Cựu binh Mỹ Patrick Hogan thuật lại năm tháng tham chiến, trong sách “Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam”.
Chiến tranh qua đi nhưng di chứng vẫn còn lại, điển hình là hậu quả lâu dài của chất độc da cam mang đau thương đến nhiều thế hệ người Việt lẫn những cựu binh Mỹ. Bằng trải nghiệm bản thân và nỗ lực nghiên cứu các tư liệu, Patrick Hogan tái hiện diễn biến lịch sử, lên án hành động vô đạo đức trong thời kỳ bom đạn.
Sách gồm 19 chương, đính kèm bảng danh mục các từ viết tắt của hóa chất, cơ quan chuyên môn để độc giả dễ theo dõi. Tác phẩm bắt đầu với việc giới thiệu danh mục thuốc trừ sâu được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, sau đó trình bày mục đích của việc tìm hiểu về chất độc da cam của tác giả. Hogan ghi lại những năm đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, đồng thời miêu tả những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.
Ông đóng quân tại Việt Nam từ tháng 9/1966 đến tháng 6/1969. Khi mới nhập ngũ, ông nhận nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý hàng hóa thiết yếu ở Tổng kho Cam Ranh (Khánh Hòa), thường chứng kiến những lần máy bay phun rải hóa chất mà vào lúc ấy không biết đó là gì. Hogan và đồng đội phải ở trong những căn nhà đơn sơ gọi là “chuồng ngựa”, xung quanh chỉ toàn cát, nhiệt độ cao.
Khi trở về Mỹ, Hogan gặp nhiều chứng bệnh, như tiểu đường type 2, bệnh tim cho đến rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp nhưng nghĩ đó chỉ là những vấn đề thông thường, ai cũng có thể mắc phải. Sách có đoạn: “Càng ngày tôi càng thấy khó mà giải quyết danh sách bệnh ngày càng dài ra chỉ bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Kết quả là việc uống thuốc đã trở thành một thói quen thường nhật nhằm duy trì cuộc sống chỉ còn khỏe được một nửa của tôi”.
Tác giả còn kể về người bạn Larry White, qua đời năm 2009, từng chịu đựng nhiều chứng bệnh trước khi mất. Năm 29 tuổi, sau khi hoàn thành “chuyến công tác bất đắc dĩ ở miền Nam Việt Nam”, Larry lên cơn đau tim và sau đó được chẩn đoán là bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ông trở nên yếu ớt, không thể làm được những việc đơn giản nếu không có người hỗ trợ.
Larry kiên trì tìm kiếm sự hỗ trợ của DVA (Bộ Cựu chiến binh Mỹ) nhằm hưởng tiền bồi thường và hưởng lương cựu chiến binh. Tuy nhiên, đơn thư về tình trạng bệnh tật của Larry liên tục bị DVA chối bỏ, vì “không đủ bằng chứng cho thấy tình trạng liên quan tới việc đi lính”.
Đến năm 2012, sau khi nghe bài diễn thuyết của cựu tổng thống Barack Obama về chiến tranh tại Việt Nam, Hogan tự nhủ phải tìm hiểu hậu quả cuộc chiến. Ông thu thập các hồ sơ y tế và yêu cầu tiếp cận lý lịch quân nhân của mình ở Trung tâm Hồ sơ Nhân sự Quốc gia. Là sĩ quan cảnh sát, ông cũng tận dụng thế mạnh điều tra để lần tìm về những hồ sơ được giải mật.
“Vào ngày 1/6/2012, tôi đã đệ trình các khiếu nại về tình trạng thương tật của mình, và vì thế tôi đã phải bắt đầu lại cuộc hành trình vào vùng nước âm u, chưa được khám phá, trong hệ thống phức tạp của DVA”, Hogan nhớ lại.
Từ năm 2012 đến năm 2015, tác giả làm việc với DVA về nguyên nhân các căn bệnh, kèm hàng trăm nghiên cứu với hàng nghìn trang tài liệu. Qua tác phẩm, Hogan lên án các hành vi che đậy độc tính của dioxin.
Trang Top Book Reviewers nhận định tác phẩm không chỉ về chất độc da cam và chiến tranh, mà là “viên đạn bạc đấu tranh cho quyền lợi và lẽ phải”. Trên Goodreads, độc giả Fiona Ingram viết: “Súc tích và xác đáng, cuốn sách là lời trần thuật về sự thật được che đậy, một trong những tội ác lớn nhất chống lại loài người và nếu xảy ra ngày nay, nó sẽ bị coi là tội diệt chủng”.
Patrick Hogan là cựu chiến binh từng đóng quân tại Việt Nam. Sau khi về Mỹ, ông được phong cấp bậc Trung sĩ Tham mưu E-6 và được Bộ trưởng Lục quân Mỹ Stanley Resor trao cho huân chương Army Commendation Medal. Hồi tháng 5, tác giả ra mắt cuốn Coincidence, you say?, về kỷ niệm thơ ấu đến những năm tháng nghỉ hưu của ông.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mua-xuan-vang-lang-mua-thu-chet-choc-am-anh-chien-tranh-4760695.html