Nguyễn Tường Bách chép lại chuyến viễn du, hành hương qua nhiều vùng, quốc gia và thánh tích Phật giáo trong “Đường xa nắng mới”.
Ấn phẩm ra mắt lần đầu năm 2012, tái bản giữa tháng 5. Tác giả chia bút ký thành hai phần, phần một xoay quanh chủ đề Ngày rộng tháng dài, gồm 18 tản văn. Phần hai tập hợp 24 mẩu chuyện kể về Giấc mơ Ngân Sơn. Ở lời mào đầu, Nguyễn Tường Bách mượn câu nói khuyết danh để nhấn mạnh trải nghiệm đáng giá sau mỗi chuyến viễn du: “Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở”.
Qua trang viết dung dị về Mùa hè huyên náo, độc giả có thể mường tượng bức tranh bình yên ở Heddesheim – thị trấn cổ chỉ 12.000 dân thuộc miền Trung Đức, nơi gia đình tác giả định cư suốt 30 năm – gấp đôi thời niên thiếu ông sống ở quê nhà Việt Nam. Tại vùng đất vắng vẻ này, Nguyễn Tường Bách làm nhiều nghề, từ nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch thuật đến viết lách. Ông gọi Heddesheim là quê hương thứ hai, điểm xuất phát mọi chuyến du hành, cũng là chốn trở về thân thuộc, vỗ về cảm xúc.
Mỗi ngày hè, tác giả thường dạo chơi khắp thị trấn Heddesheim, xuyên qua những cánh đồng, ruộng thuốc lá, ruộng Raps, vườn dâu tây, trại nuôi gà hay chuồng ngựa. Phía trên chim hót ríu rít, bên dưới, người bộ hành hít hà hương dâu tây, lúa mì hay mùi phân ngựa.
Nguyễn Tường Bách đặc tả những con đường tráng nhựa, ga xe lửa, dãy nhà mới cất khang trang, tiếng nước chảy róc rách vui tai trong vườn hay cảnh trẻ em tập đi xe đạp… Ngoài Heddesheim, ông cũng dẫn người đọc khám phá thị trấn cổ Ladenburg hình thành từ đầu Công Nguyên hay Heidelberg – thành phố du lịch, nổi tiếng với truyền thống khoa học, y và triết học.
Ở tản văn Trên bờ Hồng Hải, tác giả nhận định Con đường tơ lụa là cầu nối vĩ đại bắc qua tất cả nền văn minh loài người. Hệ thống toàn cầu hóa này bao trùm hệ đường bộ (xuyên qua các nước Trung Á) và đường biển (qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Hồng Hải). Nhờ nằm ở cực Đông chiến lược, Việt Nam sớm tiếp thu văn hóa phương Bắc lẫn phương Tây, bằng đường bộ và đường thủy.
Với Tháp đá bên đường, tác giả giới thiệu cảnh sắc các nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy. “Xứ Thụy Điển không còn nhiều hồ như Phần Lan nhưng cảnh quan vẫn đẹp kỳ lạ. Màu sơn đỏ đậm truyền thống trên mọi vách nhà nhắc khách nhớ màu áo choàng của các tăng sĩ Tây Tạng. Cũng một màu đỏ tía đó, ở đây chúng nổi trên màu sông xanh đậm của Tores, con sông sẽ cùng khách ra biển”, sách có đoạn.
Người đọc còn tìm hiểu loạt địa danh lịch sử từng nghe trên báo đài, sách vở ở tản văn Hỏa Diệm Sơn, Sông Hồng trên Thổ Nhĩ Kỳ, Ngọc Môn quan, Trên đỉnh Linh Thứu nhớ Descartes, Một lần đến Borobudur, Con ngựa thành Troy, London không chỉ có sương mù hay Hoa Sơn.
Ở nửa sau bút ký, Nguyễn Tường Bách ghi lại cuộc hành hương chiêm bái của ông và 21 người Việt tại núi Kailash (Ngân Sơn), độ cao trên 5.000 m, vào tháng 8/2011. Kailash là điểm đầu tiên trong bốn ngọn núi thánh ở Tây Tạng, cũng là nơi tập hợp bốn tôn giáo gồm Bon (còn gọi Bôn giáo), Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo.
Tác giả theo dấu Huyền Trang thỉnh kinh ở Trung Quốc và Ấn Độ, để rồi choáng ngợp trước phong cảnh hùng vĩ của Hy Mã Lạp Sơn. Ông lần lượt khám phá Zhangmu – thị trấn hiếm hoi tại Tây Tạng có khí hậu nhiệt đới, Đại lộ Hữu nghị, hồ Peiku-Tscho, sông Yarlung Tsangpo hay Saga – thị trấn nằm trên đường 219 của Trung Quốc.
Để trang viết thêm trực quan, sinh động, tác giả chèn nhiều hình ảnh do ông tự chụp hoặc ảnh tư liệu, ảnh chụp vệ tinh, sơ đồ từng điểm đến. Điển hình là ảnh đá khắc thần chú Đại bi (Mani Stones) tại Paryang, cung đường 219 – vị trí Ngân Sơn và hai hồ thiêng, ảnh Liên Hoa Sinh trong động ở Chiu Gompa.
Nguyễn Tường Bách luôn tận hưởng thời gian, không gian và tự tại trong mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, ông kiếm tìm điểm ngầm nối với mạch tâm linh, lịch sử, từ đó trở về cội nguồn thiêng liêng trong tâm tưởng.
Ở lời tựa sách, tác giả tri ân bạn đời – bà Đỗ Thị Vinh – vì luôn đồng hành ông từng bước chân. Bà là người đầu tiên đọc bản thảo, góp ý và giúp chồng chỉnh sửa câu từ, cấu tứ.
Tác giả Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại Thừa Thiên Huế, du học Đức năm 1967. Ông tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng năm 1975, lấy bằng Tiến sĩ kỹ thuật hồi 1980, rồi làm việc cho một số công ty Đức và định cư ở đó đến nay.
Ông sáng tác nhiều truyện, bút ký, tản văn, tiểu luận, trong đó có Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đường rộng thênh thang. Nguyễn Tường Bách còn là dịch giả cuốn Con đường mây trắng (tác giả Anagarika Govinda), Đối diện cuộc đời (Jiddu Krishnamurti), Sư tử tuyết bờm xanh ( Surya Das), Thiền trong nghệ thuật bắn cung ( Eugen Herrigel), Đạo của vật lý (Fritjof Capra).
Vỹ Cầm
Nguồn tin: https://vnexpress.net/duong-xa-nang-moi-vien-du-tu-tay-sang-dong-4751620.html