Trung QuốcCác nữ sinh 17, 18 tuổi khắc phục chứng sợ độ cao, nôn ói trên không để múa “Cá chép hóa rồng”.
Trên Yangtse Evening Post ngày 23/2, Hoa Tiêu Nhất – một trong 11 người biểu diễn tiết mục múa trong show mừng năm mới của CCTV – nói quá trình luyện tập của cô và các đàn em. Cô là nghệ sĩ chuyên nghiệp duy nhất tham gia tiết mục, 10 người còn lại là sinh viên năm một của Học viện Múa Bắc Kinh.
Nghệ sĩ tiết lộ đạo diễn Lưu Huệ Tử không chọn người có kinh nghiệm vì cho rằng chỉ những người “chưa biết gì” mới có thể tạo nên tiết mục phi truyền thống. Người có kinh nghiệm thường bị tác động bởi thói quen, sở trường, phong cách trước đó của họ.
11 cô gái được buộc dây cáp gắn một đoạn giây co giãn, phần dây do đội ngũ nhân viên kỹ thuật điều khiển, quỹ đạo được kiểm soát bằng máy tính để đảm bảo tính chuẩn xác.
Chiều cao, cân nặng, lực của mỗi diễn viên khác nhau, vì vậy đội ngũ kỹ thuật phải tính toán để điều chỉnh dây theo đặc điểm mỗi người. Thời gian kéo dây sai sót một giây hoặc nếu nâng diễn viên sai lệch vài cm đều có thể dẫn đến lộn xộn, các nghệ sĩ va vào nhau. Bài múa yêu cầu sự chuẩn xác cao độ về kỹ thuật, không được sai lệch về thời gian, tốc độ của các động tác.
Mặt khác, yếu tố nhiệt độ, dây co giãn chùng ra sau vài ngày tập, việc diễn viên ngày ăn ít ngày ăn nhiều… đều ảnh hưởng đến tính đồng đều, chuẩn xác trong điều khiển dây cáp. Do vậy, êkíp làm đi làm lại để rút kinh nghiệm, chỉnh sửa.
Đội thiết kế trang phục sử dụng loại lụa mỏng và nhẹ nhất, mỏng đến mức chỉ sử dụng được một lần, vì sau đó vải rách ở các mức độ khác nhau. Bộ đồ dài 3 m, khiến diễn viên dễ bị chân váy quấn vào người hoặc giẫm phải váy. Ngoài ra, khi múa trên không, 11 cô gái không nhìn thấy nhau qua kính.
Hoa Tiêu Nhất nói cách duy nhất là luyện đi luyện lại cho tới khi thành thục. Thời gian luyện tập mất ba tháng. Các thành viên sống chung với những cơn đau do va đập, dây cáp.
Hoa Tiêu Nhất có kinh nghiệm diễn trên không, dưới nước nên thích nghi nhanh hơn 10 cô gái còn lại. Các nữ sinh phải khắc phục chứng sợ độ cao, buồn nôn khi cả ngày bị kéo lên hạ xuống. Họ nhiều lần nói với Hoa Tiêu Nhất: “Chị ơi, em sợ quá”, cô đáp lại: “Đừng sợ, chúng ta là một đàn cá, tin vào nhân vật của mình và không nghĩ về điều gì nữa cả”.
Ra mắt dịp Tết âm lịch, đến nay, vở Cá chép hóa rồng vẫn được khán giả chia sẻ lại vì hiệu ứng hình ảnh mới mẻ, sinh động. Nhiều người nhận xét vũ đạo “tuyệt mỹ”. Tiết mục ngụ ý nỗ lực để đạt được thành tựu, sự nghiệp thành công. Đạo diễn Lưu Huệ Tử cho biết lên ý tưởng thực hiện vũ đạo từ 5 năm trước. Các biên đạo thiết kế hơn 1.000 động tác nhưng chỉ giữ lại vài chục trong số đó.
Sân khấu được xây dựng bằng công nghệ thực tế mở rộng và phim trường ảo, tạo cảm giác lòng nước sâu thẳm, vô tận, nửa thực nửa ảo. Hiệu ứng mặt nước gợn sóng tạo nên nhờ công cụ theo dõi tín hiệu gắn trên người diễn viên.
Như Anh (theo Yangtse Evening Post)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hau-truong-my-nhan-mua-ca-chep-hoa-rong-4715138.html