Nhà báo, họa sĩ Đỗ Hữu Khôi trưng bày tranh sơn dầu trường phái Ấn tượng cùng họa sĩ Phạm Văn Trọng, ở triển lãm “Gặp gỡ”.
Từ ngày 1 đến 8/8 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), hai họa sĩ giới thiệu 33 tác phẩm chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật. Các họa sĩ cho biết sẽ trích 10% số tiền bán tranh để ủng hộ quỹ nữ sinh vùng cao.
Nhà báo Đỗ Hữu Khôi quen biết họa sĩ Phạm Văn Trọng khoảng 10 năm. Mỗi khi có tác phẩm mới, cả hai thường gửi cho nhau xem, bàn bạc, nhận xét về chuyên môn. Họ hiểu tính cách con người, phong cách nghệ thuật của nhau nên ấp ủ mở triển lãm chung. Nếu Đỗ Hữu Khôi chọn tập trung mảng chân dung, họa sĩ Phạm Văn Trọng dành tâm huyết cho các bức phong cảnh. Hai tác giả có bút pháp khác biệt nhưng giống nhau ở nét vẽ, màu sắc, tinh thần dung dị, hồn hậu. 33 bức tranh ở triển lãm được họ sáng tác trong khoảng 5 năm.
Họa sĩ, giám tuyển Phạm Bình Chương gọi tác giả Đỗ Hữu Khôi là “nhân tố bí ẩn”, tạo bất ngờ với làng hội họa trong nước. Họa sĩ 49 tuổi, hiện là phó Tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Vietnamnet, mày mò tự học vẽ trong nhiều năm. Ngoài ra, anh được bác ruột là họa sĩ Đỗ Sơn chỉ dạy một số kiến thức cơ bản khi mới vào nghề.
* Một số tác phẩm trong triển lãm
Có một số nhận xét cho rằng tác giả Đỗ Hữu Khôi “liều” khi vẽ theo phong cách Ấn tượng. Trong hội họa, thuật ngữ này được sử dụng cho những tác phẩm thể hiện chính xác ấn tượng thị giác, dưới tác động nhất thời của ánh sáng và màu sắc. Trường phái ra đời năm 1874, sau khi danh họa Pháp Claude Monet trưng bày bức Ấn tượng mặt trời mọc.
Hàng ngày, họa sĩ duy trì thói quen vẽ lúc đêm muộn, khoảng hai, ba tiếng, sau đó, dành thời gian tham khảo tác phẩm của các họa sĩ nước ngoài để thêm kinh nghiệm. “Tôi dự định toàn tâm toàn ý theo đuổi hội họa sau khi về hưu”, họa sĩ Đỗ Hữu Khôi nói về đam mê hội họa.
Là người “ngoại đạo”, trước khi giới thiệu tranh, Đỗ Hữu Khôi mời nhiều họa sĩ, nhà phê bình nhận xét. “Giờ là lúc tôi thấy tự tin để giới thiệu thành quả lao động của mình, sau 10 năm nghiêm túc theo đuổi hội họa”, nhà báo Đỗ Hữu Khôi nói.
Theo giám tuyển Phạm Bình Chương, điểm mạnh trong tranh của tác giả Hữu Khôi là màu sắc vừa trong trẻo vừa có chiều sâu nghệ thuật. Còn họa sĩ Trang Thanh Hiền cảm nhận Đỗ Hữu Khôi không quá chú trọng kỹ thuật, bố cục lẫn hình họa nhân vật, nên mọi thứ trong tranh “vụng về một cách tự nhiên, không gượng ép”. Cách họa sĩ nhấn nhá hình và nét chủ yếu dùng để bộc lộ các trạng thái của nhân vật.
“Học tập nhiều từ các bậc thầy hội họa Ấn tượng, Đỗ Hữu Khôi tự rút ra những cách thức biểu cảm riêng. Người ta có thể nhận ra đâu đó trong tranh của anh có nét học hỏi từ một Matisse rực rỡ trong các nhân vật phụ nữ, một Van Gogh cùng những nét cọ mạch lạc ở một vài bức phong cảnh hay tĩnh vật. Tuy nhiên, xuyên suốt trong những tác phẩm này có lẽ vẫn là một tâm hồn và tình yêu của riêng anh”, họa sĩ Trang Thanh Hiền nhận xét.
Về tranh của Phạm Văn Trọng, họa sĩ Trang Thanh Hiền cho rằng anh ảnh hưởng từ Paul Cézanne, nhất là ở cách tạo khối. Là họa sĩ chuyên nghiệp, anh chú trọng kỹ thuật vẽ tranh từ việc tạo nền, dựng bố cục, diễn tả không gian xa gần. Tuy nhiên, tranh của họa sĩ không khô cứng mà giàu cảm xúc qua những hình ảnh lãng đãng, nhẹ nhàng như gió, sương và trăng.
Phạm Văn Trọng 46 tuổi, từng tham gia nhiều triển lãm toàn quốc, có triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2018. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Dương năm 2000, có hơn 20 năm theo nghề vẽ.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phu-nu-va-phong-canh-trong-tranh-do-huu-khoi-pham-van-trong-4776918.html