Tác giả Miew thuật chuỗi ngày chăm sóc cha mẹ bạo bệnh, học cách yêu thương, bao dung trong bộ truyện tranh “I am a caregiver”.
Bộ truyện tranh gồm hai tập, ra mắt độc giả Việt đầu tháng 7, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của Miew – họa sĩ truyện tranh gốc Malaysia đang sinh sống tại Đài Loan. 12 năm, cô dành phần lớn thời gian chăm sóc cha mẹ bệnh nặng và lần lượt chứng kiến họ rời xa. Trải nghiệm ấy khiến tác giả suy sụp, mắc kẹt trong nỗi đau. Một ngày nọ, cô quyết định tái hiện ký ức qua nét vẽ, vừa giúp bản thân đối diện, xoa dịu tổn thương, vừa có thể nói lời tạm biệt người thân.
Trong tập một Để con chăm sóc cha, Miew kể về người cha bị ung thư tuyến tụy. Từ khỏe mạnh, hiền lành, ông sa sút nhanh, trở nên cộc cằn, khó chịu. Vì không có sự chuẩn bị, khi cha qua đời, tác giả rơi vào trạng thái hoảng loạn, mệt mỏi thể chất lẫn tinh thần.
“Tình cảnh của người chăm sóc như bị khóa trong chiếc hộp trong suốt. Rõ ràng ngoài trời nắng chói chang, bạn lại không thấy chút ánh sáng nào. Ánh mặt trời lẽ ra phải ấm áp, nhưng sao thật lạnh lẽo. Bởi vì bất kể bạn cố gắng thế nào, tình trạng khó chuyển biến tốt. Sinh mệnh người thân yêu cứ khô héo từng ngày, cuối cùng là ra đi. Đó là hành trình định sẵn sẽ tốn công vô ích, đầy vết sẹo”, sách có đoạn.
Tác giả cho rằng bệnh tật không chỉ giày vò bệnh nhân, mà còn “tra tấn từ từ” người chăm sóc. Một trong những vấn đề lớn nhất của Miew là mất ngủ hoặc chợp mắt chập chờn trong vài tháng, thậm chí vài năm. Cô phải hy sinh hầu hết thời gian, thu nhập, sức khỏe, biến mình thành cánh tay, đôi chân, đầu bếp, y tá của cha.
Giai đoạn ấy, dẫu những cơn mê sảng, lời nói của cha khiến Miew tổn thương, cô vẫn kiên trì ở cạnh ông đến phút cuối đời. Cái chết của cha dạy Miew bài học về cuộc sống vô thường, từ đó biết cách yêu thương, trân trọng người bên cạnh.
Nếu hành trình chăm sóc cha để lại trong Miew hồi ức u ám, bi thương, thì cuốn Để con chăm sóc mẹ là cách tác giả chữa lành, hồi phục.
Vài năm sau khi cha mất, mẹ Miew dần già yếu, liên tục ra vào viện. Cô và chị gái biết rõ thời gian của bà không còn nhiều, đồng hành mẹ chặng cuối theo cách ý nghĩa, thanh thản nhất.
Tác giả phân tích: “Có lúc, tôi cảm thấy sinh mệnh như một vòng tròn. Trước kia, mẹ là người lớn, tôi là trẻ con. Giờ tôi là người lớn, mẹ biến thành trẻ nhỏ. Trước đây, mẹ vẫn yêu dù tôi không hiểu chuyện, giờ tôi luôn chiều mẹ, dù mẹ cố chấp thế nào. Vòng tròn của sinh mệnh như vậy là trọn vẹn rồi”.
Miew học cách đối diện thực tế, chăm chút bản thân và duy trì tâm trạng tốt để người thân vui vẻ, không cảm thấy mình là gánh nặng cho con cái. Tác giả còn đề cập thực trạng ở nhiều quốc gia châu Á hiện nay – trách nhiệm chăm chút gia đình thường đặt lên vai phái nữ.
Theo Miew, sau kết hôn và sinh con, phái yếu phải gồng gánh việc nhà nhiều hơn nam giới, nhận nhiệm vụ chăm sóc con nhỏ lẫn cha mẹ chồng, trong khi vẫn phải hoàn tất công việc ngoài xã hội, san sẻ kinh tế với bạn đời. Dù làm tốt đến đâu, họ vẫn phải đối diện lời cay nghiệt, khó ra khỏi cửa hay tận hưởng niềm vui, thậm chí bị ép phải luôn ở trạng thái rầu rĩ, “đầu bù tóc rối”.
Miew nhấn mạnh chăm cha mẹ là trách nhiệm chung của người làm con. Tác giả khuyên nhân lúc cha mẹ còn khỏe, các thành viên nên họp mặt, thảo luận vấn đề cụ thể: ai sẽ chăm sóc, làm thế nào để đối mặt bệnh tật, chuẩn bị gì khi họ qua đời.
Trang sách chỉ ra “sinh, lão, bệnh, tử” là hành trình ai cũng phải trải qua, mọi người thường né tránh nói về cái chết vì sợ hãi. Tuy nhiên nếu không đối mặt và chuẩn bị từ trước, chúng ta dễ rơi vào hố sâu nỗi đau. Qua bộ sách, tác giả kỳ vọng độc giả có sự chuẩn bị, sắp xếp để trở thành người đồng hành cha mẹ trọn vẹn ở giây phút cuối.
“Vô thường sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào, chúng ta không có cái gọi là ngày mai vô tận. Chúng ta biết rõ là vậy, nhưng luôn cho rằng hiện tại là đương nhiên, có thể tùy tiện phung phí”, tác giả nói thêm.
Vỹ Cầm
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-con-cham-soc-cha-me-bai-hoc-ve-tinh-yeu-thuong-4769364.html