Ngành xuất bản có nhiệm vụ nâng số sách người Việt đọc mỗi năm, gồm sách giấy và sách điện tử, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
VnExpress giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2024, diễn ra tại Hà Nội.
Thưa các bạn, tôi xin phép gọi chung xuất bản và phát hành là xuất bản trong phát biểu này.
Khó khăn của ngành xuất bản những năm gần đây chỉ nói lên một điều là: Ngành xuất bản cần đổi mới, cần tư duy lại về sách. Ngành xuất bản đang thai nghén để tái sinh. Ngành xuất bản sẽ có một hình hài mới để làm sách tốt hơn. Thai nghén là một giai đoạn không dễ dàng.
Một lĩnh vực lâm vào khó khăn là khi nó đang bị thay thế bởi những tổ chức bên ngoài, mà lại chưa tìm ra được hướng đi mới. Khi có một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì sẽ xuất hiện những doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm thay thế ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian mới là không gian mạng. Trong ngành xuất bản tự nhiên xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ số, chưa từng làm xuất bản nhưng lại có sản phẩm thay thế xuất bản. Chủ yếu là ở trên không gian mới.
Vậy chúng ta sẽ ứng phó thế nào? Bị lấy mất thì giành lại là phản ứng tự nhiên. Nhưng giành lại thì phải dùng công nghệ, nhưng công nghệ thì xuất bản lại không mạnh bằng các công ty công nghệ. Dùng công nghệ mới để làm tốt hơn công việc ở không gian cũ thì không đòi hỏi công nghệ ở mức xuất sắc, có thể tự làm. Nhưng ở không gian mới thì đòi hỏi công nghệ phải ở mức xuất sắc.
Vậy nên, hợp tác với công ty công nghệ thì khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn. Xuất bản sẽ phải hoạt động đồng thời ở cả hai không gian. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Còn không gian mới thì sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển trong dài hạn. Nhưng hai không gian này không hoạt động độc lập mà bổ trợ: Chỗ nào, cái nào online tốt hơn thì hãy online và ngược lại.
Xuất bản thì vừa chính trị, vừa văn hóa, vừa kinh tế. Nhuần nhuyễn ba cái này thì xuất bản sẽ thành công. Chính trị thì có sự trợ giúp của Nhà nước, văn hóa thì có sự trợ giúp của nhân dân, kinh tế thì có sự trợ giúp của thị trường. Hãy khai thác và kết hợp thật khéo ba cái này.
Người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Nhưng họ có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc là không đọc (hỏi trợ lý ảo). Nhiều cách đọc hơn tức là không gian của xuất bản rộng hơn. Không gian để sáng tạo cũng vì thế mà rộng hơn rất nhiều. Xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp.
Độc giả ở đâu thì chúng ta phải đến đó. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Đổi mới sáng tạo về cách làm sách, cách phân phối sách, về các mô hình kinh doanh mới, các mô hình hợp tác mới. Phải nghĩ rộng ra, thật rộng ra. Phải mạnh dạn thử sai nhiều cái để tìm ra cái phù hợp cho từng nhà xuất bản. Đổi mới sáng tạo xuất bản sẽ tạo ra tương lai của xuất bản. Và sự sáng tạo ở đây là vô hạn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận xử lý các Sandbox trong lĩnh vực xuất bản.
Quyển sách sẽ vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể chỉ tiếp cận được hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người, nhưng hình tướng ngắn gọn và trên đa nền tảng thì quyển sách có thể tới được hàng triệu người, và nhiều hơn thế nữa, và vì thế mà giá trị của sách cũng tăng lên. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều.
Xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế thị trường. Một nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, có thể là vô hạn. Vậy hãy mở cái “box” của mình. Hợp tác, đặc biệt là hợp tác với các công ty công nghệ số, là lời giải chính cho ngành xuất bản.
Sách thì phải có phương tiện truyền tải. Nếu có các phương tiện truyền tải mới trên môi trường số thì nên dùng. Sách là sáng tạo ra tri thức. Bây giờ có thêm các cách mới để sáng tạo ra tri thức, có công cụ mới để nhiều người hơn có thể sáng tạo và lan tỏa tri thức. Nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng cung cấp công cụ cho nhiều người viết sách, xuất bản, phân phối
Để phát triển sách, phát triển xuất bản thì phải có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Chúng ta đã chuyển Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã lập lại chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách trên truyền hình, trên báo. Số sách mà một người Việt Nam đọc hàng năm hiện nay là không cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Sách là tri thức. Tri thức phải đến được mỗi người dân nhiều hơn thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững. Vậy nên, ngành Xuất bản có nhiệm vụ nâng số sách mà một người Việt Nam đọc mỗi năm.
Xuất bản cũng là kinh doanh. Kinh doanh thì phải có thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi sự khác biệt. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu của riêng mình để không lẫn với các nhà xuất bản khác. Nếu tất cả các nhà xuất bản giống nhau thì chắc chỉ cần một nhà xuất bản. Tìm ra điểm mạnh khác biệt của mình thì nhà xuất bản cũng sẽ tìm ra mô hình kinh doanh khác biệt của mình.
Kinh doanh thì cần giới thiệu, quảng bá. Các nhà sách đang “nghèo” sẽ thật khó khăn trong quảng bá. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam có thể giúp xuất bản Việt Nam, giúp sách Việt Nam bằng cách mỗi tuần chuyển miễn phí một tin nhắn tới người dân về sách. Hành động này có thể nhỏ nhưng với sách thì lại là quá lớn, vì để nhắn 4 tin/tháng tới 100 triệu người Việt Nam thì chi phí là 60 tỷ đồng.
Về một số khó khăn của xuất bản:
Thứ nhất, thiếu đề tài. Thiếu là vì chúng ta nhắm vào bestseller. Bestselller là ở thị trường Tây. Bestseller là bán được hàng triệu cuốn. Nhưng ở Việt Nam thì chưa chắc đã như vậy, bestseller chưa chắc đã phù hợp, chưa khi nào bán được triệu cuốn. Do vậy, phải tiếp cận khác đi, phải biết thị hiếu người đọc Việt Nam, tức là phải biết thị trường, phải nghiên cứu thị trường, rồi phải đọc nhiều bản thảo để tìm ra cái phù hợp. Cái phù hợp thì có khi giá bản thảo rất rẻ.
Thứ hai, thị trường sách thu hẹp. Nói đúng thì là thị trường sách truyền thống đang thu hẹp. Nhà xuất bản bây giờ nếu xác định là có hai không gian để hoạt động thì sẽ thấy thị trường không thu hẹp. Thị trường truyền thống thì vẫn làm, nhưng đa dạng hơn, thỏa mãn nhiều nhu cầu đặc biệt hơn, thí dụ in những sách đã được xác định là có giá trị cao, với chất lượng cao hơn và giá cao hơn. Không gian cũ nhưng cách làm mới. Không gian mới là không gian số, phải coi đây là không gian sinh tồn mới, mặc dù doanh thu chưa cao. Hai không gian này không độc lập nhau mà bổ trợ nhau. Thí dụ, không gian mạng để test thị trường, sau đó mới in. Không gian mạng giá rẻ, không gian thực giá cao. Gần đây, có một hãng phim làm ra một nền tảng số viết truyện và đọc truyện miễn phí, truyện nào nhiều người đọc thì sẽ được mang ra làm phim. Môi trường số thì có thể test thị trường rất tốt.
Thứ ba, sách điện tử tăng chậm. Chúng ta coi sách điện tử là một thị trường độc lập thì sẽ rất khó làm, sẽ thấy thị trường nhỏ, doanh thu nhỏ. Mỹ là nước sách điện tử rất phát triển mà thị phần cũng chỉ 20%. Lời giải ở đây là phải coi thị trường truyền thống và thị trường trên không gian mới, là một và bổ trợ nhau. Có thể doanh thu điện tử thì thấp nhưng lại giúp doanh thu sách in tăng hoặc ngược lại. Nên tư duy “và” hơn là tư duy “hoặc”. Chữ “và” là chữ khó học nhất. Nhưng chỉ có chữ “và” mới mở ra các không gian hợp tác mới.
Thứ tư, nhân lực ngành xuất bản hạn chế. Nhân lực hạn chế là do chúng ta chưa biết cách làm để có doanh thu cao, trả lương cao. Chứ nhân lực thì không thiếu. Do vậy, gốc của nhân lực là ở chỗ kinh doanh. Là ở chỗ sách đã thị trường nhưng nhà xuất bản vẫn chưa tư duy thị trường. Xuất bản là kinh tế, là kinh doanh. Tư duy nhà xuất bản phải như doanh nghiệp, xuất phát từ thị trường, liên tục đổi mới công nghệ, quản lý hiệu quả, hướng cả vào phân đoạn đại chúng và phân đoạn giá trị cao.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế số, của ngành xuất bản. Trọng tâm là sửa đổi Luật Xuất bản. Trong thể chế thì có vấn đề bản quyền, vấn đề mô hình hoạt động của các nhà xuất bản, mô hình để hình thành các nhà xuất bản lớn, mô hình hợp tác, mô hình liên kết. Cục Xuất bản trong năm 2024 phải tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, để bàn về các mô hình xuất bản mới.
Thứ hai, xây dựng hạ tầng số cho ngành xuất bản. Trọng tâm là nền tảng xuất bản số, nền tảng AI phục vụ các nhà xuất bản. Và đây là các nền tảng dùng chung, ít nhất là ở mức cơ bản.
Thứ ba, đào tạo nhân lực số cho ngành xuất bản. Nhân lực số sẽ là lực lượng sản xuất cơ bản của xuất bản. Đào tạo thì có đào tạo mức sử dụng và đào tạo chuyên sâu thông qua đào tạo lại cán bộ xuất bản. Đào tạo về kinh doanh, về quản trị cũng quan trọng không kém gì đào tạo về công nghệ số, nếu nói đúng thì là quan trọng hơn. Cục Xuất bản, In và Phát hành phải dẫn dắt việc đào tạo này.
Thứ tư, làm tốt công tác thống kê, số liệu. Không có số liệu thì không thể ra chính sách đúng được và không quản lý được. Kết nối online từ Cục tới các đơn vị xuất bản để làm tốt công tác thống kê, báo cáo. Tổ chức điều tra xã hội để có cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực.
Thứ năm, mỗi năm phải có được một vài cuốn sách mà hàng trăm ngàn, hàng triệu người đọc, tạo ra một nhận thức chung của toàn xã hội về một giá trị nào đó. Cục Xuất bản cũng phải đóng vai trò nhạc trưởng để sách có sự cân đối, sự cân đối trong hệ tri thức Việt Nam.
Thưa các đồng chí và các bạn, cái cần giữ lại, cái bất biến là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo tri thức, là lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách thì cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Nếu không thay đổi thì có thể sẽ bị thay thế. Đã đến lúc xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, mở ra một trang mới của ngành xuất bản. Đó là xuất bản số. Đó là sự kết hợp xuất bản truyền thống và xuất bản số.
Hãy nghĩ ngược lại và làm khác đi. Những khó khăn và thách thức lớn, kéo dài thì thường chỉ được giải quyết khi nghĩ khác đi. Trong không ít trường hợp thì nghĩ nhỏ sẽ không làm được nhưng nghĩ lớn thì lại có thể làm được, vì nghĩ lớn thì mới thay đổi cách làm, thay đổi cách tiếp cận. Bởi vậy, rất có thể đổi mới đầu tiên của ngành xuất bản là nghĩ lớn hơn.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-nguyen-manh-hung-can-nang-so-sach-nguoi-viet-doc-moi-nam-4729061.html