“Hello Ruby” của tác giả Phần Lan giúp trẻ em tìm hiểu về máy tính, công nghệ và lập trình trong thế giới số.
Miêu tả “cách kỳ quặc nhất thế giới để tìm hiểu về máy tính, công nghệ và lập trình” có lẽ phù hợp với bộ sách. Không dạy viết code hay hướng dẫn một ngôn ngữ lập trình cụ thể nào, Hello Ruby truyền tải những bài học vỡ lòng về tư duy máy tính – điều không thể thiếu đối với lập trình viên tương lai.
Qua ngôn ngữ dễ hiểu, hình vẽ vui mắt, tác giả Linda Liukas dẫn dắt người đọc vào thế giới của cô bé Ruby và những người bạn. Ruby thích học điều mới mẻ, bày tỏ suy nghĩ của mình, mê bản đồ, bí mật, mật mã và tán gẫu. Câu cửa miệng của Ruby là: “Vì sao?”, siêu năng lực là tưởng tượng ra được những thứ không tưởng. Cô bé ghét tính bỏ cuộc, ghét sự hỗn loạn.
Còn Julia, bạn thân của Ruby, thích người máy, toán, Ấn Độ, nhún nhảy, muốn trở thành nhà khoa học. Julia có siêu năng lực làm nhiều việc cùng lúc, và thường nói “Để tớ nghĩ đã”. Cô bé ghét những kết luận vội vàng.
Trong khi đó Django, anh ruột Julia, thích rạp xiếc, triết học, loài rắn và những thứ đếm được. Cậu có một chú rắn tên là Python. Django hay nói “Đơn giản tốt hơn phức tạp”. Còn Robot là người máy màu xanh, sạch sẽ và tinh gọn, giỏi làm Toán, có tầm nhìn cực đỉnh và rất nhiều bộ nhớ. Robot thích xác suất thống kê, ghét những chuyện tùy tiện. Robot thường nói: “Nếu làm lần đầu mà chưa được thì thử lại thêm một tỷ lần nữa”.
Từng trang sách mở ra hành trình phiêu lưu của các bạn nhỏ, lồng ghép nguyên lý vận hành của thế giới số. Khi đi tìm năm viên ngọc quý theo lời nhắn của bố, Ruby tự giải mật mã, lập kế hoạch, sử dụng bản đồ, đặt và trả lời vô vàn câu hỏi.
Nhờ Báo Tuyết khuyên: “Tập trung vào những gì đơn giản”, Ruby lặp đi lặp lại một thao tác năm lần với gỗ và dây thừng, dựng nên chiếc thang bắc lên cao lấy ngọc. Lần khác, Ruby dùng cách tương tự để làm một chiếc cầu, nhưng không thể lắp vào bờ kia của con sông. Suy nghĩ một hồi, cô bé buộc chiếc cầu vào chú rắn Python, rồi cho nó bơi qua dòng nước.
Nếu Alice rơi xuống hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên, thì Ruby cùng Chuột chui vào máy tính để tìm Con Trỏ, trong tập hai Hành trình kỳ thú bên trong máy tính. Giữa căn phòng rộng lớn với hàng tỉ Bit tí hon lấp lánh, Ruby có cơ hội khám phá hệ nhị phân, toán tử OR và AND.
Django rủ Julia, em gái cậu, và Ruby cùng tạo ra Internet Tuyết. Theo các bạn nhỏ, Internet được tạo ra từ rất nhiều thứ vui nhộn, cao lên tới tận các vệ tinh trên trời và sâu xuống tận đáy đại dương, là nơi ta có thể gặp hàng nghìn bạn mới và tạo ra cả tỉ bản sao của chính mình, nơi mọi thứ di chuyển với tốc độ ánh sáng theo luật giao thông của Internet, và có khi Internet trốn trong một đám mây to bự.
Robot gây ra khá nhiều rắc rối khi được Julia dắt tới trường. Julia phân bua: “Robot rất thông minh, nhưng cậu ấy không giống tụi mình”. Cô giáo đề nghị thay thời khóa biểu buổi chiều bằng môn Trường học Robot: Lập nhóm hai người để xử lý nhiệm vụ cùng Robot. Báo cáo cuối buổi học cho thấy Robot có thể tạo ra âm thanh của nhiều loại nhạc cụ, tính toán lượng nước để chăm sóc cây tốt nhất, giải mật mã dễ như bỡn, tìm vật dụng trong phòng tối, sửa lỗi chính tả, xếp giày theo màu, chơi cờ.
Cùng con vui chơi trong thế giới số
Mỗi tập sách đều dành hơn nửa dung lượng cho hệ thống bài tập thực hành được xây dựng theo hướng vừa học vừa chơi, dễ thực hiện và kích thích trí tưởng tượng. Qua những tình huống thiết thực, gần gũi như đánh răng, chuẩn bị tiệc trà, xếp hộp thức ăn, chọn quần áo cùng Ruby, trẻ em học cách chia vấn đề lớn thành nhiều vấn đề nhỏ, tìm kiếm mô hình, tạo sơ đồ giải thuật và suy nghĩ sáng tạo.
Thiết kế của bộ sách khuyến khích cha mẹ, thầy cô giáo cùng trẻ chơi để học. Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện, hoặc tập trung vào từng chương. Hãy dành thời gian vui chơi, lặp đi lặp lại các bài tập, đừng ngại phạm sai lầm. Làm sai, rồi tìm cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau là điều hết sức bình thường. Toàn bộ quá trình đó chính là tư duy máy tính.
Sách còn có Hộp công cụ cung cấp thông tin bổ sung cho phụ huynh và liệt kê các khái niệm liên quan. Mục Giải thích thuật ngữ ở cuối sách giúp tra cứu dễ dàng. Trang web helloruby gợi ý câu trả lời cho các bài tập, hướng dẫn nhiều hoạt động thú vị, cũng như trưng bày sản phẩm do độc giả nhỏ tuổi khắp thế giới sáng tạo nên.
Linda Liukas, 38 tuổi, là lập trình viên, nhà văn, nhà thiết kế đồ họa người Phần Lan. Hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào giáo dục (edutech) từ khi nó còn sơ khai, Linda Liukas luôn tin rằng con người thế kỷ 21 cần trang bị kiến thức cơ bản về lập trình. Cô sáng lập chương trình Rails Girls, dạy nền tảng lập trình cho hàng vạn phụ nữ khắp thế giới.
Cô còn là diễn giả của TED Talk, có mặt trong danh sách 50 phụ nữ truyền cảm hứng nhất trong lĩnh vực công nghệ tại châu Âu năm 2015, 2018, 2019, danh sách 30 Under 30 của Bắc Âu 2014, danh hiệu “tay chơi kiến tạo” công nghệ của năm 2019.
Về bộ sách Hello Ruby, Linda Liukas cho biết: “Những kiến thức về lập trình, công nghệ, máy tính chúng ta giới thiệu không nhất thiết nhắm tới mục tiêu dạy trẻ em biết viết mã code, mà hướng đến trang bị cho các em những công cụ tư duy, phá vỡ giới hạn và sáng tạo nên thế giới tưởng tượng riêng của các em”.
Hồng Nhung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hello-ruby-phieu-luu-vao-the-gioi-lap-trinh-4785062.html