Kịch bản “Kung Fu Panda 4” đi theo lối mòn, không tạo nhiều bất ngờ so với các phần phim trước.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do Mike Mitchell và Stephanie Ma Stine đạo diễn, đánh dấu sự trở lại của gấu trúc Po (Jack Black lồng tiếng) – nay trở thành Thần long đại hiệp, có sức mạnh vô song. Sau ba lần đánh bại những kẻ phản diện ở phần trước, Po được đề cử làm thủ lĩnh của Thung lũng Bình yên. Cậu cần tìm và huấn luyện người khác trở thành Thần long đại hiệp, trước khi đảm nhận vị trí mới.
Một ngày, nữ pháp sư Chameleon (Viola Davis) xuất hiện, đe dọa sự bình yên của nhân loại. Trong lúc theo dõi ác nhân, Po tình cờ gặp Zhen (Awkwafina), một con cáo bị truy nã vì tội trộm cắp. Zhen hứa giúp Po truy bắt tội phạm nếu cả hai đồng hành. Po và Zhen phải thuyết phục nhiều tên tội phạm khác hợp tác chiến đấu nhằm đánh bại Chameleon.
Phim có kịch bản dễ đoán, tình huống được xử lý đơn giản. Tác phẩm đi theo mô-típ cũ, dõi theo hành trình nhân vật chính trừ gian diệt ác, bảo vệ hòa bình. Ban đầu, biên kịch mô tả phản diện Chameleon là kẻ thù mạnh, có thể sao chép bất kỳ người nào. Âm mưu của tắc kè hoa là đánh cắp bí quyết chiến đấu của các đối thủ trong quá khứ của Po, từ đó hạ gục nhân vật chính. Dù xây dựng ác nhân có nhiều thủ đoạn, nhà làm phim xử lý cảnh đánh nhau ở hồi kết một cách chóng vánh khi Po dễ dàng đánh bại kẻ thù.
Việc thiếu đi Ngũ đại hiệp – đồng đội của Po – cũng khiến tác phẩm không đọng lại nhiều dấu ấn. Các nhân vật có cuộc phiêu lưu riêng, chỉ còn gấu Po và người bạn mới – cáo Zhen – đồng hành trên chặng đường tìm Chameleon. Bên cạnh đó, quá trình cha ngỗng Ping (James Hong lồng tiếng) và gấu trúc Lý Sơn – cha đẻ của Po (Bryan Cranston lồng tiếng) tìm con trai làm mạch phim lan man, không đóng góp nhiều cho nội dung chính.
Nhiều nhân vật xuất hiện từ ba phần trước góp mặt trong một vài cảnh, không cho thấy sức mạnh mà chỉ có tác dụng phục vụ cho việc thi triển sức mạnh của Po. Một số phản diện mới xuất hiện trong phim, đóng vai trò mở ra câu chuyện mới trong phần năm.
Tuy kịch bản hời hợt, tác phẩm để lại dấu ấn ở khâu hình ảnh đồ họa, bố cục màu sắc. Khung cảnh nơi ở của Chameleon, những đoạn đường Po và Zhen đi qua được tô điểm bằng những ngôi nhà có kiến trúc Trung Hoa cổ. Ở trường đoạn mô tả đời sống của loài vật dưới lòng đất, các họa sĩ xây dựng không khí tối tăm, có nhiều đường ống thông nhau.
Trong phân đoạn ẩu đả giữa phe của Po và nhóm Lợn Bà (Lori Tan Chinn lồng tiếng) ở nhà hàng, nhiều màn võ thuật được các nghệ sĩ kỹ xảo thiết kế đẹp mắt, hiệu ứng hình ảnh chuyển động mượt mà. Việc xây dựng bối cảnh nhà hàng của Lợn Bà trên một mỏm đá tạo sự gay cấn trong những pha đánh nhau, khi căn nhà chao nghiêng và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Ngoài gấu trúc Po, các nhân vật khác góp phần mang đến tiếng cười cho phim, như ba chú thỏ có ngoại hình nhỏ nhắn nhưng thích bạo lực, thuyền trưởng Fish (Ronny Chieng) nghiện rượu, sống trong miệng của con bồ nông. Hai người cha của Po xảy ra nhiều tranh cãi nhưng luôn giúp đỡ nhau trong khi tìm con.
Trong nước, phim thu hơn 54 tỷ đồng trong ba ngày (8-10/3), trở thành dự án hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé Việt. Hiện tác phẩm đạt hơn 95 tỷ đồng, có khả năng chạm mốc 100 tỷ trong tuần thứ ba ra rạp, theo Box Office Vietnam.
Trên VnExpress, nhiều khán giả cho rằng tác phẩm không hấp dẫn như các phần trước. Theo một số ý kiến, phim đạt doanh thu cao do nhiều người mong đợi, đồng thời các phần phim trước về gấu trúc Po đều gây sốt phòng vé toàn cầu. Độc giả Hong Tram nói không thích bản lồng tiếng do có nhiều từ ngữ đang thịnh hành, không mang cảm giác tự nhiên.
Giới phê bình quốc tế đánh giá tác phẩm ở mức trung bình khá, đạt 70% độ “tươi” trên Rotten Tomatoes. ScreenRant nhận xét một số chi tiết dư thừa, điển hình trường đoạn cha ngỗng Ping và Lý Sơn lên đường tìm con, không giúp ích cho sự phát triển nhân vật. Variety cho rằng kịch bản không bằng các phần trước, nhận xét màn lồng tiếng của Jack Black thiếu nhiệt huyết, năng lượng, các miếng hài trong phim kém hiệu quả.
Kung Fu Panda ra mắt lần đầu năm 2008, lập tức tạo nên cơn sốt với cuộc phiêu lưu hài hước và những màn võ thuật của nhân vật gấu trúc Po. Tác phẩm thu về 631,7 triệu USD, nhận hàng loạt đề cử và giải thưởng điện ảnh. Năm 2011, phần hai tiếp tục gặt hái thành công với 665,7 triệu USD, theo Box Office Mojo. Hai phần đầu của loạt phim đều được đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất, tổng doanh thu toàn cầu đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/kung-fu-panda-4-692