Hà NộiBản kịch nói của ”Tiệc trăng máu” diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ phản ánh các vấn đề của xã hội thông qua bí mật của con người.
Vở được chuyển thể từ kịch bản cùng tên, ra mắt năm 2016 của tác giả, đạo diễn người Italy Paolo Genovese. Tác phẩm giữ kỷ lục Guinness cho phim được làm lại nhiều nhất với 30 phiên bản của Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc. Năm 2020, dự án ra rạp Việt, có tên Tiệc trăng máu, vào top ba phim trong nước ăn khách nhất thời điểm đó.
Ở phiên bản sân khấu, tác phẩm vẫn giữ khung kịch bản gốc. Vở diễn kể về nhóm bốn người đàn ông đã làm bạn 30 năm, gồm Minh Trí (Thanh Bình), Đình Phong (Quang Ánh), Phi Hùng (Quỳnh Dương), Nhật Minh (Lý Chí Huy). Họ cùng vợ, người yêu tụ họp trong buổi tiệc tân gia của gia đình Nhật Minh. Giữa bữa tiệc, Minh Nguyệt (Lương Thu Trang) – vợ Minh – khởi xướng trò chơi công khai nội dung tin nhắn, cuộc gọi, email của mỗi thành viên. Bi kịch bắt đầu khi các bí mật của họ dần được phơi bày.
Dù nội dung không mới, kịch thu hút nhờ các chi tiết bất ngờ cùng màn hóa thân của các nghệ sĩ. Trong đó, cảnh Nguyệt bị phát hiện ngoại tình với Đình Phong – bạn thân của chồng đẩy cảm xúc người xem. Xuyên suốt vở, Nguyệt đeo chiếc hoa tai đỏ – món quà Phong lén tặng cho cô – nhưng không bị nghi ngờ. Tình tiết Trí tiết lộ tình nhân của mình 60 tuổi khiến khán giả ngỡ ngàng, vỗ tay lớn, do trước đó lầm tưởng người phụ nữ mới ở tuổi 30. Hay khi Thúy Duyên (Anh Thơ) – vợ Trí – lộ bí mật đang có quan hệ ngoài luồng đưa người xem vào không khí căng thẳng, cuốn hút.
Giống các phiên bản điện ảnh, trong gần một tiếng rưỡi, diễn biến của kịch chỉ xoay quanh trên bàn ăn, không có chuyển cảnh. Tác phẩm không sử dụng nhiều đạo cụ ngoài bàn, ghế, bát, đũa, ly rượu, nhằm tái hiện một bữa tiệc xa hoa. Ánh sáng hầu như được tối giản, điểm nhấn là màu đỏ tựa trăng máu bao trùm không gian ở cảnh cuối, khi Nguyệt bị chồng phát hiện có người thứ ba.
Âm nhạc cũng góp phần đẩy cao trào cho tác phẩm. Ngay lúc Nguyệt tháo hoa tai, ca khúc Mặt trăng (Huy Tuấn, Quang Dũng) vang lên, cùng chất giọng ma mị của Bùi Lan Hương gây ám ảnh người xem. Từng câu hát như nói về cuộc đời Nguyệt, vốn không hạnh phúc trong hôn nhân nên đã mắc sai lầm:
“Em đã lỡ yêu người không thương em
Em đã muốn những điều quá sai
Mà con tim ngang bướng, không chịu nghe đúng sai”
Đạo diễn Nhật Phong cho biết trong lần đầu đưa tác phẩm lên sân khấu, anh thay đổi toàn bộ lời thoại, kết hợp các câu nói “trend” gây cười, như đoạn Thúy Duyên thừa nhận ngày trẻ rất “có hiếu với trai”, ngụ ý dành mọi tình cảm, tâm huyết cho người yêu.
Ngoài thoại, đạo diễn khai thác nhân vật với nét tính cách khác bản gốc. Nhật Phong lấy ví dụ vai diễn Minh Nguyệt, được anh xây dựng là một bác sĩ tâm lý cực đoan, luôn áp đặt suy nghĩ bản thân, muốn mọi người phải nghe theo sự điều khiển của mình. Đạo diễn lý giải ở dự án Tiệc trăng máu, nhân vật của Lương Thu Trang do Hồng Ánh đảm nhận còn khá hiền, không phải mẫu người anh mong muốn.
Trong vở, Lương Thu Trang thể hiện tròn vai một phụ nữ có địa vị, giàu sang nhưng ẩn sâu là nỗi cô đơn khi luôn đứng ngoài mọi câu chuyện. Trong chi tiết nhân vật Nguyệt lộ bí mật, dù không có thoại, diễn viên vẫn lấy nước mắt người xem qua từng biểu cảm, cử chỉ từ bất ngờ, hoảng loạn đến ngã quỵ và khóc không ngừng. Khi chào khán giả, Lương Thu Trang liên tục lau nước mắt vì chưa thể thoát vai.
Vai Thúy Duyên (Anh Thơ) – vợ Trí – là điểm sáng của vở diễn khi thể hiện duyên dáng nhân vật chuyên tọc mạch, có những câu nói kém tinh tế. Nghệ sĩ Quỳnh Dương khắc họa rõ nét nội tâm của Phi Hùng – người đàn ông đồng tính luôn phải che giấu bản thân vì sợ định kiến xã hội.
Xuân Tùng (18 tuổi, Hà Nội) xúc động khi theo dõi tác phẩm, ấn tượng tài năng của các diễn viên. Nhắc đến một số chi tiết, khán giả nghẹn ngào, nói đã hoàn toàn nhập tâm vào diễn biến vở kịch.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-la-hoan-hao-noi-dau-tu-nhung-bi-mat-4731422.html