Nhà văn Hồ Biểu Chánh đề cao nhân nghĩa, luân lý, bênh vực người yếu thế trong loạt tiểu thuyết, lay động người đọc nhờ chất Nam bộ.
Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, Hồ Biểu Chánh để lại gia tài sáng tác phong phú thể loại, nhưng độc giả vẫn quen gọi ông là tiểu thuyết gia. Ông “thai nghén” đến 64 tiểu thuyết phiêu lưu, phong tục, lịch sử, xã hội, ái tình. Từ tác phẩm đầu tay đến truyện hoàn thành năm cuối đời, ông khai thác trung thực bức tranh xã hội miền Nam đương thời (1907-1958), đi vào thế giới phồn tạp với đủ hạng người.
Trên nền chất liệu xã hội về các chủ đề hôn nhân cưỡng bách, môn đăng hộ đối, sinh con trai nối dõi, đa thê, tranh giành gia tài, cảnh mẹ ghẻ, cha ghẻ, án mạng hay sự phiêu lưu, Hồ Biểu Chánh đề cao đạo làm người, nhân ái, hiếu nghĩa, sự trong sạch, ngay thẳng. Trong cuốn Lời di chúc, nhà văn từng viết: “Hồi làm quan, ta chăm nom giúp đỡ người nghèo nên được tiếng thương dân. Khi viết tiểu thuyết, ta cố giữ vẹn đạo hiếu nghĩa, bênh vực lớp bình dân, nên tạo thiện cảm với quần chúng”.
Yếu tố luân lý thể hiện ngay ở tên tác phẩm như Vì nghĩa vì tình, Cha con nghĩa nặng, Nặng gánh cang thời, Ở theo thời, Dây oan, Cư kỉnh, Nợ đời, Bức thư hối hận. Đa phần tác giả xây dựng cái kết có hậu, thiện luôn thắng ác, ơn đền oán trả, thưởng phạt phân minh, cải tà quy chính hay vợ – chồng, cha mẹ – con cái đoàn viên sau chuỗi ngày ly tán. Lòng thương người, sự rộng lượng, hiếu hạnh, tu thân lập chí và lời giảng đạo lý bao trùm trang viết Hồ Biểu Chánh.
Trong cuốn Ai làm được, tác giả nhắc đến lòng thương người của ông phủ Khiếu Nhàn, chí tự lập của Chí Đại, lòng trinh bạch của Băng Tâm. Nhân vật chính – Bạch Tuyết – vì không muốn bị cha ép gả, đã trốn nhà theo Chí Đại, tìm cách báo thù cho mẹ (người bị mẹ kế giết). Khi tội ác của dì ghẻ bị đưa ra ánh sáng, nàng toan tự sát để khỏi hổ thẹn tội bất hiểu, bất trinh. Nhờ đó, nàng chiếm được cảm tình của độc giả miền Nam đương thời.
Ở Chúa tàu Kim Quy, Thủ Nghĩa chịu tù đày vì đánh gãy tay kẻ xâm hại em gái mình – Tấn Thân. Nhân lúc nhà tù bị hỏa hoạn, chàng trốn về quê tìm cha mẹ và em nhưng họ đã chết hết. Sau đó chàng đi buôn, trở thành chúa tàu Kim Quy. Chàng tìm cách đền ơn em rể Kỉnh Chi vì người này từng điêu đứng, khổ lụy vì lo lắng cho người thân của mình, dám tố cáo tội ác của Tấn Thân. Sau này, Thủ Nghĩa được hủy án, cưới cô gái nghèo bao năm chung thủy đợi chàng.
Với Nhân tình ấm lạnh, Hồ Biểu Chánh lột trần lòng dạ bạc đen, tráo trở của người đời và ca ngợi đôi trai nghĩa khí, gái tiết hạnh. Phi Phụng trải qua nhiều kiếp nạn khi bị cha xem là công cụ làm giàu, ép gả cho người xấu, nàng đối mặt sự bất lương của Tú Cẩm, sự trả thù nhỏ nhen của ông phủ, nhà hội đồng bội ước hay lòng đố kỵ của mẹ con bà Đốc phủ. May mắn, nàng vẫn có nơi nương tựa – Duy Linh. Chàng cao thượng, cương trực, dám chống lại cường quyền.
Phô bày thực trạng gia đình và xã hội, nhưng Hồ Biểu Chánh không cố tình đả phá cái cũ hay hô hào người đời theo đuổi cái mới. Với ông, mới hay cũ đều có cái hay, dở riêng. Đơn cử về hôn nhân, ông cho người đọc thấy rõ thái độ khắt khe, tàn nhẫn hoặc sự tính toán, vụ lợi của cha mẹ trong việc định vợ gả chồng cho con.
Nhà văn quan niệm trai gái nên được tự do kết hôn. Tình yêu mới là yếu tố quan trọng trong hôn nhân, còn việc phân hóa giàu nghèo, chênh lệch học thức, bất đồng tín ngưỡng không phải là trở ngại (như Lê, Thiên Hương trong Sống thác với tình, Túy Nga ở Đóa hoa tàn, Quý trong Mẹ ghẻ con ghẻ). Nếu con lỡ có thai hoặc chung sống trước khi cưới hỏi, cha mẹ không nên quá nghiêm khắc khiến đôi trẻ chịu khổ (tiểu thuyết Chút phận linh đinh, Tại tôi). Mặt khác, tự do yêu và cưới còn có thể tránh thói ngoại tình (điển hình Dây oan).
Ở cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh, Giáo sư Nguyễn Khuê cho rằng Hồ Biểu Chánh chủ trương duy trì giá trị truyền thống nhưng sẵn lòng chấp nhận cái mới, miễn không đi ngược tinh thần dân tộc.
Về sau, Hồ Biểu Chánh thể hiện sự tiến bộ, biến chuyển tư tưởng qua cái kết mới mẻ. Chẳng hạn trong Ông Cử, cựu Cai tổng Tâm nương nhờ cửa Phật sau khi tác thành cho con cái. Ở Lạc đường, Ba Mậu mãn hạn tù, do chán ngán tình đời đen bạc, y giết vợ con rồi tìm đến cái chết. Trong Từ hôn, Tất Đắc bỏ đi biệt tích vì hổ thẹn với Bạch Yến, trước đó, hắn xem cưới vợ là trò đùa, làm chồng là kế sinh nhai, nhưng sau lại thật lòng yêu nàng.
Trong cuốn Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20, tác giả Mai Quốc Liên nhận định tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là bộ lịch sử phong tục Nam bộ xưa, với nhiều giai tầng trong một xã hội đang chuyển động cũ – mới. Ông dung hòa, đan xen các tình tiết, con người, nếp sống, lề thói từ thôn quê đến phố thị. Cụ thể, người đọc dễ bắt gặp cánh thợ thuyền, trẻ bán báo, thông ngôn ký lục, gái làng chơi, giới thượng lưu, trưởng giả ở thành thị. Tại thôn quê, ông tái hiện chân dung lớp tá điền, điền chủ, cường hào ác bá, hương chức hội tề.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cách hành văn của Hồ Biểu Chánh tự nhiên, giản dị và bình dân do dùng nhiều ngôn ngữ địa phương, nhất là câu văn như lời nói thường nhật. Tác giả thích ứng dụng thành ngữ, hình dung từ, trạng từ lẫn từ láy. Tuy vậy, điểm trừ là sai chính tả quá nhiều, sáo ngữ hay dùng chữ chưa đúng nghĩa, dư thừa.
Tại buổi tọa đàm chuyên đề về Hồ Biểu Chánh ở TP HCM, hôm 11/5, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho rằng văn chương Hồ Biểu Chánh gần gũi, dễ hiểu, lồng ghép nhiều bài học giá trị, không lỗi thời dù trăm năm đã trôi qua. Suốt 40 năm làm nghề, ông từng làm 13 phim chuyển thể từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh, trong đó có Ngọn cỏ gió đùa, Hai khối tình, Cay đắng mùi đời, Lòng dạ đàn bà, Tơ hồng vương vấn hay Gieo nhân. Hồ Ngọc Xum giữ quan điểm “phim hay không cần diễn viên nổi tiếng”, thường chọn gương mặt mới hoặc nghiệp dư nhưng hợp vai.
Diễn viên, biên kịch Thanh Hoàng (1963-2018) từng nói từ nhỏ đã mê chất nghĩa khí Nam Bộ trong các tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, nhất là sự đồng cảm, thương người nghèo. Vì muốn truyền tải tính nhân văn ấy đến công chúng, ông chuyển thể nhiều truyện thành kịch bản phim, trong đó có Con nhà nghèo, Nợ đời, Đại nghĩa diệt thân.
Hồ Biểu Chánh (1885-1958) tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ngoài 64 tiểu thuyết, ông có tám đoản thiên, ba truyện ngắn, ba cải lương, ba hát bội, năm tuồng hài kịch, hai bản dịch thuật. Tác giả còn ghi dấu với 23 công trình khảo cứu, ba văn vần, năm tùy bút phê bình, sáu hồi ký và tám diễn văn.
Vỹ Cầm (theo Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hieu-nghia-trong-tieu-thuyet-ho-bieu-chanh-4746991.html