Hầu hết tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Dư Hoa đều là hiện tượng văn học, dấy lên tranh luận sôi nổi về tính hiện thực phê phán.
Bắt đầu viết văn từ năm 1983, đến năm 1987, ông nổi tiếng với truyện ngắn Mười tám tuổi ra khỏi nhà đi xa. Từ đó, Dư Hoa được xem là một nhà văn thuộc thế hệ tiên phong (avant-garde) hay hậu làn sóng mới (post – new wave), hậu hiện đại (postmodernity). Truyện ngắn của ông, dù có câu chuyện đơn giản, vẫn tạo cho người đọc cảm giác thế giới đã xé nát sự toàn vẹn vốn có của chính nó, gây sốc về sự bạo tàn và khắc nghiệt của con người. Đó có thể là truyện về nhân vật chính rời nhà đi bộ trên đường, tìm kiếm một nhà trọ. Hay chàng trai vẫy được một chiếc xe chở táo và xin đi nhờ. Từ đó hàng loạt sự việc phi lý xảy ra, mang màu sắc thế giới văn chương của Franz Kafka.
Cuối thập niên 1980, đầu 1990, ông được xem là nhà văn tiên phong nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc, với những tác phẩm kết hợp kỳ lạ giữa sự lố bịch, tàn nhẫn và bạo lực của cuộc sống với chất thơ ca. Đồng thời, tác phẩm của Dư Hoa cũng được khen ngợi mang tinh thần nhân văn, đặt ra vấn đề mang tầm triết học về ý nghĩa cuộc sống.
Tiểu thuyết tiêu biểu của ông giai đoạn này là Sống (1993), miêu tả thảm kịch của một gia đình địa chủ miền nam Trung Quốc, kéo dài từ cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai (1937 – 1945), trải qua Cách mạng Văn hóa, đến đầu thập niên 1980.
Câu chuyện được kể lại từ góc nhìn của nhân vật Hứa Phú Quí. Khi mới ra mắt, tiểu thuyết bị cấm phát hành do miêu tả hiện thực trần trụi về động loạn trong xã hội suốt 40 năm. Nhưng về sau, Sống trở thành một trong tác phẩm đáng đọc nhất của văn học Trung Quốc đương đại. Tiểu thuyết khắc họa số phận con người, “cuộc sống rất đẹp, nhưng cũng rất khổ”. Con người chứng kiến bi kịch từ xã hội bên ngoài đến đời sống cá nhân, nhưng khát vọng sống, lòng nhân hậu còn đó.
Tác phẩm được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể điện ảnh năm 1994. Phim nhận giải thưởng của Hội đồng giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 1994, tài tử Cát Ưu thắng Nam diễn viên chính xuất sắc
Dư Hoa trải qua tuổi thơ trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Tác phẩm của ông thể hiện rõ bạo lực, hỗn loạn trong xã hội cùng những thân phận bị vùi dập. Trên Tạp chí Văn học Trung Quốc ngày nay, ông từng nói: “Một xã hội bình lặng, trật tự thì không thể tạo ra những tác phẩm như tôi đã viết”.
Dư Hoa mang tư duy nghệ thuật khác biệt. Giọng văn của ông được xem là cố tình thờ ơ và lạnh lùng khi miêu tả cái ác, bạo lực, máu me, chết chóc. Tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (1995) xoay quanh người đàn ông bán máu mấy chục năm cuộc đời để lấy vợ, lo cho con cái. Tờ Nhật báo trung ương (Hàn Quốc) xếp đây là một trong 100 cuốn sách cần đọc trong năm.
Năm 2005, Dư Hoa phát hành tiểu thuyết Huynh đệ, cảm hứng sáng tác từ những cuộc thi hoa hậu đương thời ở Trung Quốc, nói về ngã rẽ cuộc đời các nhân vật khi đất nước cải cách mở cửa, tình huynh đệ tan tác theo vòng quay vật chất.
Khi sách mới phát hành, phản ứng của giới phê bình Trung Quốc khá tiêu cực, nhiều người chê tác phẩm có “lối viết thô tục, rẻ tiền”, đặc biệt là những chi tiết mô tả cuộc thi hoa hậu do nhân vật Lý Quang tổ chức. Nhưng theo đánh giá của nhiều nhà phê bình phương Tây, Huynh đệ là “tiểu thuyết tuyệt vời”, kết hợp giữa lối biếm họa sâu rộng và chủ nghĩa hiện thực nghiêm túc.
Năm 2013, Dư Hoa tiếp tục là tên tuổi gây dấy tranh luận văn đàn, khi ra mắt tiểu thuyết Ngày thứ bảy. Tác phẩm đậm chất hiện thực huyền ảo khi để một người chết kể câu chuyện của mình giữa hai cõi sống và chết. Phong cách viết của Dư Hoa nhận nhiều khen chê. Tại cuộc hội thảo về tác phẩm, nhà văn phản hồi những phê bình: “Tôi dùng góc độ thế giới người chết để miêu tả thế giới hiện thực. Trước khi viết Ngày thứ bảy, tôi ước muốn tập trung viết những việc tựa như rất hoang đường, quái đản nhưng thật ra lại rất chân thực trong cuộc sống của chúng ta. Sau đó tôi tìm ra phương thức trải qua bảy ngày của một người đã chết thì mới được sang thế giới khác, để thế giới hiện thực xuất hiện trong tiểu thuyết như bóng lộn ngược phản ánh thế giới chết”.
Những tranh luận không làm mờ nhạt danh tiếng của Dư Hoa. Năm 2006, ông xếp thứ hai danh sách nhà văn thực lực nhất Trung Quốc, sau Mạc Ngôn. Danh sách do các nhà phê bình văn học hàng đầu công bố.
Dư Hoa nhận Giải thưởng Grinzane Cavour (Italy) năm 1998 cho cuốn tiểu thuyết Sống. Bốn năm sau, Dư Hoa trở thành nhà văn Trung Quốc đầu tiên nhận được giải James Joyce, do Hội Văn học và Lịch sử của Đại học Dublin (Ireland) trao tặng. Nhà văn được trao tặng Huân chương văn học và nghệ thuật của Pháp vào năm 2004, cùng nhiều danh hiệu khác tại Pháp, Nga.
Ông sinh năm 1960 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, làm nha sĩ nhưng “chán ngán nhìn vào miệng người khác cả ngày”, từ đó theo con đường viết văn chuyên nghiệp. Dư Hoa quen nhà văn Mạc Ngôn khi cả hai chưa nổi tiếng quốc tế, coi Mạc Ngôn là bậc đàn anh. Trên tạp chí The Paris Review, ông từng nói: “Nếu Mạc Ngôn, Tàn Tuyết và Mã Nguyên không sáng tác trước tôi, và nếu không có Tô Đồng hay Cách Phi cùng sáng tác ngang hàng với tôi, có lẽ tôi đã không thể xuất bản được nhiều tác phẩm. Tôi từng có cảm giác như mình đang chiến đấu trong một trận chiến đơn độc chống lại những giáo điều xưa cũ của văn chương, nhưng khi đọc tác phẩm của họ, tôi biết mình có những đồng đội trên văn đàn. Khi sáng tác cùng nhau, chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của cả thế giới văn chương”.
Những tác phẩm chính của Dư Hoa gồm Sao trời, Một loại hiện thực, Chuyện đời như khói, Sai lầm bên sông, Số kiếp khó tránh, Chuyện đã qua và hình phạt, Mười tám tuổi ra khỏi nhà đi xa, Sự kiện ngẫu nhiên, Gào thét trong mưa bụi, Sống, Chuyện bán máu của Hứa Tam Quan, Liệu tôi có tin ở chính mình, Tình yêu cổ điển, Huynh đệ, Ngày thứ bảy.
Tác phẩm của ông bán được tổng cộng khoảng chín triệu bản, được dịch sang khoảng 35 ngôn ngữ, xuất bản ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, tên tuổi Dư Hoa được phổ biến từ năm 2002 đến nay, khi tiểu thuyết Sống được phát hành qua bản dịch của Vũ Công Hoan. Sau đó, một loạt tác phẩm của Dư Hoa được dịch ra tiếng Việt.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/du-hoa-hien-tuong-van-hoc-duong-dai-trung-quoc-4838578.html