành lập các nhóm xã hội.
Tâm lý học bất thường 296 trang, trình bày các dạng rối loạn tâm thần, đồng thời đi sâu phân tích một số rối loạn tâm lý và nguyên nhân gây ra. Tập này cũng mô tả các chẩn đoán và phương pháp trị liệu tâm lý, cách xã hội đối xử với người có bệnh lý tâm thần.
Trong những năm gần đây, thuật ngữ như “rối loạn lo âu”, “trầm cảm”, “tâm thần phân liệt”, “tăng động giảm chú ý” xuất hiện nhiều. Việc phát sinh vấn đề tâm lý, tâm thần trong giai đoạn nào đó của cuộc đời, nguyên nhân do gene hay tác động bên ngoài, vẫn là câu hỏi mà khoa tâm lý học đang theo đuổi.
Tác phẩm cho thấy những người xung quanh chúng ta có thể đang có bệnh tâm lý, dù họ vẫn làm việc và sinh hoạt. Qua đó, một số bài học được rút ra. Ví dụ, sự hiểu biết về tâm lý học quan trọng đối với việc ban hành chính sách xã hội phù hợp, để bộ phận nhân sự trong công ty có chính sách đúng với người lao động, mỗi người tự ý thức để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mình.
Tiến sĩ Phạm Toàn – tác giả cuốn Tâm bệnh học, Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ, Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5 – đánh giá bộ sách cần thiết cho giáo viên và sinh viên ngành tâm lý học. Mỗi quyển gồm các chương nội dung theo chủ đề, nghiên cứu sâu về một số trường hợp bệnh nhân cụ thể, góp phần mở rộng hiểu biết của độc giả về tâm lý học.
Nhóm tác giả là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Trong đó, tiến sĩ Sarah-Jayne Blakemore hiện làm việc tại Viện Sức khỏe Tâm thần và Nghiên cứu Y khoa (Pháp), Joseph M. Boden là giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Southern Queensland (Australia), nhà tâm lý học Christopher D. Green – công tác khoa Tâm lý học, Đại học York (Canada), cùng nhiều bác sĩ người Anh và Mỹ.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ra-mat-bo-sach-ve-tam-ly-hoc-4744585.html