Cư dân văn hóa Đông Sơn dùng chõ gốm để hấp chín gạo, thức ăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội giai đoạn đó.
Hôm 31/12/2024, Thủ tướng ký quyết định vinh danh chõ gốm văn hóa Đông Sơn là một trong 33 bảo vật quốc gia mới nhất. Hiện vật có tên khác là chõ gốm thời dựng nước, đang được lưu giữ tại phòng trưng bày của nhà sưu tầm Phạm Gia Chi Bảo ở quận 2, TP Thủ Đức.
Chõ được tìm thấy trên địa bàn gần sông Mã, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa, hiện trạng còn gần nguyên vẹn, mép và thành miệng có vài vết sứt nhỏ, trên thân nứt một vết, đã được vá lại với màu sắc khác để người xem dễ phân biệt. Căn cứ chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác, nghệ thuật trang trí, những đối sánh của các nhà nghiên cứu khảo cổ học và hội đồng giám định cho thấy bảo vật thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, dùng để đun, nấu, hấp chín đồ ăn bằng hơi nước.
Đông Sơn là một trong ba nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng góp phần hình thành các nhà nước sơ khai ở Việt Nam, được phát hiện năm 1924 tại làng Đông Sơn, Thanh Hóa. Niên đại của văn hóa Đông Sơn được xác định trong khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau Công nguyên với các giai đoạn phát triển, phân bố trong phạm vi khắp miền Bắc, kéo dài đến Quảng Bình, tập trung chủ yếu ở lưu vực các sông Hồng, sông Mã và sông Cả.
Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, chõ được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật. Xương gốm màu xám đỏ, tương đối cứng, chắc. Hiện vật được nung ngoài trời, nhiệt độ khoảng 800 độ C. Người thợ xếp phôi gốm xen lẫn nguyên liệu và đốt. Do không có lò cố định, nhiệt độ nung không đều, tạo ra những mảng màu khác nhau trên chõ. Đây là kiểu nung phổ biến ở thời tiền – sơ sử Việt Nam. Hiện người Chăm ở Bầu Trúc, tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì kỹ thuật theo truyền thống tương tự.
Bảo vật được tạo hình theo ba phần. Chõ bên trên để đựng nguyên liệu, cao 23 cm, dày 1,2 cm, miệng hơi loe, mép có rãnh và gờ, thân loe, thon dần về phía nồi. Phần nồi bên dưới hình cầu, đáy tròn, vai có gờ, dùng cho đựng nước. Vỉ để ngăn cách giữa chõ và nồi, dày 0,4 cm, đường kính lỗ lớn 11 cm, có ba lỗ nhỏ. Chi tiết gờ nổi ở vai – nơi tiếp giáp hai phần chõ và nồi chưa từng phát hiện ở các di tích đồng đại, tạo nên tính độc bản cho bảo vật, khẳng định kỹ thuật tạo chõ gốm của cư dân Đông Sơn.
Chõ gốm là phát minh có giá trị thực tiễn cao, một trong số loại hình hiện vật nảy sinh từ nội hàm văn hóa Đông Sơn, chủ nhân là người Lạc Việt.
Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết hiện vật có thể nằm trong mộ táng, do khi được tìm thấy vẫn còn nguyên vẹn. Hiện vật gắn liền đời sống của một bộ phận cư dân Đông Sơn có địa vị cao trong xã hội đương thời. So với các loại đồ gốm khác như nồi, chậu, thạp, bát, bình, vò, nồi nấu đồng, khuôn đúc, rất ít chõ được phát hiện. Vì quý hiếm, khi người sở hữu qua đời thường được chôn cùng bảo vật. Tại di tích Đồng Mỏm (Nghệ An) khai quật duy nhất một chiếc chõ trong mộ, trạng thái được đập vỡ trước khi chôn, kê những mảnh vỡ lên phần đầu mộ.
Hơn 2.000 năm trước, người Việt cổ đã chế tác những đồ gốm độc đáo, mang hơi thở thời đại. Văn hóa đồ gốm thấm đượm trong mọi mặt của đời sống xã hội. Về lương thực, lúa gạo vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất. Hình ảnh hạt lúa được sử dụng để trang trí trên một số đồ đồng ở nền văn hóa Đông Sơn.
Khảo cổ học thế giới và Việt Nam đã chứng minh tục ăn chín, uống sôi là một trong những thành tựu lớn của cư dân tiền – sơ sử. Kỹ thuật hấp chín đồ ăn bằng hơi nước sôi là sáng chế tiến bộ nhất của văn hóa Đông Sơn, giúp đẩy mạnh sự phát triển của xã hội đương thời, tăng trưởng thể chất của cư dân Việt cổ. Việc phát hiện các chõ gốm trong khai quật khảo cổ học tại những di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn không chỉ khẳng định tính nguyên bản mà còn chứng minh con người thời này đã biết sử dụng hơi nước làm chín gạo nếp để tạo thành xôi – món ăn tồn tại tới ngày nay.
Cục Di sản Văn hóa nhận định chõ gốm là nguồn sử liệu quan trọng về khoa học để nhận biết về đời sống vật chất, ngành nghề truyền thống, kỹ thuật, đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt cổ. Bảo vật cũng là tư liệu vật chất minh chứng cho những lễ nghi liên quan tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân thời Đông Sơn.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cho-gom-dong-son-sang-che-tu-thoi-so-su-4837289.html