“The Challenger” – về vụ nổ tàu con thoi năm 1986 và cuộc điều tra nguyên nhân thảm kịch – là một trong số sách hay nhất 2024 ở Mỹ.
Cuối năm, tạp chí The Atlantic công bố danh sách tác phẩm hay nhất 2024 ở thị trường Âu Mỹ. Nhiều trang tin quốc tế lớn như New York Times, New Yorker, TIME cũng có danh sách bầu chọn riêng. Về tiêu chí, The Atlantic chọn các quyển có góc nhìn mới mẻ về những vấn đề thân thuộc như gia đình, lịch sử nước Mỹ, chính trị. NY Times bình chọn dựa trên ấn tượng và sức ảnh hưởng dài lâu mà tác phẩm có thể mang lại cho độc giả. Dù khác tiêu chuẩn, các trang vẫn có một số lựa chọn giống nhau, như hai quyển James và Martyr! góp mặt trong phần lớn bảng xếp hạng.
Hôm 10/12, AP thông báo top 10 sách nổi bật nhất năm, gây chú ý khi sách ảnh The Eras Tour Book của Taylor Swift và Melania – hồi ký của Đệ nhất phu nhân Mỹ nhiệm kỳ tới Melania Trump – xuất hiện trong danh sách nhờ có doanh số cao.
Dưới đây là các cuốn sách do The Atlantic bình chọn.
Challenger: A True Story of Heroism and Disaster on the Edge of Space (Kẻ thách thức: Sự thật về chủ nghĩa anh hùng và thảm họa ngoài rìa không gian)
Dựa trên các nghiên cứu về vụ nổ tàu con thoi Challenger năm 1986, nhà báo Anh Amdam Higginbotham, 56 tuổi, tái hiện những năm trước khi thảm kịch xảy ra, cuộc sống của bảy thành viên phi hành đoàn xấu số và những cá nhân đóng góp dự án nhưng không được biết đến. Tác giả cũng đề cập cuộc điều tra nguyên nhân tai nạn, cho biết đội ngũ kỹ sư và nhà thầu của NASA từng cảnh báo phương tiện bay có thể xảy ra sự cố trong nhiều năm. Đêm trước ngày phóng, một cuộc hội nghị diễn ra qua điện thoại để cân nhắc có nên hủy dự án hay không.
Atlantic đánh giá Challenger là sách lịch sử về ngành hàng không vũ trụ vừa sâu sắc vừa dễ tiếp cận, thể hiện khát vọng và động lực chinh phục không gian của con người. Tác phẩm cũng là lời cảnh báo tai họa có thể xảy ra nếu tham vọng của nhân loại biến thành sự ngạo mạn.
Martyr! (Tử vì đạo)
Là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Mỹ gốc Iran – Kaveh Akbar, 35 tuổi. Tác giả viết về thi sĩ Cyrus và hành trình đi tìm mục đích sống sau những biến cố. Khi còn nhỏ, mẹ Cyrus qua đời trong vụ tai nạn hàng không. Hai cha con anh sau đó rời Iran đến Mỹ để bắt đầu cuộc sống mới nhưng cha cũng sớm qua đời. Cyrus dành phần lớn tuổi trẻ cho ma túy, rượu bia và bị ám ảnh bởi những người tử vì đạo.
“Tiểu thuyết của Akbar hầu hết về cái chết nhưng lại khẳng định sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ. Đây là một tác phẩm sâu sắc, phức tạp với nhiều yếu tố tình cảm, kịch tính đan xen những cảm xúc mạnh mẽ nhất”, Atlantic nhận xét.
James
Tác phẩm do nhà văn Mỹ Percival Everett, 68 tuổi, cải biên từ quyển Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1884) của đại văn hào Mark Twain. Tương tự bản gốc, tiểu thuyết của Everett kể về chuyến khám phá miền nam nước Mỹ xuôi dòng sông Mississippi của Huckleberry và nô lệ da đen James (bản cũ là Jim).
Nhà văn Percival Everett viết câu chuyện theo góc nhìn của James, mang đến cho độc giả khía cạnh mới của nhân vật. Tác giả cũng mô tả James có trí tuệ sắc sảo, thường bộc lộ sự thông thái trong tình huống hiểm nguy thay vì chỉ là chàng nô lệ dân dã như bản cũ. Theo Atlantic, nội dung tiểu thuyết u ám khi tái hiện bối cảnh thời tiền Nội chiến với những vùng đất đầy roi vọt, “trang trại người” và nhiều cuộc giết chóc, khác phong cảnh nhẹ nhàng trong văn của Mark Twain. Nhà văn nêu lên các vấn đề gai góc hơn như mối quan hệ của bạo lực và sự khai sáng, điểm khác biệt giữa việc chạy trốn và tìm tự do đích thực.
The Hypocrite (Kẻ đạo đức giả)
Tiểu thuyết của nhà văn Anh Jo Hamya, 27 tuổi, xoay quanh những xung đột giữa bố mẹ và con cái ngày nay. Truyện kể về Sophia – nhà viết kịch trẻ – dùng tác phẩm của mình châm biếm thói xem thường phụ nữ của cha, một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Cô sáng tác dựa trên những chuyện xảy ra trong kỳ nghỉ ở Sicily 10 năm trước. Khi đó, cô giúp cha đánh máy cuốn tiểu thuyết về tình dục và phân biệt giới tính, đồng thời phát hiện mối quan hệ của ông và “những người đàn bà xa lạ”.
Trong tác phẩm, nhà văn không tập trung vào một quan điểm cụ thể mà cung cấp góc nhìn khác biệt của hai nhân vật. Atlantic cho rằng bằng cách cho thấy việc Sophia và cha không thể hiểu nhau, tác giả phơi bày khoảng cách giữa thế hệ trẻ và những người lớn tuổi. Trong đó, các thanh niên thì oán giận thế giới họ kế thừa còn người già thì xem giới trẻ như “sai lầm không thể cứu vãn”.
The Brush (Bụi cây)
Tác phẩm là tập thơ dài của nhà thơ Colombia Eliana Hernández-Pachón viết về vụ thảm sát El Salado ở vùng Montes de María vào tháng 2/2000. Khi đó, lực lượng bán quân sự tra tấn và sát hại 60 người, còn chính quyền lại thờ ơ. Nhà thơ mượn tiếng nói của vợ chồng Pablo và Esther cùng các điều tra viên, nhân chứng và những bụi cây trong làng để kể lại tội ác và những nỗi đau. Theo Good Reads, thiên nhiên trong tác phẩm còn đại diện sức mạnh phi thường của thế giới tự nhiên, tiếp tục sinh trưởng bất chấp sự tàn bạo của con người.
Creation Lake (Hồ sáng tạo)
Tác phẩm của nhà văn Rachel Kushner, 56 tuổi, viết về Sadie – nữ điệp viên Mỹ 34 tuổi được cử làm nhiệm vụ ở Pháp. Cô nổi tiếng với chiến thuật tàn nhẫn, quan điểm táo bạo ẩn sau vẻ đẹp trong sáng. Đối lập hình tượng mạnh mẽ, tác giả tập trung vào sự yếu đuối của nhân vật khi để Sadie dần nhận ra bản thân đang tự lừa dối mình. Tác giả cho thấy việc Sadie cố gắng xây dựng vẻ ngoài bất khả xâm phạm chỉ nhằm mục đích che đậy những mâu thuẫn nội tại về thế giới cô đang sống.
A Wilder Shore: The Romantic Odyssey of Fanny and Robert Louis Stevenson (Bờ biển hoang: Cuộc phiêu lưu lãng mạn của Fanny và Robert Louis Stevenson)
Tác giả Camille Peri tái hiện chuyện tình của nhà văn Đảo giấu vàng Robert Louis Stevenson (1850-1894) và vợ – bà Fanny. Sinh thời, Stevenson là người ốm yếu, nhưng khao khát cuộc sống du mục và yêu viết lách từ nhỏ. Cả hai gặp nhau lần đầu vào năm 1876 tại Pháp khi Stevenson 26 tuổi còn vợ tương lai thì 36. Sau khi kết hôn, Fanny không chỉ là bạn đời mà còn hỗ trợ chồng trong việc sáng tác, cùng ông vòng quanh thế giới để tìm nguồn cảm hứng.
Trong phần giới thiệu, nhà xuất bản cho biết: “A Wilder Shore là bức chân dung về hai con người phi thường, là minh chứng cho sức mạnh tình yêu có thể nuôi dưỡng tinh thần”.
The Unclaimed (Những người không được nhận)
Hàng năm, hàng nghìn người Mỹ qua đời nhưng không có gia quyến nhận thi thể, được chôn cất trong những ngôi mộ tập thể. Thực trạng này càng gia tăng trong bối cảnh người giữa người dần mất kết nối. Trước tình cảnh đó, bộ đôi nhà xã hội học Pamela Prickett và Stefan Timmermans nghiên cứu vì sao cuộc đời của nhiều người kết thúc như vậy.
Theo hai tác giả, cuộc sống xa gia đình, hướng đến sự độc lập với cái giá đánh đổi những mối quan hệ, hoặc chật vật tìm nơi ổn định là những hoàn cảnh khiến nhiều người dễ rơi vào số phận trên. Thách thức lớn nhất sách đặt ra cho độc giả là “mỗi người cần suy ngẫm lại sự gắn bó giữa con người với nhau”.
Whiskey Tender (Whiskey nhẹ nhàng)
Tác phẩm là hồi ký của nhà văn Mỹ gốc bản địa Deborah Jackson Taffa. Bà sinh ra tại khu bảo tồn California Yuma, có mẹ là con lai của thổ dân và người da trắng, bố mang hai dòng máu của bộ lạc Quechan và Laguna Pueblo. Tác giả cho biết khi còn nhỏ, bà thường cảm thấy mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng về bản sắc, suy ngẫm về cuộc sống của cộng đồng da đỏ trước ảnh hưởng của chính quyền Mỹ.
Một trong những hồi ức nổi bật của tác giả là khi gia đình rời quê hương đến bang New Mexico. Theo tác giả, chuyến di dời năm ấy khiến bà cảm thấy như mất kết nối với bản thân. Nhà văn cũng giải thích cách chính phủ khuyến khích thành viên bộ lạc tìm việc ngoài khu vực sinh sống, nêu quan điểm nhiều sự kiện lịch sử liên quan cộng đồng bản địa. The Atlantic nhận định Whiskey Tender thể hiện tiếng nói của nhiều thế hệ nói chung và một cá nhân nói riêng – độc đáo nhưng không bao giờ đơn độc.
Ngoài tạp chí The Atlantic, nhiều trang tin quốc tế lớn như New York Times, New Yorker, TIME công bố danh sách tác phẩm hay nhất năm với tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, The Atlantic chọn các quyển có góc nhìn mới mẻ về những vấn đề thân thuộc, NY Times dựa trên ấn tượng dài lâu mà sách có thể mang lại. Dù khác tiêu chuẩn, các chuyên trang vẫn có một số lựa chọn giống nhau. Hai quyển James và Martyr! góp mặt trong phần lớn bảng xếp hạng năm nay.
Hôm 10/12, AP thông báo top 10 sách nổi bật nhất năm, gây chú ý khi sách ảnh The Eras Tour Book của Taylor Swift và Melania – hồi ký của Đệ nhất phu nhân Mỹ nhiệm kỳ tới Melania Trump – xuất hiện trong danh sách nhờ có doanh số cao.
Phương Thảo (theo The Atlantic)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-cuon-sach-anh-my-hay-nhat-nam-4828212.html