“Tokyo Olympiad” (1965) thuộc số ít tác phẩm tài liệu được giới chuyên môn đánh giá là phim hay nhất về thể thao từng được thực hiện.
Các phim về đề tài thể thao thường ghi lại quá trình thi đấu, mang đến câu chuyện về đam mê, sự hy sinh của các vận động viên. Dịp Olympic 2024 diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 26/7-11/8, trang IndieWire điểm qua 11 tác phẩm điện ảnh và tài liệu nổi bật lấy đề tài Thế vận hội, xếp theo thứ tự thời gian.
Olympia (1938)
Phim do Leni Riefenstahl đạo diễn, được giới phê bình đánh giá mang đến phong cách thẩm mỹ mới cho việc làm phim tài liệu về thể thao, vượt khỏi khuôn khổ của tường thuật sự kiện. Nội dung chia thành hai phần: Olympia Part One: Festival of the Nations (Lễ hội các quốc gia, 126 phút) và Olympia Part Two: Festival of Beauty (Lễ hội sắc đẹp, 100 phút), khi Đức Quốc xã lên kế hoạch sử dụng Olympic Berlin 1936 để tuyên truyền.
Riefenstahl sử dụng sáu máy quay tại sân vận động Olympiastadion để ghi lại mọi góc độ của sự kiện. Cô gắn nhiều máy ở những nơi khác, gồm cả trên khán đài, khinh khí cầu để ghi hình từ trên cao. Nhiều kỹ thuật quay phim tiên tiến, sau đó trở thành tiêu chuẩn của ngành điện ảnh, được nhà làm phim áp dụng như cảnh cận, các cú máy di chuyển. Trong đó, sự đổi mới lớn nhất nằm ở việc dùng máy quay dưới nước.
Ngoài lồng ghép các chi tiết chính trị thời kỳ đó, Riefenstahl ghi nhận chiến thắng của vận động viên da màu người Mỹ Jesse Owens, khi đánh bại đại diện nước chủ nhà Luz Long ở bộ môn nhảy xa. Năm 2005, tác phẩm được chọn vào danh sách 100 phim xuất sắc từ năm 1923 của tạp chí Time.
Tokyo Olympiad (1965)
Phim của đạo diễn Nhật Kon Ichikawa, lấy bối cảnh Thế vận hội mùa hè lần thứ 18 tại Tokyo (Nhật Bản). Đạo diễn ít tập trung vào khoảnh khắc công bố kết quả, thay vào đó, Ichikawa mang đến bầu không khí căng thẳng của các vòng thi, đề cao nghị lực con người. Ông sử dụng chuyển động và các kỹ thuật camera như chuyển cảnh đột ngột, đóng băng khung hình, quay chậm để tạo ra góc nhìn thẩm mỹ. Ichikawa còn dành thời lượng để mô tả cảm xúc của những vận động viên dừng bước sau trận thi đấu.
Ban đầu, bộ phim có độ dài 165 phút. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Nhật Bản yêu cầu Ichikawa chỉnh sửa còn 93 phút. Dù vậy, bản 165 phút vẫn được công chúng biết đến rộng rãi. Tác phẩm một trong số ít phim tài liệu thể thao có trong cuốn sách 1001 bộ phim bạn phải xem trước khi chết (1001 Movies You Must See Before You Die) của Steven Jay Schneider. Trang IndieWire gọi dự án là “một trong những bộ phim về thể thao hay nhất từng được thực hiện”.
Downhill Racer (1969)
Dự án đầu tay của đạo diễn Michael Ritchie, do James Salter viết kịch bản dựa trên tiểu thuyết The Downhill Racers (1963) của Oakley Hall. Kịch bản xoay quanh David Chappellet (Robert Redford), vận động viên trượt tuyết tài năng nhưng nhiều tham vọng và ích kỷ. Bộ phim mô tả góc khuất của thế giới thể thao chuyên nghiệp, nơi thành công đi kèm với những áp lực và cạnh tranh khốc liệt.
Giới chuyên môn đánh giá cao nội dung tác phẩm khi kể câu chuyện về vận động viên không có tinh thần đồng đội, luôn đặt mục tiêu cá nhân lên hàng đầu và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được thành công. Mặt khác, nhân vật cảm thấy khó khăn khi kết nối với mọi người, đối mặt nhiều áp lực trên đường đua. Màn trình diễn của Robert Redford giúp lột tả cảm xúc nhân vật, thể hiện qua ánh mắt và hành động, tạo đồng cảm cho khán giả.
Chariots of Fire (1981)
Tác phẩm do Hugh Hudson đạo diễn, kể câu chuyện của hai vận động viên điền kinh đại diện nước Anh tham gia Olympic Paris 1924 – Eric Liddell (Ian Charleson đóng) và Harold Abrahams (Ben Cross). Liddell là tín đồ Cơ đốc giáo người Scotland ngoan đạo và Abrahams là người gốc Do Thái. Họ nỗ lực đạt thành tích cao giữa làn sóng bài Do Thái dâng cao ở châu Âu.
Phim đề cập đến những khác biệt về văn hóa, tôn giáo và xã hội, gửi thông điệp con người có thể đoàn kết và cùng nhau hướng tới mục tiêu chung bất chấp những khác biệt. Một trong những phân cảnh kinh điển của tác phẩm là hình ảnh các vận động viên đang chạy trên bãi biển, thể hiện ý chí và sự bền bỉ của con người trước thiên nhiên. Nhạc phim của Vangelis trở thành biểu tượng, được sử dụng thường xuyên trong các sự kiện thể thao.
Ở Oscar 1982, Chariots of Fire nhận bốn giải trong số bảy đề cử, gồm Phim hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc, Thiết kế phục trang xuất sắc và Nhạc phim xuất sắc. Năm 1999, tác phẩm xếp thứ 19 trong danh sách 100 phim Anh hay nhất của Viện phim Anh.
Personal Best (1982)
Dự án của Robert Towne chỉ đạo, về vận động viên điền kinh triển vọng Chris Cahill (Mariel Hemingway đóng) nảy sinh tình cảm với đồng đội Tory Skinner (vận động viên Patrice Donnelly thủ vai). Trong quá trình tập luyện, mối quan hệ của hai người gặp nhiều mâu thuẫn, khiến huấn luyện viên Terry Tingloff (Scott Glenn) không hài lòng. Chris phải đối mặt với áp lực để đạt thành tích cao, đồng thời xoa dịu chuyện tình cảm của mình.
Mối quan hệ giữa Chris và Tory một trong những điểm nhấn của phim, đặt ra câu hỏi về giới hạn giữa tình bạn và tình yêu, về sự chấp nhận của xã hội với vấn đề giới tính. Giới chuyên môn đánh giá tác phẩm khéo léo khi cân bằng câu chuyện giới tính và sự cống hiến của nhân vật cho thể thao. Nhà phê bình Gene Siskel và Roger Ebert đều cho rằng Personal Best là một trong 10 phim hay nhất năm 1982, đạt điểm “tươi” 74% trang đánh giá phim Rotten Tomatoes.
Cool Runnings (1993)
Phim của đạo diễn Jon Turteltaub lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về đội bobsleigh (xe trượt lòng máng) Jamaica thi đấu tại Thế vận hội mùa đông năm 1988 tại Calgary (Canada). Phim kể về vận động viên chạy nước rút Derice Bannock (Leon), cùng với những người bạn Sanka Coffie (Doug E. Doug), Junior Bevil (Rawle D. Lewis) và Yul Brenner (Malik Yoba) quyết định thành lập đội tuyển bobsleigh dù chưa từng thấy tuyết. Với sự giúp đỡ của một cựu vận động viên bobsleigh người Mỹ, cả bốn người quyết tâm thi đấu, dốc toàn lực cho vinh quang.
Phim tràn ngập những tình huống hài hước, những câu thoại dí dỏm, tạo nên những tiếng cười sảng khoái cho khán giả, đồng thời mang đến thông điệp về sự đoàn kết, tinh thần thể thao. Các nhân vật phải thích nghi khí hậu lạnh giá của Calgary, đối mặt hành vi phân biệt chủng tộc từ những đối thủ khác. Tờ Los Angeles Times viết: “Bộ phim hài nhẹ nhàng, vui tươi, thu hút mọi lứa tuổi”.
One Day in September (1999)
Tác phẩm do Kevin Macdonald đạo diễn, giành giải Phim tài liệu xuất sắc Oscar năm 2000. Với lời tường thuật từ tài tử Michael Douglas, bộ phim kể lại cuộc tấn công năm 1972, khi một nhóm khủng bố thuộc tổ chức Black September bắt cóc và sát hại 11 vận động viên Israel tại làng Olympic ở Munich. Nhà làm phim sử dụng các cảnh quay tư liệu, kết hợp phỏng vấn những người sống sót và người thân của nạn nhân. Macdonald thậm chí tìm kiếm và phỏng vấn tên khủng bố Jamal Al-Gashey, đang ẩn náu ở châu Phi.
Trang Film Journal International nhận xét: “Phim ít mang tính điều tra nhưng giàu cảm xúc”. Cây bút John Leonard của trang Vulture viết: “Đạo diễn Kevin Macdonald biến tác phẩm thành bộ phim kinh dị phi hư cấu”.
>>> Xem tiếp các phim về Olympic hay nhất
Quế Chi (theo IndieWire)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/11-phim-hay-nhat-ve-olympic-4780264.html