Lê Minh Hà, tác giả “Gió từ thời khuất mặt”, cho rằng chỉ có tác phẩm hay, độc đáo, khơi gợi cảm xúc độc giả mới đáng gọi là văn chương.
Sau khoảng 30 năm sống ở Đức, Lê Minh Hà có lần thứ hai về thăm nhà, đồng thời ra mắt bộ ba tác phẩm Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió và Những ta, tại Hà Nội vào ngày 10/1, trong đó hai tác phẩm đầu là sách tái bản.
Dịp này, nhà văn cho biết về công việc viết lách.
– Cơ duyên nào để chị xuất bản một lúc ba tác phẩm?
– Dịp này tôi về nước vì việc riêng của gia đình, không nghĩ đến chuyện in hay ra mắt sách vì quá bận rộn. Song đơn vị sách Liên Việt, rồi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện NXB Hội Nhà văn đều động viên tôi in tác phẩm. Nhờ vậy, ba cuốn sách của tôi được gấp rút hoàn thành. Buổi ra mắt sách trời Hà Nội đổ mưa, song tôi bất ngờ vì độc giả đến đông. Trong số đó có nhiều bạn bè tôi thân quen từ lâu và cả những người bạn mà chúng tôi chỉ biết nhau qua Facebook.
– Khi in sách, chị đều yêu cầu: Không cắt xén, không để thể loại, nếu không chị sẽ không đồng ý cho xuất bản. Vì sao vậy?
– Bởi 18 năm trước, tác phẩm Gió từ thời khuất mặt của tôi, cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành, đã bị cắt xén nhiều, làm tôi rất phiền lòng, vì việc cắt đi như thế làm cho độc giả chả hiểu gì cả ở một số đoạn.
Lần này, tôi rất vui vì các tác phẩm đến với độc giả trong hình hài trọn vẹn. Còn chuyện không để thể loại thì tôi cho rằng đây là chỗ tôi muốn để cho độc giả đồng sáng tạo với tôi. Họ có thể tự đặt cho tác phẩm của tôi vào một thể loại nào đó, tùy cảm nhận của họ về tác phẩm của tôi, theo cách riêng của họ. Có người bảo với tôi đó là tản văn kéo dài, có người bảo là tự truyện, có người bảo là hồi ức, có người bảo là tiểu thuyết. Tôi cũng không cho tác phẩm của tôi thuộc một thể loại cố định nào cả.
Tuy nhiên, nếu phải gọi một cái tên cụ thể thì tôi gọi các tác phẩm của tôi là “tiểu thuyết giả tự truyện” với tính chất viết theo dòng ý thức.
– Là một tác giả, chị chú trọng điều gì giữa nội dung và kỹ thuật viết?
– Ngay từ quá trình còn đi học hay đi dạy, tôi đã chú ý đến hình thức diễn đạt văn chương. Tôi cho rằng dù nội dung có hay mà hình thức thể hiện không đạt, không phù hợp, thì đó cũng không phải là văn chương. Có thể tôi khó khăn, khắt khe với công việc của chính mình. Nhưng rõ ràng tôi rất coi trọng các con chữ. Tôi cũng không thích sự biên tập, cắt xén là như vậy. Ngay cả những tác phẩm mà tôi đã viết cách đây hàng chục năm, nếu có sửa lại, tôi cũng chỉ sửa một vài chữ, chứ không hề sửa thêm gì khác.
– Thế nào là một tác phẩm văn chương đích thực, theo chị?
– Sách vở ở Việt Nam bây giờ in ấn rất nhiều. Có nhiều người ra sách và được gọi là nhà văn. Tôi thì không bao giờ tự nhận là nhà văn cả. Tôi chỉ là một người viết, đơn giản vậy thôi. Danh xưng nhà văn hãy để cho độc giả tự gọi nếu họ thấy tôi xứng đáng.
Tôi cũng là người kiêu ngạo chứ không phải kiêu hãnh khi nhìn nhận giá trị văn chương. Tôi cho rằng văn chương đích thực rất ít ỏi. Hàng ngày chúng ta có thể thấy rất nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc. Trừ những sách dạy nấu ăn hay y học, thì hình như ai viết sách cũng tự xưng hay được coi là nhà văn. Tôi biết có những cuốn sách chỉ mang tính góp nhặt kiến thức hay dạy đời, nói đạo lý kiểu sách chicken soup nhưng người viết chúng vẫn được xem như nhà văn, thậm chí là tác giả lớn. Tôi không đồng tình với những điều ấy.
Với tôi, văn chương cao sang và quý trọng, đồng thời cũng rất kén độc giả. Không có thứ văn chương dễ dãi hay viết cho số đông. Không phải ai cũng đọc được những tác phẩm là văn chương thật sự. Tôi nghĩ văn chương đích thực cũng giống như dòng nhạc cổ điển, thính phòng, không phải ai cũng nghe và tiếp thu được. Chỉ có những tác phẩm vừa hay về nội dung, vừa độc đáo về hình thức, mang nhiều ý nghĩa, khơi gợi được cảm xúc của độc giả mới được xem là văn chương.
– Bộ ba tác phẩm “Gió từ thời khuất mặt”, “Phố vẫn gió” và “Những ta” có thể đọc riêng rẽ, và cũng có thể đọc chung một lúc bởi chúng có sự liên kết ngầm về mặt văn bản cũng như ý nghĩa. Chị nghĩ sao về nhận định này?
– Đúng là thế. Có thể nói ba tác phẩm này là ba gương mặt của tôi hóa thân vào văn chương, có khi là riêng biệt, có khi là trộn lẫn vào nhau. Còn ba gương mặt ấy như thế nào thì tùy vào sự nhận xét của độc giả. Có một nhân vật chính là Ngân. Có tôi trong nhân vật Ngân đó, chỉ là ở những khoảng thời gian khác và có sự liên kết chìm mờ trong văn bản.
– Nhiều nhận định cho rằng Lê Minh Hà là người chuyên viết về Hà Nội, Hà Nội là một chủ đề chính, xuyên suốt trong các tác phẩm của chị. Chị nói sao?
– Trong các tác phẩm của tôi, Hà Nội chỉ là bối cảnh để tôi diễn tả những số phận con người sống ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử hiện đại. Không hiểu tại sao nhiều độc giả và cả trên nhiều bài báo, người ta cứ mặc định cho tôi là chuyên viết về Hà Nội hay chỉ viết về thời bao cấp. Không, tôi không hề viết về những điều đó. Tôi chỉ viết về cuộc sống và số phận của con người. Chỉ vì Hà Nội là thủ đô, mà qua thủ đô thì chúng ta có thể nhìn thấy tất cả thăng trầm của lịch sử một đất nước, quốc gia, dân tộc. Thế nên, tôi chọn Hà Nội làm bối cảnh. Thêm nữa, tôi là người Hà Nội nên khi lấy bối cảnh Hà Nội, tôi sẽ dễ sáng tác hơn. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa: Hà Nội chỉ là cái cớ để tôi viết về những con người.
– Định cư ở Đức từ lâu nhưng nhiều tác phẩm của chị đều viết về con người Việt Nam, với bối cảnh Hà Nội. Chị có thể lý giải tại sao chị chỉ viết về quê hương?
– Tôi sống ở Đức đủ lâu để biết về đất nước và con người nơi đây. Song, tôi vẫn viết về quê hương, con người Việt Nam vì hai lý do: Thứ nhất, tôi vẫn không thể am hiểu đất nước Đức, con người Đức như quê hương, con người Việt Nam. Vậy thì tôi vẫn phải chọn cái mà tôi hiểu rõ nhất, nắm chắc nhất để viết về. Thứ hai, tôi đã nói điều này cách đây gần ba mươi năm với một cậu học trò: Khi đi xa, ở xa, người ta nhìn về Tổ quốc mình rõ ràng hơn, sáng tỏ hơn. Tổ quốc nhìn từ xa sẽ khác với cái nhìn từ bên trong hay nhìn gần. Khoảng cách sẽ giúp cho con người ta viết văn dễ hơn, có cảm hứng nhiều hơn.
– Nếu phải nói về chị trong một câu ngắn gọn, với tư cách là người viết văn, câu đó là gì?
– Viết văn là hobby (sở thích) của tôi. Và tôi thực hiện nó một cách chuyên nghiệp.
Nhà văn Lê Minh Hà, 62 tuổi, sinh tại Hà Nội. Tác giả tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và từng dạy ở trường Hà Nội – Amsterdam. Từ năm 1994, chị định cư tại Berlin (Đức). Lê Minh Hà là tác giả của nhiều tạp truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, như: Phố vẫn gió, Còn nhớ nhau, Chơi nhiều hết mệt, Thương thế ngày xưa.
Bài, ảnh Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/le-minh-ha-khong-co-thu-van-chuong-de-dai-4700677.html