Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến tự nhận có một cuộc đời hỗn độn nhưng bỏ ý định “quy hoạch” lại mà theo đuổi sự bay bổng, tự do.
Dịp ra mắt tập Hỗn độn và khu vườn, Nguyễn Vĩnh Tiến nói về tình yêu dành cho thơ và những trăn trở trong cuộc sống.
– Sau ”Những bình minh khác” (2001), vì sao đến nay anh mới giới thiệu tập thơ mới?
– Đây là một sự ngẫu nhiên. Khi nhận được đề nghị từ công ty Nhã Nam, tôi vui vẻ nhận lời bởi thấy là việc cần làm, giống như tổng kết cho một chặng đường thơ của mình. Tôi cũng đưa vào khoảng 20 bức tranh màu nước, cho thấy sự phối hợp giữa thơ và họa.
Ấn phẩm gồm loạt bài tôi viết từ thập niên 1990 và các sáng tác mới. Khi làm việc cùng biên tập, chúng tôi thống nhất để theo dòng thời gian xuyên suốt. Đọc lại, tôi cũng ngỡ ngàng khi gặp bản thân năm 20 hay 30 tuổi. Dẫu vậy, tôi thấy mình ở hiện tại không có nhiều khác biệt so với trước đây. Vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ, suy nghĩ về các vấn đề thời sự hay của nhân loại. Vì thế, người đọc có thể cảm nhận được những bài thơ như ra đời cùng thời điểm, giống như thời gian đã lẫn vào nhau.
Với tôi, con người có bộ óc, cảm xúc phức tạp, rất khó để ngừng suy tư. Có những vấn đề tưởng như đã biết trong quá khứ nhưng đến nay còn nhiều bất ngờ. Ví dụ, không ai định nghĩa được tình yêu, nó luôn mới và khiến chúng ta được mở mang.
– Tên ”Hỗn độn và khu vườn” có ý nghĩa gì?
– Nó xuất phát từ tập trường ca tôi viết năm 20 tuổi, chính là tên chương hai của ấn phẩm. Tôi viết tám chương trường ca ở Huế. Mỗi ngày tôi đều ngồi trong vườn, nhâm nhi cà phê và bắt đầu tưởng tượng mọi việc trên thế giới, nghĩ về tình yêu, đôi khi đối thoại với thế lực siêu nhiên. Ban đầu, tôi dự định đặt là Chàng thơ, một cái tên gây tò mò, thú vị, song cuối cùng nhận thấy hơi cá nhân, thiếu khái quát, thiên về tả chân dung chàng thi sĩ.
Thời điểm sáng tác trường ca ấy, tôi vẫn hừng hực sức trẻ, không biết tương lai mình thế nào. Nhưng đúng là cái tên như ”vận” vào người, sau 30 năm, tôi thấy cuộc đời mình hỗn độn thật.
– Đâu là giai đoạn hỗn độn nhất với anh?
– Tôi nghĩ đó là tuổi 20, khi bản thân có nhiều câu hỏi lớn về sự tồn tại. Hết tuổi thiếu niên, tự nhiên con người trở nên trưởng thành, có tính dục, bắt đầu định vị mình trong một xã hội rộng lớn. Thời điểm ấy tôi viết hết những trăn trở của bản thân. Tôi đọc nhiều sách triết học của Hy Lạp, Đức, Pháp, gặp các học giả hơn tuổi để đối thoại về lĩnh vực này. Đến nay tôi có nhiều bài mang tính chất đối thoại triết học, với nhiều băn khoăn chưa chắc cần câu trả lời. Tôi nghĩ thơ không phải toán học để có đáp số mà chỉ cần chúng ta đi trong các câu hỏi mở ấy.
– Những suy tư thời trẻ ấy ảnh hưởng cuộc đời anh ra sao?
– Một phần, nó làm cho tôi luôn đau khổ. Nhìn các bạn đồng niên đều học giỏi và thành đạt, còn mình chỉ là chàng thơ khiến tôi luôn suy tư về sự thành công. Rồi một loạt câu hỏi về vật chất, hạnh phúc, tình yêu, hôn nhân, sinh con cứ tiếp nối. Tôi thấy mình như cánh chim đi theo một bầy toàn dấu hỏi, nhưng đôi lúc, việc bay khiến tôi được ngắm nhìn những điều kỳ vĩ và mô tả bằng thơ một cách chân thực nhất. Tôi tin trong cú vỗ cánh với tập Hỗn độn và khu vườn, công chúng sẽ cảm nhận được mọi thứ rất thật của tôi.
Tôi từng ước mơ là kiến trúc sư lớn, thậm chí trở thành nhà chính trị. Sau này không hẳn vỡ mộng mà là tôi chọn theo nghiệp viết để đúng với con người, hơi thở của mình. Khi xuất bản tập thơ mới, tôi cũng hài lòng vì mình được sống đúng. Tôi thấy bản thân làm gì cũng khổ, nhưng trong cái bể khổ mà Đức Phật dạy, tôi chọn khổ thơ vậy (cười).
>>> Một số bài trong tập “Hỗn độn và khu vườn”
– Dịp này, anh cũng giới thiệu hai ca khúc mới, trong đó có bài ”Người tôi yêu có khi còn chưa ra đời”. Sau hai lần đổ vỡ hôn nhân, quan niệm về tình yêu của anh hiện thế nào?
– Bài nhạc này cũng là một cách lý giải của tôi. Nhiều người gặp và yêu nhau nhưng chuyện tình của họ không hề bất tử. Có câu nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” chứng tỏ có khái niệm về tình yêu mãi mãi chỉ có ở mộng tưởng. Còn hiện tại đầy rẫy những việc ly hôn, bất mãn trong mối quan hệ, cho thấy chúng ta đang bị lạm phát thứ tình cảm tạm thời.
Hiện tôi không để ý quá nhiều về việc tìm kiếm tình yêu cho bản thân, tất cả là tùy duyên. Tôi cho rằng yêu vạn vật là câu chuyện lớn hơn. Khi mình quan sát, nâng niu mọi thứ, có thể dành cả buổi để ngắm nhìn một mầm non đang sinh sôi, mình sẽ thấy thế giới thú vị ra sao. Trong tập thơ này cũng có nhiều bài cho thấy sự giao tiếp của tác giả với thiên nhiên.
– Năm 45 tuổi, anh từng nói muốn ”quy hoạch” cuộc đời. Hiện anh đã thực hiện việc này đến đâu?
– Khi triển khai ”đồ án quy hoạch” ấy, tôi phát hiện đời mình không thể ngăn nắp, mà cũng không nên như thế. Bởi ngăn nắp là kẻ thù của nhà thơ. Hiện tôi theo đuổi sự bay bổng, tự do trong một khuôn khổ mới. Tôi cho rằng bản quy hoạch nào cũng sẽ cũ kỹ, sự vĩnh cửu là của tự do, sáng tạo không ngừng. Tôi tiếp tục làm công việc mình thích, ý nghĩa, cốt lõi là tạo kết quả.
Nếu vẫn viết thơ, tôi cần tạo ra những tác phẩm hay. Tôi thấy trong thơ có sự lấp lánh, biến hóa không ngừng. Càng sáng tạo, tôi lại cảm nhận bản thân giống như con cá nhỏ ở đại dương. Tuổi 20, tôi tưởng mình là cá mập, cá voi, nhưng sau này lại thấy mình bé đi. Đó là quy luật ngược.
Ở tuổi 50, tôi hiểu được nghĩa của chữ, của cuộc đời. Tôi gần như ”giác ngộ”, nhìn thấy ”cõi niết bàn”, sung sướng với thế giới con chữ. Ngoài thơ, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc trong các nốt nhạc bay bổng. Tôi muốn sáng tác các bài hát lay động lòng người. Trong hội họa, tôi chú trọng tìm thủ pháp khó hơn.
Sau tập Hỗn độn và khu vườn, tôi dự định sáng tạo giữa thơ và điện ảnh hay âm nhạc. Tôi muốn làm những cái mới để góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguyen-vinh-tien-doi-toi-khong-ngan-nap-4762852.html