“Miền thơ ấu” của Vũ Thư Hiên được xem là viên ngọc không lấm bụi thời gian của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm hay về tuổi thơ, như Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Quê nội của Võ Quảng hay gần hơn là Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên cũng là một tập truyện như thế. Ra mắt độc giả lần đầu năm 1987 và ngay năm sau, tác phẩm đã được nhận giải A về Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Những câu chuyện trong sách bình dị, chân thật, chỉ kể về câu chuyện của một chú bé bảy tuổi từ Hà Nội về sống ở quê tại một làng nghèo nơi xứ đạo tại Nam Định nhưng chứa đựng tình yêu chân thành với quê hương, họ hàng, làng xóm và cả với thiên nhiên, cây cỏ. Do đó, những hình ảnh trong truyện mang dáng dấp quê hương của bất kỳ ai, có thể đem lại sự đồng điệu trong tâm hồn độc giả.
Truyện dựng lên bối cảnh rất gần gũi với những ai từng gắn bó các vùng quê, qua những ngôi nhà ba gian bằng gỗ cũ kỹ và hằn in dấu vết của nhiều thế hệ, bờ ao, mảnh ruộng, căn nhà nguyện xưa. Các nhân vật trong truyện cũng như bước ra từ ký ức của nhiều người, từ những người bác, người cô nghèo khó, lam lũ, hay bà cô già không chồng, lạnh lùng, gia trưởng và khó tính nhưng vẫn không quên trách nhiệm với đứa cháu họ. Họ dệt vải, đi câu, làm bánh, thổi cơm, chế thuốc tễ bán hay bắt rận trên áo, mỗi hoạt động đều được mô tả sinh động và lôi cuốn.
Xuyên qua những hồi tưởng êm ái, nhẹ nhàng, độc giả còn thích thú khi được biết thêm nhiều nếp sinh hoạt của những người dân xứ đạo, nơi vẫn có chú mõ làng như các làng bên lương. Qua những bước chân rong ruổi của nhân vật nhỏ tuổi, hay lời kể của dân làng, nhiều phong tục đặc sắc của nhân dân vùng cửa biển Nam Định giai đoạn đầu thế kỷ 20 cũng được nhắc đến, như cách người dân mua người bán mặc cả bằng cách vỗ mạnh vào bàn tay của nhau, có khi vỗ đến rát cả tay.
Độc giả cũng có thể đọc được những danh từ riêng đặc sắc đặc trưng của địa phương như ”cái ránh” (mấy thanh tre trên bếp, để gác nong nia thúng mủng, rổ rá mới đan cho ám bồ hóng), ”cái hõng” (cái then cài cửa hoặc then gác trục ngang của chày giã gạo bằng chân).
Câu chuyện viết dưới góc nhìn của một cậu bé nhỏ nhưng bằng giọng văn điêu luyện và cảm nhận tinh tế của Vũ Thư Hiên – người từng dịch tập truyện Bông hồng vàng (Konstantin Georgiyevich Pautovsky). Như cách tác giả tưởng tượng căn nhà cũ cũng biết mừng rỡ khi chủ nhân trở về, cũng ”tươi tỉnh hẳn lên trong những ngày người đó lưu lại”. Nhưng không vì thế mà mạch truyện bị ”người lớn” quá, vẫn là những cái nhìn ngây thơ, trong sáng và đáng yêu.
”Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thế cho ta”, nhà văn viết trong lời tựa cuốn sách.
Ông cho rằng đọc tác phẩm của các đại văn hào như Lev Tolstoy, Maksim Gorky hay Vaillant Couturier, viết về tuổi thơ trong sáng của họ, ông vẫn nhận thấy trong mỗi dòng văn đều chứa đầy sự tiếc nuối.
Nhà văn nhắc lời dạy của Chúa Jesus: ”Hãy như con trẻ!” và khẳng định: ”Tôi chưa được nghe lời nào thông thái hơn” như vậy.
Vũ Thư Hiên sinh năm 1933 tại Hà Nội, có bút danh khác là Kim Ân. Năm 1988, ông nhận giải A Văn học Thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam cho Miền thơ ấu. Cũng trong năm này tác giả Phùng Quán cũng đoạt giải B với Tuổi thơ dữ dội.
Khi nhận được giải ông đã nói rằng: “Giống như là thú câu cá trong tuổi thơ vậy. Giải thưởng của Hội Nhà văn cho Miền thơ ấu là một con cá bất ngờ, hoàn toàn không phải là con cá chờ đợi. Tôi tặng con cá này cho các chú bé và cô bé biết yêu mảnh đất nơi mình sinh ra…”.
Tiên Long
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mien-tho-au-vien-ngoc-tuoi-tho-4701479.html