Diễn viên Mai Thu Huyền, Võ Hoài Nam, Quách Thu Phương gặp gỡ đạo diễn Đặng Nhật Minh sau 27 năm đóng “Hà Nội mùa đông năm 46”.
Sau buổi chiếu tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng chiều 2/7, đạo diễn Đặng Nhật Minh, 86 tuổi, được các nghệ sĩ dìu lên sân khấu giao lưu trong tiếng vỗ tay của khán giả.
Đạo diễn cho biết ý tưởng làm phim đến từ cảm xúc sau khi tìm hiểu nhiều tài liệu về thời chiến. Ngoài ra, ông muốn thực hiện tác phẩm vì cha – bác sĩ Đặng Văn Ngữ – từng từ Nhật Bản về nước tham gia kháng chiến năm 1949. Bác sĩ nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc kháng sinh penicillin và streptomycin, góp phần trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho mọi người.
Các nghệ sĩ tham gia buổi giao lưu gồm diễn viên Quách Thu Phương – vai Lê, vợ của người lính Lâm (Ngô Quang Hải thủ vai), Võ Hoài Nam (nhân vật người lính tên Toản) và Mai Thu Huyền – vai Huệ, nhân vật lấy cảm hứng từ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.
Quách Thu Phương nhớ đoàn phim ghi hình ở những địa điểm như trước đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Bún. Êkíp phải chặn các tuyến phố không cho xe lưu thông. “Bây giờ Hà Nội đông đúc hơn ngày đó, khó để thực hiện lại bối cảnh như lúc ấy”, diễn viên nói.
Họa sĩ, thiết kế sản xuất Phạm Quốc Trung cho biết không kìm được nước mắt ở nhiều phân đoạn diễn tả sự đau thương của chiến tranh. Ông vinh dự khi được thực hiện câu chuyện lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, nhưng cũng áp lực vì lúc đó không có đủ điều kiện và kinh phí sản xuất.
Ông cùng đoàn phim đến những tỉnh thành khác như Hưng Yên, Hải Phòng nhưng vẫn chọn Hà Nội vì cho rằng thành phố có nét độc đáo riêng. Êkíp phải chuẩn bị từng bộ phục trang cho diễn viên, mày mò chế tạo, phục chế đạo cụ xe thiết giáp, sửa sang bối cảnh.
Tác phẩm lấy mốc thời gian năm 1946 nhưng gặp khó khăn về địa điểm ghi hình khi quay vào những năm cuối thập niên 1990. Hà Nội quy hoạch, thay đổi nhiều, đội ngũ phải nghiên cứu kiến trúc các tòa nhà cổ, dồn sức tái tạo bối cảnh.
Nghệ sĩ Võ Hoài Nam và Mai Thu Huyền nhận xét dự án là một trong những tác phẩm tiêu biểu về chiến tranh, để thế hệ trẻ biết thêm về thời kỳ bom đạn ở miền Bắc. Năm 2023, Mai Thu Huyền từng xem tác phẩm cùng con gái trong chương trình Bây giờ đã đến tháng mười tại TP HCM. Diễn viên kể con của cô rất thích bộ phim vì đã lan tỏa lòng yêu nước đến khán giả qua nhiều phân cảnh. “Tôi mong muốn những người trẻ có thể xem những bộ phim phản ánh lịch sử dân tộc”, cô nói.
Hà Nội mùa đông năm 46 ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng, khi cuộc đàm phán trong Hội nghị Fontainebleau tại Pháp thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước với Pháp để chuẩn bị đối phó tình hình. Tác phẩm còn khai thác khả năng đối nội và đối ngoại của chính phủ lâm thời khi ấy. Phim đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999 gồm giải Bông Sen Bạc, Đạo diễn xuất sắc (Đặng Nhật Minh), Quay phim xuất sắc (Vũ Quốc Tuấn), Họa sĩ xuất sắc (Phạm Quốc Trung) và Nhạc sĩ xuất sắc (Ðỗ Hồng Quân).
Đặng Nhật Minh là con trai của giáo sư Đặng Văn Ngữ. Ông được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005, Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung năm 2013.
Ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng mười, Hà Nội mùa đông năm 46 và Mùa ổi. Ông từng là chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhà làm phim được trao giải Thành tựu điện ảnh ở buổi khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng tối 2/7. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Mười – đóng Bao giờ cho đến tháng mười (1984) và Lan Hương – diễn viên Mùa ổi – cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh lên nhận cúp lưu niệm từ ban tổ chức.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dan-nghe-si-ke-ky-niem-dong-ha-noi-mua-dong-nam-46-4765374.html