Lượng thí sinh và khán giả các cuộc thi hoa hậu lớn, lâu đời như Miss Universe, Miss America (Mỹ), Miss Hong Kong giảm qua mỗi năm.
Sau khi cô gái đoạt Miss USA 2024 từ bỏ danh hiệu hồi tháng 5, nhiều chuyên trang nhan sắc phân tích về sự mai một của các cuộc thi hoa hậu. Trang NPR có bài phỏng vấn Amy Argetsinger – biên tập viên của The Washington Post – với chủ đề: “Đây có phải là khởi đầu cho sự kết thúc của các cuộc thi sắc đẹp?”.
Còn trang FirstPost nêu câu hỏi: “Các sân chơi này mất đi sức hấp dẫn từng có vào thập niên 1990. Điều gì dẫn đến tình trạng này? Do chất lượng kém hay do ban tổ chức không thể duy trì tiêu chuẩn họ từng có, khi những nữ hoàng sắc đẹp được coi là đại diện cho vẻ đẹp một quốc gia?”.
Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, các cuộc thi hoa hậu từ lớn đến nhỏ đều giảm sức hút. Theo Forbes, Miss America (tổ chức lần đầu năm 1921) từng được coi là chương trình “không thể không xem”. Năm 1954, lượng người theo dõi chung kết khoảng 27 triệu người – dù bấy giờ không phải gia đình nào cũng có tivi. Năm 2017, lượng khán giả là 5,6 triệu. Đồng thời, lượng thí sinh đăng ký sơ khảo cũng giảm mạnh, từ 70.000 năm 1970 còn chưa đầy 4.000 năm 2017. Một cuộc thi khác là Miss World đã không được chiếu trên sóng giờ vàng ở Anh – nơi đặt trụ sở của tổ chức.
Ấn Độ được xem là một cường quốc hoa hậu, với sáu danh hiệu Miss World, ba danh hiệu Miss Universe. Nhưng HindustanTimes bình luận người Ấn không còn chào đón các nữ hoàng sắc đẹp một cách phấn khích như khi Sushmita Sen và Aishwarya Rai lần lượt đăng quang Miss Universe và Miss World, năm 1994.
Hong Kong từng là khu vực phát triển các cuộc thi nhan sắc, với các sân chơi cạnh tranh nhau như Miss Hong Kong, Miss Asia, Miss Chinese International Pageant. Tuy nhiên, hiện chỉ còn Miss Hong Kong được tổ chức thường niên, Miss Chinese International Pageant ngừng hoạt động từ sau 2019, Miss Asia diễn ra phập phù.
Theo The Paper, dù còn tồn tại, Miss Hong Kong giảm mạnh sức hút so với thời kỳ đỉnh cao vào thập niên 1980-1990. Giai đoạn đó, mỗi kỳ thi thu hút hàng nghìn thí sinh còn những năm gần đây, chỉ hơn 100 người đăng ký tham dự, với chất lượng gây tranh cãi.
Làn sóng nữ quyền tăng cao, phong trào Mee Too phát triển khiến nhận thức của công chúng về các cuộc thi hoa hậu thay đổi. Nhiều người cho rằng các sân chơi lỗi thời, đi theo những khuôn mẫu sắc đẹp do những nhà kinh doanh đặt ra. Thay vì miêu tả phụ nữ độc lập, giỏi giang, sáng tạo, những nhà tổ chức chỉ tập trung quảng bá yếu tố ngoại hình. Giới chuyên gia nhận định, các cuộc thi sắc đẹp dựng cái nhìn tiêu cực về phụ nữ. Theo họ, việc làm cho công chúng quen với niềm vui được ngắm nhìn cơ thể phụ nữ gián tiếp củng cố hệ tư tưởng nam quyền.
Trước đây, cơ hội cho phụ nữ không nhiều, họ dựa vào nhan sắc để tạo sự chú ý, thay đổi vận mệnh. Các thí sinh hoa hậu ngày nay đa phần có học thức, trình độ chuyên môn. Họ ngày càng có nhiều lựa chọn và cơ hội thay đổi cuộc sống. Ở Hong Kong, ngoài thi hoa hậu, hiện phụ nữ có nhiều sân khấu để thể hiện bản thân. Do đó, “đặt trong dòng chảy lịch sử, việc Miss Hong Kong không còn được quan tâm là chuyện dễ hiểu”, nhà bình luận xã hội Trung Quốc Lương Hồng Đạt nhận xét trên Liaoning TV.
Theo New Weekly của Trung Quốc, hơn 10 năm qua, không có ngôi sao giải trí nào nổi bật bước ra từ các cuộc thi nhan sắc ở Trung Quốc. “Bản chất của các cuộc thi người đẹp dần chuyển sang hình thức thương mại, nên các đấu trường nhan sắc dần giảm chú ý không phải là điều khó hiểu”.
Miss Universe do công ty Pacific Knitting Mills – chuyên kinh doanh quần áo, phụ kiện – sáng lập. Nhờ sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của cuộc thi, họ đã trở thành tập đoàn lớn. Năm 1951, khi Yolande Betbeze đăng quang Miss America, cô đã thể hiện tư tưởng nữ quyền bằng cách từ chối mặc đồ tắm chụp hình cùng nhà tài trợ. Thái độ của Betbeze khi ấy khiến một số nhà đầu tư, trong đó có hãng Catalina Swimwear, phật lòng. Thương hiệu này sau đó đã tài trợ cho Miss USA, cuộc thi thuộc cùng một công ty với Miss Universe. Cuối những năm 1960, hai cuộc thi được công ty đồ lót Kayser-Roth mua lại. “Áo tắm, đồ lót, đó là những thứ bắt đầu một cuộc thi hoa hậu”, trang HindustanTimes bình luận.
Ngày nay, các thí sinh vẫn phải liên tục mặc đồ của nhà tài trợ, chụp hình quảng cáo cùng nhiều thương hiệu, nhãn hàng trong các hoạt động bên lề. Giáo sư Lee Young Ja của Đại học Công giáo Hàn Quốc phân tích bản chất của các cuộc thi sắc đẹp là kinh doanh, nhằm đem lại nhiều lợi nhuận cho các nhà tổ chức. Bà gọi đó là “sự bóc lột thông qua việc thương mại hóa phụ nữ”.
Nhiều cuộc thi sắc đẹp xuống cấp, vướng bê bối. Hồi tháng 4, Miss USA Noelia Voigt, 24 tuổi và Miss Teen USA UmaSofia Srivastava, 17 tuổi, đồng loạt trả vương miện sau tám tháng hoạt động. UmaSofia Srivastava thông báo từ bỏ ngôi vị do nhận thấy “giá trị cá nhân không còn phù hợp với định hướng của tổ chức”.
Fan cho rằng có ẩn khuất sau sự việc của hai hoa hậu. Trong bài đăng của Noelia Voigt, người hâm mộ phát hiện nếu ghép các chữ cái in hoa trong 11 câu đầu tiên, thông điệp “I am Silienced” (Tôi bị bắt im lặng) xuất hiện.
Trước khi Noelia Voigt trả vương miện, giám đốc truyền thông Miss USA – Claudia Michelle – cũng tuyên bố từ chức, nói môi trường làm việc độc hại, cho biết tổ chức gặp nhiều khó khăn tài chính.
Năm 2023, thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia tố cáo bị nhìn trộm trong vòng kiểm tra nhân trắc học. Ban tổ chức Miss Grand International 2022 bị tố cáo bóc lột thí sinh, khiến họ kiệt sức vì lịch trình dày đặc. Hoa hậu Venezuela 2018 cũng bị đình chỉ vì thí sinh tố cáo nhau “bán thân”.
Dù vậy, thi hoa hậu vẫn là cơ hội đổi đời ở nhiều quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Theo HindustanTimes, khi người Anh và người Mỹ không còn mặn mà với Miss World, Miss Universe, các tổ chức này đưa cuộc thi đến thị trường mới ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin.
Các cuộc thi sắc đẹp từng mở ra con đường thoát nghèo ở Venezuela, nơi được ví von là “quê hương của các hoa hậu” với sáu danh hiệu Miss World, chín danh hiệu Miss Universe. Ở đất nước lạm phát tăng cao, nạn đói hoành hành, nhiều cô gái coi việc thi sắc đẹp là “tấm vé” để di cư, đổi đời. Tuy nhiên, theo AP, thi sắc ở Venezuela ngày càng khó khăn hơn, bởi các nhà đầu tư thắt chặt tiền do gặp khó khăn kinh tế.
Trong hồi ký xuất bản năm 2015, Patricia Velasquez, thí sinh Hoa hậu Venezuela, viết rằng phải quan hệ với một người đàn ông lớn tuổi để có tiền thuê nhà ở Caracas, nâng ngực và mua sắm váy áo dự thi. “Không phải ai cũng cần phải làm đến mức đó, nhưng đó là thực tế của tôi”, cô viết.
Amy Argetsinger, biên tập viên đời sống của The Washington Post và tác giả cuốn sách về giới hoa hậu, nói trong bài phỏng vấn với NPR hồi tháng 5: “Lượng người xem các chương trình này trên truyền hình đã giảm từ 20 năm trước. Nhưng có đủ loại cuộc thi sắc đẹp nhỏ mà bạn chưa từng nghe đến vẫn tiếp tục tồn tại ngoài kia. Có khả năng các sân chơi lớn như Miss America, Miss USA vẫn có thể tiếp tục duy trì theo cách như vậy”.
Hà Thu – Thảo Anh (theo WP, HinduTimes, Today Media)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ly-do-cac-cuoc-thi-hoa-hau-mat-suc-hut-4778641.html