Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nói ”Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan”, khẳng định đời quân sự của người chỉ huy tài ba.
Khi thiếu tướng Hoàng Đan qua đời năm 2003, con trai út của ông – doanh nhân Hoàng Nam Tiến – dành nhiều năm thu thập, biên soạn lại những trang hồi ức ông đã viết để xuất bản cuốn Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ấn phẩm được tái bản lần thứ hai sau 15 năm ra mắt, giữ nguyên nội dung gốc và bổ sung một số hình ảnh tư liệu.
Sách lấy mốc khởi đầu là “sông Bến Hải”, kết thúc ở “Dinh Độc Lập” để tái hiện chặng đường 21 năm tới ngày hòa bình. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 khiến nước ta bị chia thành hai miền. 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, Bắc – Nam thống nhất. Hơn hai thập niên, tướng Hoàng Đan tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch, song tác phẩm tập trung kể về những năm 1974-1975.
Sách do Nhà xuất bản Thông tấn phối hợp Alpha Books phát hành tháng 4, dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ảnh: Phương Linh
Là cán bộ chỉ huy chiến đấu, cuộc đời thiếu tướng Hoàng Đan gắn liền chiến trường. Thời đi học, ông từng mong muốn khi trưởng thành sẽ làm một công việc tự do như buôn bán, sản xuất. Cuối cùng, ông gắn bó hơn 50 năm trong quân ngũ, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chỉ huy nhiều trận đánh mang ý nghĩa quyết định. Tháng 6/1974, khi đang là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, ông thay mặt Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vào Bộ chỉ huy chiến dịch Nông Sơn – Thượng Đức (Quảng Nam). Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Đan dẫn dắt một lực lượng cơ động thọc sâu của Quân đoàn 2, nhanh chóng đánh chiếm Dinh Độc Lập. Đến tháng 6/1984, ông được điều động lên Quân khu 2, tham gia chỉ đạo chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên.
Trong phần một của hồi ký, thiếu tướng Hoàng Đan kể chi tiết những trận đánh ông tham gia, mở đầu là trận Thượng Đức năm 1974 đến các chiến dịch Trị Thiên – Huế, Hồ Chí Minh. Ông phân tích cụ thể những hướng tấn công phù hợp từng chiến dịch, qua đó thể hiện tầm nhìn của một chỉ huy. Sau mỗi trận đánh, ông đều có kết luận ngắn gọn, nhìn nhận thất bại để đúc kết kinh nghiệm quân sự.
Tướng Hoàng Đan không ngại tới chiến trường thực địa, chỉ đạo các đơn vị chiến đấu. Khi là Tư lệnh Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, ông nhiều lần đi trinh sát trận địa, có lần chỉ cách quân địch 80 m. Ông sẵn sàng leo lên tháp pháo xe tăng số 724, cho bộ binh theo sau, trực tiếp dẫn đầu đại đội xe tăng và bộ binh tiến đánh đèo Hải Vân. Ông nói: ”Bộ đội ở đâu thì chỉ huy ở đó. Sở chỉ huy trên xe tăng”.
Thiếu tướng Hoàng Đan (hàng đầu tiên, thứ hai từ trái qua) tại Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Sách ”Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những đóng góp quân sự nổi bật của thiếu tướng Hoàng Đan. Ở chiến dịch, Quân đoàn 2 do ông chỉ huy thuộc cánh Đông. Trước đó, ông đã nhìn nhận lợi thế của đơn vị mình là có nhiều kinh nghiệm đột phá nhanh trong hành tiến qua các trận Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết. Dù Quân đoàn 4 được phân công chiếm Dinh Độc Lập, tướng Hoàng Đan dự đoán Quân đoàn 2 có thể vào trước. Ngày 30/4/1975, lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Khoảng 17h, Quân đoàn 4 tiến vào, xin được bàn giao nhiệm vụ.
Sau chiến thắng lớn, trở về Thủ Đức – nơi đặt chỉ huy sở Quân đoàn 2, tướng Hoàng Đan và các đồng đội không nghỉ ngơi vì tình hình diễn ra nhanh, có nhiều chuyện để kể. Trải qua những tháng ngày chiến đấu gian khổ, suy nghĩ đầu tiên của ông là anh em đang làm gì, có canh gác cẩn thận hay lơ là mất cảnh giác, vợ con ở Hà Nội giờ ra sao, thương các đồng đội hy sinh trước giờ chiến thắng. Ông suy ngẫm: ”Con đường đến Dinh Độc Lập thật là xa. Từ sông Bến Hải? Không phải, từ Khe Sanh. Cũng không phải từ Khe Sanh, mà là từ những ngày đầu chống Mỹ, từ những ngày đầu chống Pháp thì đúng hơn”.
Xen kẽ câu chuyện chiến đấu của tướng Hoàng Đan là những lá thư ông gửi cho vợ – bà Nguyễn Thị An Vinh, phần nào cho thấy đời sống tình cảm của người lính thời chiến. Qua những lời nhắn gửi đến bà An Vinh, thiếu tướng hiện lên là người tình cảm, lãng mạn. Một tháng trước ngày thống nhất, ông viết cho vợ bức thư lý giải vì sao chỉ gặp bà một – hai ngày đã đi ngay: ”Anh nghĩ anh cũng như mấy đồng chí khác cũng phải cố gắng kết thúc chiến tranh sớm để khỏi phải phiền đến con cháu chúng ta, để cho chúng được hòa bình, học tập xây dựng đất nước. Tình hình như hiện nay chắc em cũng không muốn anh nghỉ mà làm nốt cho nhanh, thế thì em cũng rõ vì sao anh chưa ra gặp em được. Anh chỉ chúc cho em khỏe, mong em săn sóc các con cho chúng khỏe và ngoan”.
Tác phẩm dành một phần khắc họa hình ảnh tướng Hoàng Đan trong ký ức đồng đội. Theo thượng tướng, giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, ông Hoàng Đan là vị chỉ huy nắm chắc tình hình địch – ta, mưu trí, dũng cảm. ”Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan”, thượng tướng Hoàng Minh Thảo nói. Ông còn là một nhà lý luận quân sự. Về tính cách, ông giản dị, cởi mở, được nhiều người quý mến.
Trung tướng Nguyễn Ân và thiếu tướng Hoàng Đan cùng công tác từ năm 1964 đến năm 1975, có tình đồng chí thân thiết, thấu hiểu nhau. Theo trung tướng, ông Hoàng Đan là chỉ huy dám nghĩ, dám làm, không khuất phục trước khó khăn. Ông luôn coi trọng kết hợp giữa huấn luyện và chiến đấu. Sau mỗi chiến dịch, thiếu tướng lại đặt vấn đề với Đảng ủy Sư đoàn tổng kết rút kinh nghiệm về cách đánh, kỹ thuật chiến đấu, công tác chính trị để những chiến dịch sau giành thắng lợi mà ít thương vong nhất. Ông cũng chăm lo đời sống bộ đội, cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn tích cực chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất, đề ra chỉ tiêu cho mọi đại đội đến sư đoàn bộ, đơn vị nào cũng phải có lợn, gà và vườn rau.
Thiếu tướng Hoàng Đan (phải) tại biên giới phía Bắc năm 1980. Ảnh: Sách ”Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”
Bìa tác phẩm do doanh nhân Hoàng Nam Tiến chọn, gồm hình ảnh tướng Hoàng Đan ở tuổi 40, bên cạnh là chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Trong lời giới thiệu, anh Hoàng Nam Tiến nói: ”Cuốn sách này viết khi ba tôi đã qua đời. Ông ra đi đột ngột khi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Có lẽ, ông cũng không nghĩ rằng mình sẽ rời xa sớm như vậy. Vì thế, ông chỉ kịp để lại cho tôi những dòng hồi ký, những ký ức dang dở”.
Phần tiếng Anh của sách được anh Hoàng Nam Tiến nhờ một đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam hỗ trợ. ”Tôi tin rằng, giống như tôi, các bạn sẽ cảm thấy tự hào về ông cha ta – thế hệ những người lính, người dân kiên cường, quả cảm, gánh lấy mọi gian khó để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình”, Hoàng Nam Tiến cho biết.
Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928 trong một gia đình danh tướng tại Nghệ An, là hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng Tá Thốn, tướng đời Trần, từng được phong là Sát Hải Đại Vương. Năm 2003, thiếu tướng đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim.
Ông Hoàng Đan kết hôn bà Nguyễn Thị An Vinh (1933-2022), có ba người con. Trong đó con út của ông bà là Hoàng Nam Tiến, 56 tuổi, một người làm công nghệ, đồng thời là nhà giáo, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT. Năm ngoái, anh Hoàng Nam Tiến ra mắt cuốn Thư cho em, kể chuyện tình trong khói lửa chiến tranh của ba mẹ.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hoi-uc-chien-dau-cua-thieu-tuong-hoang-dan-4867749.html