“Nước Nam một thuở” ghi lại lối sống của người An Nam, như tập tục ngày đầu năm mới, tiếng rao ở Sài Gòn.
Tác phẩm xuất bản tháng 1, tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp cùng tranh ảnh về An Nam, từng đăng trên Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam. Những tư liệu này được xuất bản từ năm 1894 đến 1948, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tuyển dịch sang tiếng Việt.
Tác giả loạt bài viết này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Cérutti, Henry Bontoux, G. Taboulet, G.Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ… Họ từng khảo cứu và đưa ra luận điểm về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, các vùng đất, di tích, nhân vật lịch sử của Việt Nam thời Pháp thuộc.
Các bài viết được lựa chọn và sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả, ký hiệu tra tìm, niên đại. Có sáu chủ đề chính trong Nước Nam một thuở, mở đầu là Phong tục ngày Tết. Phần này ghi lại những câu chuyện, nghiên cứu về ngày đầu năm mới của người An Nam, với những biểu tượng như câu đối, chữ Phúc, chữ Thọ.
Ở chủ đề Nghi lễ, phong tục tập quán, cuốn sách tái hiện câu chuyện về thờ cúng tổ tiên và quyền lực của người cha trong xã hội An Nam; Thuật phong thủy trong đời sống người An Nam; Chiêm tinh học của người An Nam, đặc biệt là các ứng dụng trong quân sự; Lễ động thổ và tục thờ thần Đất ở Bắc Kỳ; Lễ đăng quang của vua Thiệu Trị.
Tiếng rao ở Sài Gòn được khắc họa ở chủ đề về văn hóa từng vùng. Tác giả E.Bergès viết: “Từ tờ mờ sáng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao, tiếng mời chào và tiếng ồn của hàng ngàn người bán hàng rong tỏa đi mỗi khu phố, mỗi con đường và rao món hàng của mình một cách mặn mà, từ Chợ Lớn đến Đa Kao, từ Cảng đến Bến tàu, từ chợ mới đến chợ cũ, từ nhà thờ đến khu đồng Tập Trận. Suốt cả ngày, trong ánh nắng rực rỡ của xứ Nam kỳ hoặc dưới cơn mưa tầm tã, những người bán hàng, đặc biệt là những người vác đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, cất đủ loại tiếng rao dưới tán me hay phượng, thu hút những khách quen lúc nào cũng muốn tìm một bữa ăn nhẹ hay một món hàng vừa tiền”.
Cuốn sách còn có chủ đề liên quan danh nhân văn hóa, chiến thuật của hoàng đế Trung Hoa… Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 đã tổng hợp, dịch thuật các tư liệu phong phú, mang đến những góc nhìn đa dạng của tác giả là nhà học thuật, nhà cai trị, người Pháp hay người bản xứ.
Nghinh Xuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nep-song-nguoi-xua-trong-sach-nuoc-nam-mot-thuo-4706092.html