Ninh BìnhNhà thơ, cựu binh Mỹ Bruce Weigl sẽ đọc tác phẩm về một người mẹ Việt Nam tại Ngày Thơ truyền thống.
Phần diễn thơ của ông thuộc sự kiện tối 12/2, tức 15 tháng giêng âm lịch. Ông đọc tiếng Anh, ban tổ chức giới thiệu thêm bản dịch bằng tiếng Việt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết mỗi năm, ban tổ chức đều mời các nhà thơ quốc tế. “Năm nay, sự xuất hiện của Bruce Weigl mang ý nghĩa đặc biệt, do ông mới được Tổng bí thư Tô Lâm ký quyết định trao tặng Huân chương hữu nghị, hồi tháng 9 năm ngoái. Ông là biểu tượng của tình hữu nghị, hòa bình”, ông Thiều nói.
Ông Bruce Weigl 75 tuổi, hiện sống tại bang Ohio, tham gia chiến tranh Việt Nam năm 1967-1968, sau đó trở về Mỹ đấu tranh cho phong trào phản chiến. Những năm gần đây, ông thường xuyên đến Việt Nam, dự các hoạt động văn hóa.
Ông đã xuất bản tập thơ Bài ca bom Napalm, nói về nỗi đau của cuộc chiến. Tập thơ được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, vào chung kết giải Pulitzer. Riêng bài thơ Bài ca bom Napalm được đưa vào giảng dạy trong hầu hết trường phổ thông trung học, cao đẳng và đại học Mỹ.
Một tập thơ nổi tiếng khác của Bruce Weigl có tên Người đàn ông đi xe đạp, viết về những con người bình dị trong chiến tranh. Trong một ngày đẹp trời, ông nói muốn trở thành một người Việt, được đạp xe, trồng trọt, sống giản dị bên gia đình. Tập thơ gần nhất ông có tên Sau mưa thôi nã đạn, nói về khát vọng hòa bình. Năm 1995, ông từng nhận con nuôi ở tỉnh Hà Nam, có cuốn Vòng tròn của Hạnh viết về con.
Ngoài phần đọc thơ của Bruce Weigl, ban tổ chức giới thiệu bài Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân. Câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài được lấy làm chủ đề đêm thơ – Tổ quốc bay lên. Ngoài ra, các thi sĩ sẽ đọc bài Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ tham gia đêm hội là các cây bút thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ sau 1975 đến những năm đầu Đổi mới và các nhà thơ trẻ sinh sau năm 2000.
Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu đưa sự kiện ra ngoài phạm vi Hà Nội. Những năm trước, Ngày Thơ diễn ra ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long. Ông Nguyễn Quang Thiều nói về lý do chọn địa điểm Ninh Bình: “Chúng tôi muốn đổi mới. Tỉnh có phong cảnh thiên nhiên đẹp, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, lại mới lập thành phố Hoa Lư. Tôi nghĩ đó là những điểm giúp sự kiện thu hút”.
Ban tổ chức sắp xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn nghỉ cho các nhà thơ lão thành. Một số gương mặt kỳ cựu, trong đó có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đi từ Huế ra tham dự sự kiện.
Ngoài hoạt động đọc thơ, buổi sáng, ban tổ chức có tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, bàn về tâm thế sáng tác của người cầm bút, do nhà thơ Nguyễn Bình Phương chủ trì.
Không gian sẽ trưng bày poster của 20 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu, từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật; các bài thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình.
Ở TP HCM, ngày thơ mang chủ đề Bài ca thống nhất, đánh dấu 50 năm “non sông liền một dải”. Trưởng ban tổ chức – Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM Trịnh Bích Ngân – cho biết năm nay, công đoạn chuẩn bị có phần gấp rút song sự kiện vẫn được chú trọng về hình thức lẫn nội dung.
Chương trình diễn ra hai ngày 11-12/2 tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP HCM (quận 3), quy tụ 12 lều thơ của các câu lạc bộ. Triển lãm đường thơ tôn vinh 12 gương mặt tiêu biểu của thành phố giai đoạn 1975-2025, như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Lê Giang. Ngoài ra, sự kiện giới thiệu tám tác giả dưới 35 tuổi, có nhiều tác phẩm được công chúng chú ý.
Các nghệ sĩ từ Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen sẽ biểu diễn các trường ca tiêu biểu, như Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh – một sáng tác về TP HCM sau năm 1975. Nhiều ca sĩ thể hiện những bài thơ kinh điển được phổ nhạc, như Đất nước (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Tạ Hữu Yên), Ngày mai anh lên đường (nhạc: Thanh Trúc, thơ: Lê Giang).
Một trong những điểm nhấn của ngày hội là tọa đàm Vần điệu thi ca dưới mái trường. Nhiều tác giả có sáng tác được đưa vào sách giáo khoa sẽ góp mặt, giao lưu cùng học sinh. Talk show Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt được mong đợi, với các cây bút Quang Chuyền, Đinh Nho Tuấn, Đào Phong Lan, Minh Đan. Hội nhà văn còn trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam lần hai, đồng thời ra mắt tuyển tập Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya.
Bà Bích Ngân cho biết từ năm 2024, ngày thơ trở thành một trong những sự kiện văn hóa – nghệ thuật lớn của thành phố, được sự hỗ trợ của nhiều ban ngành từ giao thông đến y tế. “Chúng tôi kỳ vọng qua chương trình, thơ ca tiếp tục được nâng cao vị thế, trả lại giá trị xứng đáng cho người sáng tạo văn chương”, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM nói.
Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm 2023, sự kiện trở lại sau hai năm phải hoãn vì dịch.
Mai Nhật – Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuu-binh-my-tham-gia-ngay-tho-viet-nam-4846453.html