Hà NộiNghệ sĩ Lệ Thủy được vinh danh ”Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân” ở giải Đào Tấn 2024.
Nhận giải ở rạp Đại Nam tối 22/9, nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy cho biết xúc động khi được ban tổ chức, khán giả miền Bắc quan tâm, yêu mến. Kết thúc lễ trao giải, bà sẽ lên Lào Cai để làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người bị thiệt hại bởi cơn bão số ba Yagi.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa – trưởng ban tổ chức – cho biết giải Thành tựu trọn đời của nghệ sĩ Lệ Thủy được hội đồng thống nhất từ đầu. Ông nhận định 60 năm qua, Lệ Thủy là “cô đào ngoại hạng” với giọng hát trời cho, có một không hai.
“Bà luôn giữ cách ca diễn mộc mạc, chân phương và lối sống bình dị, dân dã như một người Nam Bộ, không gì thay đổi được. Sự hâm mộ bất chấp thời gian và thay đổi thời cuộc của công chúng mọi miền đất nước dành cho Lệ Thủy có lẽ là vì những vẻ đẹp của sự thủy chung gan góc gần như độc nhất vô nhị này”, ông Nguyễn Thế Khoa nói.
Nghệ sĩ Lệ Thủy 76 tuổi, quê tại Vĩnh Long, từng theo bố mẹ lên TP HCM kiếm sống và xin làm việc ở gánh Trâm Vàng (Đồng Nai) khi mới 10 tuổi. Sau khi gặp Minh Vương, Lệ Thủy được hâm mộ qua các tuồng Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi, Đời cô Lựu, Đêm lạnh chùa hoang, Lá sầu riêng.
Bà thành công khi kết hợp nhiều kép như Thanh Hải, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Minh Vương, Chí Tâm, Châu Thanh. Trong đó, Lệ Thủy để lại dấu ấn sâu sắc bên cạnh nghệ sĩ Minh Vương, trở thành ”bộ đôi vàng” của sân khấu trong nhiều thập niên. Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu trưởng thành từ giai đoạn vàng son của cải lương.
Năm tác phẩm của hạng mục sân khấu được vinh danh là cải lương Nợ nước non (Nhà hát Cải lương Việt Nam), kịch nói Mưa bóng mây (công ty HeroFilm), các vở chèo Mưa đỏ (đoàn Chèo Hải Phòng), Đại đội trưởng của tôi (Nhà hát Chèo Quân đội) và Nắm xôi kỳ diệu (Nhà hát Chèo Hà Nội).
Hai đơn vị bán chuyên nghiệp xuất sắc là đoàn tuồng xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và đoàn tuồng thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ở hạng mục cá nhân, hội đồng trao giải cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Vũ Mai, Đỗ Nam Cao, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Lưu Thanh Lan, ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính, nhạc sĩ Hình Phước Liên. Ca sĩ Dương Đình Trí – con trai nghệ sĩ Lệ Thủy – giành giải Người kiến tạo chương trình nghệ thuật xuất sắc, với chuỗi liveshow Bước chân hai thế hệ. Ban tổ chức còn trao giải Nhà quản lý Văn hóa xuất sắc cho tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng.
Danh nhân Đào Tấn (1845-1907) là nhà thơ, nhà soạn tuồng, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, góp phần đưa bộ môn này đến giai đoạn cực thịnh và tồn tại đến nay. Tên tuổi ông gắn liền các tác phẩm tuồng như Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm Hương Các.
Giải thưởng mang tên ông được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi xướng năm 2000. Sự kiện nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống. Trước đây, giải diễn ra hai năm một lần. Từ năm 2005, sự kiện được tổ chức thường niên. Năm 2023, lễ trao tặng khởi động lại sau bốn năm bị gián đoạn vì Covid-19.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-si-le-thuy-nhan-giai-thanh-tuu-tron-doi-4795796.html