Sách “Lược sử tôn giáo” của Richard Holloway nêu góc nhìn đa chiều, tự do và đậm lý tính khi bàn về chủ đề tôn giáo.
Từ thuở sơ khai của nhân loại đến nay, không khó để nhận ra tôn giáo luôn chiếm một vai trò quan trọng trong việc hình thành, duy trì các cộng đồng, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều quyết định chính trị, xã hội và văn hóa. Theo số liệu từ Pew Research Center, có khoảng 84% dân số thế giới vào năm 2010 là tín đồ của một tôn giáo nào đó.
Thế nhưng, tôn giáo là gì? Nó xuất phát từ đâu? Vì sao con người lại hình thành nên tôn giáo thay vì một thứ gì đó khác? Đó có thể là những câu hỏi không phải người theo tôn giáo nào cũng nghĩ đến.
Lược sử tôn giáo của tác giả Scotland Richard Holloway, xuất bản lần đầu năm 2016 (tên tiếng Anh: A Little History of Religion), là một trong số ít tác phẩm hướng đến những vấn đề sâu xa đó của tôn giáo, tạo sự chú ý đáng kể trong giới nghiên cứu tôn giáo lúc bấy giờ.
Theo tác giả, lịch sử tôn giáo chính là câu chuyện về các vị tiên tri và hiền triết, về các phong trào họ khởi tạo và những kinh thư viết về họ. Mặc dù những câu chuyện vẫn đang truyền tải ý nghĩa cho hàng tỷ con người ngày nay, chúng vẫn luôn chủ đề gây ra rất nhiều tranh cãi và bất đồng.
Holloway cung cấp thông tin một cách bao quát, dễ hiểu và súc tích về bối cảnh, những câu chuyện mang tính biểu tượng của giáo các tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ-na giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo và đạo Islam. Song, điều hấp dẫn ở cuốn sách không chỉ nằm ở những thông tin lịch sử hay hệ thống tôn giáo, mà còn ở cuộc phiêu lưu vào các khía cạnh tâm linh và con người.
Tác giả Holloway (sinh năm 1933) là một nhà văn, diễn giả nổi tiếng và từng giữ vai trò Giám mục trong Giáo hội Tân giáo Scotland. Gói gọn trong khoảng 300 trang, ông chọn cách kể về khởi nguyên của các tôn giáo như những gì họ vẫn tự kể về mình, tạm gác lại mọi hoài nghi có thể có về Thượng đế hay các nhà tiên tri. Mặt khác, Holloway cũng không ngần ngại đưa ra quan điểm cá nhân đối với những chủ đề như tôn giáo, đạo đức và ý nghĩa cuộc sống.
Kết hợp kiến thức từ nhiều ngành như lịch sử, khảo cổ học, sinh học, tâm lý học, ông bổ sung vào câu chuyện lịch sử tôn giáo những lý giải đa chiều về nguồn gốc của niềm tin hay điều gì khiến con người cần có một tôn giáo để tồn tại. Chẳng hạn, ông nhận ra khởi đầu của tôn giáo đã được nhen nhóm thông qua cách tổ tiên chúng ta chôn cất người chết. Hay không chỉ con người, mà cả các loài vật cũng có ý niệm về cái chết nhưng ở chúng chưa từng hình thành khái niệm tôn giáo.
“Những giống loài khác trên Trái đất dường như chẳng cần đến tôn giáo. Đó là vì chúng hòa hợp với đời sống của chính mình hơn chúng ta. Chúng hành động theo bản năng. Chúng thả mình theo dòng chảy sinh tồn mà chẳng hề băn khoăn về sự sống. Loài người đã mất khả năng làm được điều ấy. Bộ não của chúng ta phát triển theo hướng khiến chúng ta biết tự ý thức. Chúng ta quan tâm đến chính mình. Chúng ta không thể không thắc mắc về mọi thứ. Chúng ta không thể không suy nghĩ”, Holloway nêu lý giải về một trong những nguồn gốc của tôn giáo.
Viết về lược sử tôn giáo nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm tựa như lời đáp lại của Holloway cho những câu hỏi lớn mà con người vẫn tự vấn từ thuở nguyên sơ như: Có ai ở ngoài đó không? Điều gì xảy đến sau khi ta chết? Theo ông, câu trả lời có thể rất khác nhau và nhờ vậy mà lịch sử tôn giáo trở nên hấp dẫn hơn.
Cuối cùng, Holloway dành một chương để phân tích về tương lai của tôn giáo sau Thời kỳ Khai sáng. Cách con người tin vào tôn giáo liệu có thay đổi khi chúng ta đang ngày càng có nhiều kiến thức để giải thích các hiện tượng tự nhiên? Theo Holloway, dù ngày nay tôn giáo ở nhiều nơi đang đà suy giảm, nó vẫn là một “cuộc trình diễn” lớn nhất trên Trái đất. Ông khuyến khích độc giả của mình, dù là người không có đức tin, một tín đồ thực thụ hoặc một tín đồ phản biện, đều có thể suy ngẫm nghĩ về những vấn đề này. “Tôi sẽ để bạn tự quyết định cách nào là tốt nhất để lý giải các câu chuyện bạn sẽ đọc được trong sách này”, ông viết.
Tim Whitmarsh nhận xét về cuốn sách của Holloway trên tờ The Guardian: “Một sự suy ngẫm với những kiến thức phong phú về tín ngưỡng ở thế giới phương Tây trong thế kỷ 21, tác phẩm của người có kinh nghiệm dày dặn với tôn giáo. Một cuốn sách bổ ích và đầy trí tuệ”.
“Một bức tranh phản ánh đầy đủ về vấn đề đức tin ở phương Tây trong thế kỷ 21, được viết bởi một người có nhiều kinh nghiệm, rất sâu sắc và thông minh” – Tim Whitmarsh, The Guardian
“Holloway liên tục liên kết các phong trào tôn giáo với những hành động chính trị. Đây có lẽ là lời cảnh báo cho thời đại chúng ta để tìm kiếm một lịch sử tôn giáo chính xác – một cuốn sổ tay hữu ích”, Katharine C. Black của Anglican and Episcopal History, nhận định.
“Một cuốn sách xuất sắc mà khi đọc xong, chúng ta sẽ biết thêm những kiến thức mới mẻ về các tôn giáo trên thế giới. Theo cách riêng của mình, cuốn sách hấp dẫn này có thể xem là một tác phẩm hồi tưởng có giá trị” – John Charmley của tờ Times viết.
Ngạn Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/luoc-su-ton-giao-ly-giai-da-chieu-ve-niem-tin-4700792.html