TP HCMNghệ sĩ Vũ Xuân Trang cùng diễn viên trẻ thể hiện thông điệp tình người dân quê giữa Sài Gòn, qua vở “Ủa, ngộ lắm nha”.
Tối 13/4, tác phẩm ra mắt tại sân khấu Xóm Kịch, hút gần 300 khán giả. Vở kịch lấy bối cảnh xóm nhỏ tại hẻm nghèo ở Sài Gòn – nơi quy tụ dân lao động tứ xứ. Họ cùng chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.
Nội dung đề cao thông điệp yêu thương, tình nghĩa. Cuộc sống những con người nơi đây gắn với nghề buôn gánh bán bưng, chỉ cần đủ tiền ăn qua ngày đã là may mắn. Cha con ông Hận (Xuân Trang thủ vai) bán món khổ qua cà ớt, Thành bán hủ tíu gõ, Yến hột vịt lộn, vợ chồng Minh hành nghề đấm bóp dạo hay bà Nhất tha hương từ Bắc vào Nam bán bánh giò mưu sinh.
Khi đến hạn đóng tiền trọ cho mẹ con bà Hoàng (Hoàng Thy đóng), không khí xóm nhỏ trở nên căng thẳng vì ai cũng phải tìm cách khất nợ. Người trình bày hoàn cảnh, kẻ “trốn nợ” theo cách hài hước. Sau năm lần bảy lượt, cuối cùng bà Hoàng cho thiếu, thậm chí còn lấy tiền túi ra cưu mang.
Giữa không khí hối hả của thành phố hiện đại, con người nơi đây vẫn dành cho nhau sự quan tâm sau ngày lao động mệt nhoài. Họ tâm sự về cuộc đời mình, san sẻ với hoàn cảnh bất hạnh hơn. Cao trào kịch được đẩy lên khi ông Sĩ (diễn viên Sĩ Nguyễn đóng) làm ăn thua lỗ, bị ngân hàng siết nợ, tâm thần hoảng loạn, lang thang khắp nơi tìm con. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra sau khi đối tượng lừa đảo trà trộn vào xóm để trục lợi, gây nhiễu loạn cuộc sống. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, người trong xóm đã giúp ông Sĩ tìm lại người thân, bảo vệ sự bình yên của con hẻm nhỏ.
Vở kịch được dàn dựng lúc trầm buồn, khi ồn ào đúng với tinh thần xóm lao động. Sân khấu dựng bằng các đạo cụ như bức tường gạch, xe hủ tiếu, những bộ bàn ghế cũ. Tác giả lồng ghép nhiều nhạc phẩm về tình người được viết riêng như Bình yên ngày xa xưa, Sài Gòn ngộ lắm nha, Cha ơi, cha đâu rồi, Tích ta tích tắc.
Đạo diễn Vũ Xuân Trang cho biết bản thân vốn là người Sài Gòn. Khi đưa ra ý tưởng cho đội biên kịch, anh hồi tưởng nhiều kỷ niệm về nơi đây suốt 46 năm qua. Một phần nội dung kịch lấy cảm hứng từ trải nghiệm thực tế xưa và nay tại khu phố gia đình anh từng sinh sống.
“Tôi nhận ra cuộc sống hối hả hiện tại đôi lúc vô tình khiến con người trở nên xa cách với nhau. Qua vở diễn, tôi muốn cho khán giả thấy tình người luôn hiện hữu, nhất là ở Sài Gòn – nơi có những con người khảng khái, hào sảng và đầy nghĩa tình”, nghệ sĩ nói.
Nhiều vai được giao cho các diễn viên trẻ như Nhã Uyên, Thành Phương, Yến Thanh, Thành An, Quỳnh Nhi, Quốc Huy, Sĩ Nguyễn. Do đó, một số phân cảnh bị khán giả nhận xét thiếu chiều sâu, chưa chạm đến cảm xúc. Quỳnh Giang, 48 tuổi, sống ở quận Phú Nhuận, nói: “Phần diễn xuất chưa khiến tôi ưng ý hoàn toàn nhưng tinh thần và thông điệp dễ gây xúc động. Khi xem, tôi nhớ về nhiều kỷ niệm ngày thơ bé, cũng sống trong con hẻm nghèo”.
Đạo diễn Vũ Xuân Trang nhìn nhận vở diễn thiếu tên tuổi nổi tiếng để bán vé, là thiệt thòi cho sân khấu. Tuy nhiên, anh muốn trao cơ hội cho gương mặt mới để họ trải nghiệm, cọ xát với nghề.
Tân Cao
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kich-ve-tinh-lang-nghia-xom-giua-long-thanh-pho-4734061.html