Steve Brusatte – nhà sinh vật học người Mỹ – thuật lại lịch sử tiến hóa của loài bò sát đã tuyệt chủng trong “Biên niên sử về khủng long”.
Thông qua các câu chuyện, nghiên cứu thực tế, tác giả đem đến cho độc giả lời giải đáp quanh những sự kiện xảy ra về loài khủng long từ khi phát hiện đến bị diệt vong.
Mở đầu, Steve Brusatte giải thích các khái niệm về hóa thạch trong bối cảnh hiện tại. Tác giả đồng thời trình bày những suy tư trong hành trình khám phá, nghiên cứu những bộ xương khủng long bị vùi sâu dưới đất.
Từ bằng chứng hóa thạch, Steve Brusatte vẽ ra bức tranh về sự sống, tiến hóa của các loài khủng long theo trình tự tuyến tính, qua các chương: Khủng long xuất hiện, Khủng long trỗi dậy, Khủng long trở thành một thế lực, Khủng long cất cánh, Khủng long biến mất.
Qua 300 trang sách, người đọc như cùng Steve Brusatte trở về quá khứ, tìm hiểu khủng long ăn thịt, ăn cỏ, hay những loài lớn, dài, hung bạo nhất. Tác giả còn cung cấp kiến thức về các loài như Edmontosaurus (Khủng long mỏ vịt), Iguanodon (Khủng long răng kỳ nhông), Tyrannosaurus (Khủng long bạo chúa), Velociraptor (Khủng long có cánh).
Tác giả đề cập đến sự kiện đóng vai trò bản lề cho toàn bộ tác phẩm – thời điểm kỷ Phấn Trắng – kết thúc bằng một tiếng nổ dữ dội, đặt dấu chấm hết cho loài khủng long. Theo các nghiên cứu, khủng long sống trong ba niên đại địa chất gồm kỷ Tam Điệp, kỷ Jura, kỷ Phấn Trắng (thường được gọi chung là Đại Trung Sinh – Mesozoic).
“Một ngôi sao chổi hay một tiểu hành tinh – chúng ta chưa thể chắc chắn về điều này – đã va chạm với Trái đất ngay tại khu vực bây giờ là Bán đảo Yucatán của Mexico. Vật thể này có kích thước khoảng 10 kilomet, tương đương với kích thước của núi Everest, di chuyển với tốc độ 108.000 km/h, nhanh hơn một trăm lần so với tốc độ của máy bay phản lực. Khi lao vào hành tinh chúng ta, nó tấn công bằng sức mạnh của hơn 100.000 tỷ tấn thuốc nổ TNT, tương đương với năng lượng tỏa ra từ hàng tỷ quả bom hạt nhân”, trích sách.
Steve Brusatte đã thuật lại chi tiết các giả thuyết về nguyên nhân khủng long tuyệt chủng. Trong đó có vụ va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái đất ngoài khơi Mexico ở cuối kỷ Phấn Trắng, cách đây 66 triệu năm. Từ đó, tác giả đưa ra nhận định: “Sau vụ va chạm của tiểu hành tinh, có lẽ không còn thế lực nào có thể định đoạt được số phận của khủng long. Trước đó, khủng long đã có cơ hội vươn lên sau khi những ngọn núi lửa khủng khiếp cách đây 250 triệu năm gần như quét sạch mọi loài trên Trái đất…”
Steve Brusatte, 39 tuổi, là nhà cổ sinh vật học chuyên viết về khủng long, từng lấy bằng cử nhân Đại học Chicago, thạc sĩ khoa học qua chương trình học bổng Marshall tại Đại học Bristol, bằng tiến sĩ thuộc Đại học Columbia. Anh hiện giảng dạy ngành Cổ sinh vật học có xương sống tại Đại học Edinburgh, Scotland.
Thời thơ ấu, Steve Brusatte thích tìm hiểu kiến thức về khủng long. Khi trưởng thành, anh lang bạt khắp mọi miền như mỏ đá Ba Lan, các bãi triều ở Scotland trong thời tiết giá lạnh, các tòa lâu đài ở Transylvania, hay các vùng hẻo lánh tại Brazil, để đào xương khủng long. Anh làm việc cùng đồng nghiệp quốc tế, từng đặt tên cho hơn 15 loài mới, trong đó có khủng long “Pinocchio rex” (Qianzhousaurus) và Zhenyuanlong.
Brusatte còn viết sách cho thiếu nhi và người lớn, đáng chú ý là tác phẩm Biên niên sử về khủng long (2018), được bình chọn bán chạy nhất theo New York Times (USA), Sunday Times (UK), và Globe and Mail (Canada).
Tân Cao
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-sinh-vat-hoc-my-viet-ve-lich-su-tien-hoa-khung-long-4699070.html