Trung QuốcCác họa sĩ thời Minh, sống cách đây khoảng 400 năm, để lại những bức tranh về con người ngày đầu năm.
Bức “Tuế chiêu đề thơ”
Thời cổ đại, ngày đầu của năm mới Âm lịch được gọi là Tuế chiêu. Tuế chiêu là đề tài yêu thích của họa sĩ, ẩn sĩ thời xưa, thể hiện những sở thích nho nhã, tình cảm với thiên nhiên, con người. Nội dung tranh tuế chiêu đều về điều tốt đẹp, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống an khang.
Lý Sĩ Đạt (1550-1620) để lại nhiều tác phẩm đề tài này. Bức Tuế chiêu đề thơ được vẽ trên giấy, màu mực đen trắng chủ đạo, điểm xuyết màu đỏ. Tác phẩm kích thước 136×55 cm, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật Seikadō Bunko, Nhật Bản.
Tranh vẽ năm 1615, tái hiện cảnh dân gian ngày mùng một Tết. Trong gian nhà, hai người lớn tuổi đang cúi đầu đề thơ, thư đồng bê trà cho một người lớn tuổi khác. Ngoài cổng, một vị khách ghé thăm.
Trong sân, vài đứa trẻ đang đốt pháo trúc. Góc phải trên cùng bức tranh, Lý Sĩ Đạt đề thơ về hoạt động sáng tác thơ văn ngày đầu năm, cảnh cây dương liễu, cây mai quanh nhà.
Bức “Thôn vui đầu năm”
Lý Sĩ Đạt thực hiện bức tranh dịp xuân Mậu Ngọ 1618, kích thước 132×64 cm. Tác phẩm tái hiện khung cảnh một gia đình ở Ngô Trung, nay là tỉnh Giang Tô, qua đó cho thấy nhiều tập tục ngày Tết. Trong thôn, người lớn đến thăm nhà nhau, uống trà, xem tranh cuộn, trẻ nhỏ đốt pháo.
Năm 1777, Càn Long từng đề thơ lên Thôn vui đầu năm, nói về niềm vui của người già, trẻ nhỏ, sự no ấm đủ đầy của các gia đình.
Theo The Paper, tranh tân xuân của Lý Sĩ Đạt gần gũi đời thường, mang màu sắc tươi vui, rộn rịp và giàu sức sống. Nhân vật chính chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trong quan niệm dân gian, người già tượng trưng cho trường thọ, trẻ con là cội nguồn của nhiều niềm hân hoan.
Bức “Tuế chiêu”
Tranh của Chu Đạo Hành (sống thời vua Minh Thần Tông, từ 1573 đến 1620), vẽ trên giấy, kích thước 151×80 cm, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Thiên Tân, Trung Quốc.
Tác phẩm tái hiện cảnh làng quê, mọi người vây quanh bếp than sưởi ấm, uống rượu, làm thơ. Trên cầu gỗ, một người đến chơi, theo sau là thư đồng đang ôm cây đàn. Ngoài sân, trẻ đánh trống, bịt tai khi đốt pháo.
Vua Càn Long từng đề hai bài thơ lên bức tranh, nói về tình bằng hữu của các ẩn sĩ, cảnh vui chơi của trẻ nhỏ.
Bức “Tuế chiêu”
Tác phẩm của Viên Thượng Thống (1570-1661), kích thước 107×52 cm, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung, Trung Quốc. Tranh về ngôi làng dưới chân núi, các em bé đánh trống, đốt pháo ngoài sân. Trong nhà, ba người lớn vừa nói chuyện vừa nhìn đám trẻ đùa nghịch.
Giai đoạn từ Minh Thần Tông đến đầu thời Thanh là thời kỳ tranh tuế chiêu phát triển mạnh mẽ. Ngoài đề tài hoạt động ngày Tết còn có nhiều chủ đề như phong thủy, hoa lá, chim muông. Họa sĩ thường vẽ đồ vật có tên gọi hài âm với những từ tốt lành, chẳng hạn vẽ bốn quả hồng và như ý (một vật trang trí) vì hài âm với “sự sự như ý” hoặc vẽ chim khách đậu cành mai để biểu thị sự hoan hỉ trên gương mặt. Thời vua Càn Long, mỗi dịp tân xuân, họa sĩ cung đình đều dâng tác phẩm cho nhà vua thưởng lãm, làm vật trang trí trong cung.
Nghinh Xuân
Ảnh: The Paper
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-choi-tet-trong-tranh-cach-day-400-nam-4709488.html