TPO – NSƯT Lê Chức nói rằng danh hiệu NSND giúp ông chuẩn hóa, kiểm nghiệm chính mình trong nghệ thuật. Đó là sự kiểm nghiệm ở mức độ cao. Ông tự hào khi sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, có bố, chị gái, anh trai, anh rể và các cháu gái là những nghệ sĩ tài danh của Việt Nam.
Danh hiệu là sự kiểm nghiệm
NSƯT Lê Chức chia sẻ với Tiền Phong nhiều tâm tư sau khi có tên trong đợt trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần thứ 10. Khi được hỏi về cảm xúc nhận danh hiệu mới ở tuổi ngoài 70, NSƯT Lê Chức không vội nói về mình. Ông nhắc đến đại gia đình với những tên tuổi như nhà viết kịch Lê Đại Thanh, nghệ sĩ Lê Mai, NSND Trần Tiến, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân… Đây là đại gia đình nghệ sĩ giàu danh hiệu hiếm có ở Việt Nam.
“Tôi sinh ra trong gia đình truyền thống, những gì liên quan đến văn học nghệ thuật như thơ, ca, nhạc, họa, múa đều có trong chúng tôi. Những ngày này có nhiều ý kiến khác nhau về danh hiệu dành cho nghệ sĩ. Có ý kiến như phủ nhận ý nghĩa thực sự của danh hiệu”, NSƯT Lê Chức bày tỏ.
NSƯT Lê Chức và chị gái – nghệ sĩ Lê Mai – trên con phố mang tên nhà viết kịch Lê Đại Thanh ở Hải Phòng. Ảnh: NVCC. |
Ông cũng cho biết không chủ động làm hồ sơ xét tặng mà được học trò, đồng nghiệp động viên, trong số đó có Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi. Nghệ sĩ gạo cội thừa nhận ở tuổi này ông cũng sợ những xôn xao, bàn tán trên mạng xã hội nên e ngại làm hồ sơ.
“Cuộc xét tặng này không ai biết trước kết quả. Nếu không có mọi người động viên, có lẽ tôi không ký vào hồ sơ của chính mình. Khi nhận kết quả tôi hiểu trong 26 năm vừa rồi đã có nhiều đóng góp cho nghề, những đóng góp đó đều đi đến đích tính chuyên nghiệp ở mức cao”, NSƯT Lê Chức bộc bạch.
Giọng đọc huyền thoại của Việt Nam nhận danh hiệu NSƯT từ năm 1997. Quãng thời gian 26 năm cho danh hiệu NSND có thể nói là dài với những đóng góp không ngừng nghỉ của ông cho nghệ thuật.
NSƯT Lê Chức lao động nghệ thuật miệt mài dù đã gần 80 tuổi. |
Tuy nhiên ông không quá bận tâm danh hiệu đến sớm hay muộn. NSƯT Lê Chức nói trong gần 30 năm đó ông làm được rất nhiều việc, việc nào cũng ở mức độ chuyên nghiệp. Danh sách các NSND được phong tặng dịp này có nhiều học trò của NSƯT Lê Chức như NSƯT Hoàng Lâm Tùng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Mạnh Hùng…
Thời gian gần đây NSƯT Lê Chức vẫn tất bật với những công việc trong Nam, ngoài Bắc. Ông làm đạo diễn nghệ thuật cho nhiều chương trình tầm cỡ, tiếp tục công việc giảng dạy, đào tạo nghệ sĩ.
“Danh hiệu NSND giúp tôi chuẩn hóa, kiểm nghiệm chính mình trong nghệ thuật. Đó là sự kiểm nghiệm ở mức độ cao. Sự tôn vinh này cho tôi chuẩn mực trong nghề, để đi tiếp với trách nhiệm và những kiến thức của một nghệ sĩ”, NSƯT Lê Chức nói.
Ở tuổi có thể coi là xưa nay hiếm, với danh hiệu mới NSƯT Lê Chức lại trăn trở công việc đào tạo ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, TP.HCM và Đại học Văn hóa Hà Nội.
Phía sau một giọng đọc quý hiếm
NSƯT Lê Chức sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh. Mẹ của ông cũng đam mê đóng kịch và là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu kịch Hải Phòng năm 1956.
Năm 1965 ông theo học diễn viên rồi trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở Chiều cuối, Masa, Con cáo và chùm nho, Cửa mở hé…
Ông được mệnh danh là giọng đọc huyền thoại. |
Nghệ sĩ Lê Chức từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Ông nhiều lần làm trưởng ban giám khảo, trưởng BTC các kỳ thi liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. Những năm gần đây, ông đều đặn đi dạy, dựng vở, biểu diễn, khi lại làm đạo diễn nghệ thuật. Đầu năm 2023 ông dựng vở kịch kinh điển thế giới Mê Đê cho Nhà hát Cải lương Việt Nam và để lại nhiều dấu.
NSƯT Lê Chức cũng được mệnh danh là người có giọng đọc vàng, giọng đọc huyền thoại của ngành sân khấu, truyền hình nước nhà. Giọng đọc của ông có được như hôm nay do thừa hưởng từ cả cha và mẹ.
NSƯT Lê Chức thời trẻ có cơ hội trò chuyện cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NVCC. |
Từ năm 1987 đến nay, ông đã đọc lời bình cho hàng nghìn chương trình trên truyền hình, phát thanh. Giọng đọc của ông từng phủ sóng nhiều kênh phát thanh, truyền hình ở khắp cả nước cũng như các chương trình cộng tác của nước bạn Lào, Campuchia…
Ông là đạo diễn, biên kịch và đọc lời bình cho nhiều vở kịch, rối, múa và phim tài liệu nổi tiếng như Hoa Lư – Thăng Long bài ca dời đô, Định mệnh bất chợt, Thân phận nàng Kiều, Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình, Hào khí Bạch Đằng giang…
Vở kịch kinh điển thế giới Mê Đê do NSƯT Lê Chức dàn dựng lại gây tiếng vang. |
Không chỉ có một giọng đọc hùng văn, chính luận đầy hào sảng, giọng đọc của NSƯT Lê Chức cũng trữ tình, lãng mạn. Ông đã đọc nhiều tác phẩm trữ tình của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhật ký trong tù, thơ văn xuôi của Tagore, thơ Đường, thơ Haiku…